Đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2008- 2009 môn: ngữ văn thời gian làm bài: 150 phút

doc3 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1604 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2008- 2009 môn: ngữ văn thời gian làm bài: 150 phút, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh
Năm học 2008- 2009
Môn: Ngữ văn
Thời gian làm bài: 150 phút




Câu 1( 3đ)
Phân tích cái hay của việc sử dụng từ “ treo” trong “ sương treo”:
Mặt trời càng lên tỏ
Bông lúa chín thêm vàng
Sương treo đầu ngọn cỏ
Sương lại càng long lanh
 ( Trần Hữu Thung)
Câu 2(5 đ)
Nét đặc sắc, cái hay của đoạn thơ: 
Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng, bỗng gặp cánh tay đưa
 ( Tiếng hát con tàu- Chế Lan Viên)
Câu 3( 12đ)
Đọc Sang thu của nhà thơ Hữu Thỉnh, thêm một lần ta được thưởng thức vẻ đẹp của sự cảm nhận tinh tế, những rung động của một tâm hồn nhạy cảm nghệ sĩ lúc thu sang.
( Nguyễn Trọng Hoàn- Đọc hiểu văn bản Ngữ văn 9, NXB Giáo dục, 2005)















Hướng dẫn chấm khảo sát chọn đội dự tuyển HSG cấp tỉnh
Năm học 2008- 2009
Môn: Ngữ văn

Câu 1( 3đ)
Tác giả đã lựa chọn và sử dụng ngôn từ rất đặc sắc. Nếu viết “ sương đọng”, chỉ gợi được hình khối, ánh sắc bề mặt của giọt sương. Cách viết “ sương rơi” gợi sự tan biến, tàn lụi. Từ “ sương treo” sử dụng tinh tế hơn, gợi trước mắt ta giọt sương như tinh nghịch treo mình trên ngọn cỏ và sắc màu của nó cũng đẹp hơn, ta có thể nhìn thấy giọt sương và chiêm ngưỡng vẻ đẹp óng ánh của nó từ bốn phía. Hạt sương trở nên đẹp hơn, sinh động hơn, cảnh vật như có hồn, bộc lộ được cảm xúc, niềm vui của con người trước cảnh đẹp của đồng lúa chín, hứa hẹn mùa vàng.
Câu 2( 5đ) 
- HS phải phân tích được nét đặc sắc của những biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong đoạn thơ.
- Cảm nhận được cái hay về nội dung mà giá trị thẩm mỹ của nghệ thuật tu từ đem lại:
Giây phút hạnh phúc của người tù cách mạng khi trở về đất liền được nhà thơ Chế Lan Viên diễn tả thật xúc động. Nét độc đáo ở đây là nhà thơ đã mượn những hình ảnh thiên nhiên cụ thể, những sự việc, hiện tượng cụ thể để so sánh diễn tả cái trừu tượng( tâm trạng, tình cảm con người.). Tâm trạng, tình cảm của người chiến sĩ cách mạng từ Côn Đảo trở về, gặp lại nhân dân, được nhà thơ ví von so sánh: “ như nai về suối cũ”, “ cỏ đón giêng hai”, “ chim én gặp mùa”, “ đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa”, “ chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa”. Đó là những hình ảnh giàu sức biểu cảm, diễn tả mối quan hệ gắn bó, mật thiết, như cội nguồn hạnh phúc, diễn tả những thời điểm khát khao cháy bỏng nhất và cũng là những thời điểm bừng lên sức sống, niềm vui bất tận nhất; nhằm diễn tả cho một tư tưởng lớn, một tình cảm đẹp của người chiến sĩ được gặp lại nhân dân, trở về quê hương thật nghẹn ngào, xúc động. Một hồn thơ giàu suy tưởng.
Câu 3( 12đ)
A. Yêu cầu chung
- HS biết cách làm bài nghị luận theo yêu cầu của đề bài. Bố cục bài viết rõ ràng, mạch lạc, lập luận chặt chẽ, có sức thuyết phục. Chữ viết sạch sẽ, không mắc lỗi chính tả, lỗi dùng từ và ngữ pháp.
B. Yêu cầu cụ thể: HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau. Song, bài viết đảm bảo được các nội dung cơ bản dưới đây:
1. Mở bài( 2đ)
- Có lời dẫn dắt, giới thiệu về tác giả Hữu Thỉnh và bài thơ sang thu.
- Nêu khái quát giá trị của bài thơ và lời nhận xét của tác giả Nguyễn Trọng Hoàn.
2. Thân bài( 8đ): HS phân tích bài thơ để làm sáng tỏ sự cảm nhận tinh tế và rung động của nhà thơ lúc thu sang.
a.Khổ thơ đầu( 2,5đ): Cảnh mùa thu đến khá đột ngột và bất ngờ
- Ban đầu, nhà thơ “bỗng” nhận thấy mùi hương ổi “phả vào trong gió se”. Từ “bỗng” diễn tả cảm giác ngỡ ngàng của tác giả khi bắt gặp mùi hương ổi bay trong làn gió se lạnh. Từ “phả” được nhà thơ sử dụng thật có hồn. Không phải là gió mang theo hương ổi mà là những quả ổi chín “phả” hương thơm vào trong gió, làm cho ngọn gió cũng trở nên thơm tho, ngọt ngào.
- Hình ảnh “sương chùng chình qua ngõ”. Từ láy “chùng chình” diễn tả những làn sương đầu thu chuyển động chầm chậm, nhẹ nhàng rất gợi hình, gợi cảm.
- Cuôí khổ thơ tác giả viết: “ hình như thu đã về”. Từ “ hình như” diễn tả cảm giác còn ngờ ngợ của tác giả. Thu đến quá đột ngột và bất ngờ nên nhà thơ cảm thấy ngỡ ngàng, bâng khuâng trước sự biến đổi của trời đất lúc thu sang.
b. Khổ thơ thứ hai( 2,5đ): Thiên nhiên được quan sát ở một không gian rộng lớn hơn, nhiều tầng bậc hơn.
- Dòng sông lúc này “ được lúc dềnh dàng”. Cụm từ” được lúc dềnh dàng” diễn tả dòng sông trôi một cách êm ả, lững lờ, thư thái, không còn cuồn cuộn, hối hả như ở mùa hạ. Cách diễn đạt thật gợi cảm, làm cho dòng sông trở nên sống động hơn.
- Tương phản với dòng sông là hình ảnh đàn chim. Tác giả thật tinh tế và khéo léo khi sử dụng cụm từ “bắt đầu vội vã” để tả cảnh đàn chim bay đi tránh rét khi mùa thu chớm đến.
- Cuối khổ thơ là hình ảnh những đám mây mùa hạ “ vắt nửa mình sang thu”. Đây là một hình ảnh độc đáo, là sản phẩm của trí tưởng tượng sáng tạo của nhà thơ. Hình ảnh này đã khắc hoạ rõ nét thời điểm giao mùa của đất trời từ hạ sang thu: một nửa còn đang ở mùa hạ, một nửa đã nghiêng về mùa thu.
c. Khổ thơ cuối(3đ): Mùa thu được cảm nhận bằng kinh nghiệm, bằng suy ngẫm.
- Thời tiết lúc này chưa hết hẳn cái nắng của mùa hè nhưng “đã vơi dần cơn mưa”. Từ “vơi dần” cho thấy không chỉ ít mưa đi mà còn là mưa ít nước đi. Câu thơ kín đáo bộc lộ cảm xúc giao mùa và những rung động ngọt ngào của lòng người trong thời khắc sang thu.
- Bài thơ khép lại bằng hình ảnh “sấm” và “hàng cây đứng tuổi”. Hình ảnh thơ vừa mang ý nghĩa tả thực vừa mang ý nghĩa ẩn dụ. Từ hình ảnh thực của thiên nhiên, nhà thơ muốn gửi gắm những suy nghĩ sâu xa: con người đã đứng tuổi, đã từng trải thì càng vững vàng hơn trước những tác động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời. 
3. Kết bài(2đ)
- Khẳng định giá trị của bài thơ và lời nhận xét của tác giả Nguyễn Trọng Hoàn về bài thơ Sang thu.
- Liên hệ mở rộng.
Lưu ý: 
Trên đây chỉ là những gợi ý cơ bản. Khi chấm, giáo viên cần vận dụng linh hoạt, tránh đếm ý cho điểm một cách đơn giản, thuần tuý. Tuỳ theo mức độ trình bày nội dung và sai phạm ở hình thức mà trừ điểm từng phần cho phù hợp. Cần khuyến khích những bài viết có lập luận chặt chẽ, văn viết sáng tạo, giàu cảm xúc; chữ viết chuẩn chính tả và đẹp.

 

File đính kèm:

  • docDE THI HOC SINH GIOI VAN(1).doc
Đề thi liên quan