Làm bài nghị luận so sánh khó hay dễ

doc2 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1388 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Làm bài nghị luận so sánh khó hay dễ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LÀM BÀI NGHỊ LUẬN SO SÁNH KHÓ HAY DỄ?

1. Vị trí của kiểu bài nghị luận so sánh
Về lý thuyết, so sánh là phương pháp nhận thức đặt đối tượng này bên cạnh một hay nhiều đối tượng khác để đối chiếu, xem xét và bằng lý lẽ thuyết phục giúp người đọc hiểu vấn đề một cách toàn diện, rõ nét. So sánh là một trong bốn thao tác nghị luận quan trọng (phân tích, bình luận, bác bỏ) được học kỹ ở lóp 11. Thao tác so sánh được dùng phổ biến trong giao tiếp hiện đại, đáp ứng nhu cầu nhận thức, đánh giá của con người từ việc nhỏ nhất đến vấn đề trừu tượng lớn lao của khoa học và đời sống. 
Thao tác nghị luận so sánh thực chất là đối chiếu các đối tượng, chỉ ra những tiêu chí giống và khác nhau trên những bình diện nào đó theo yêu cầu của bài nghị luận xã hội (NLXH) hay nghị luận văn học(NLVH). Kiểu bài nghị luận so sánh văn học trước kia chủ yếu dùng cho học sinh giỏi. Từ năm 2008, kiểu nghị luận này chính thức được dùng như một thao tác lập luận quan trọng và kiểu bài nghị luận của đề thi đại học môn Ngữ văn. Hướng tiếp cận này mở ra cách tư duy mới, phù hợp khi chúng ta chủ động và tự do quan sát, tiếp nhận vấn đề văn học và cuộc sống. Đã đến lúc không chỉ các giáo viên Ngữ văn, không chỉ các thí sinh thi văn đại học cần nghiêm túc học hỏi và thực hành thao tác lập luận so sánh. 
 	Mặc dù từ lâu, không ít thầy cô giáo đã dày công tìm tòi và giảng dạy cho học sinh hiểu khá sâu các kỹ năng lập luận so sánh, cách làm bài so sánh. Thêm một nhận thức và kỹ năng về kiểu nghị luận so sánh của chúng tôi có thể sẽ có ích với thầy cô và học trò khi làm dạng bài văn này? Nếu được hỏi “Làm bài nghị luận so sánh khó hay dễ?”, tôi sẽ nói, “tùy thuộc vào sự hiểu biết về kiểu bài so sánh của bạn!”
2. Dạng bài so sánh
Không ai tổng kết được đầy đủ phạm vi và mức độ, các thuộc tính của văn học và cuộc sống khi so sánh. Trong các đề bài làm văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự chuyển biến đã định hình khi đề thi đại học yêu cầu thí sinh luận bàn về những vấn đề văn chương và đời sống. Những dạng luận đề so sánh trong một số đề của Bộ Giáo dục và Đào tạo gần đây:- So sánh hai chi tiết trong hai tác phẩm: Đề khối D 2010- So sánh chi tiết ấm nước đầy và còn ấm mà Từ dành chăm sóc Hộ và chi tiết bát cháo hành của Thị Nở dành cho Chí Phèo.- So sánh hai đoạn thơ (diễn tả nỗi nhớ) trong hai bài: Tây Tiến của Quang Dũng và Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên- Đề khối C 2008.- So sánh hai đoạn văn (khắc họa vẻ đẹp hai dòng sông) trong hai bài kí: Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân và Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường- Đề khối C 2010.- So sánh hai nhân vật (vẻ đẹp khuất lấp) của: người vợ nhặt trong Vợ nhặt của Kim Lân và người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh 
- Bày tỏ quan điểm về tư tưởng trong bài Vội vàng (Xuân Diệu), hình tượng người lính trong bài Tây Tiến (Quang Dũng), nghệ sĩ Phùng trong Chiếc thuyền ngoài xa ( Nguyễn Minh Châu)... hay vấn đề xã hội của đề Văn năm 2013. Hai vấn đề trong một tác phẩm, trong một vấn đề. 
Các vấn đề của đề thi 2013 yêu cầu người viết hiểu đúng, hiểu sâu những quan trọng là tự bày tỏ hiểu biết tùy theo năng lực nhận thức, không lệ thuộc tài liệu hay bài giảng của thầy cô. Chấp nhận cả quan điểm khác Hướng dẫn chấm, đề thi khuyến khích thí sinh mạnh dạn viết về vấn đề với cảm nhận từ nhiều điểm nhìn khác nhau, trình độ khác nhau. Trên đường hướng đến đề thi mở, đáp án mở, năm 2014 đề thi môn Ngữ văn sẽ tiếp tục đặt những vấn đề cụ thể, phù hợp để thí sinh tự do và sáng tạo bàn luận trên những góc độ và năng lực khác nhau. Vấn đề quan trọng quyết định đánh giá chất lượng bài thi văn lại chính là kỹ năng phân tích, so sánh, bình luận làm rõ vấn đề.
3. Làm thế nào để có những kỹ năng so sánh thành thục?
a. Phân tích đề thật nghiêm túc.
 Chỉ khi đọc hiểu đúng và trúng(Nguyễn Đăng Mạnh) đề bài, xác định các yêu cầu kiến thức, nội dung và thao tác nghị luận, thí sinh mới bắt đầu lập dàn ý sơ lược. Tất cả dàn ý dạng đề thầy cố giáo đã cung cấp cho học sinh. Một trong những bí quyết viết văn hay và thành công là theo công thức. Dàn ý chính là công thức cho bài văn nghị luận. 
b. Lập dàn ý sơ lược
 Trong dự kiến của dàn ý sơ lược xác lập các ý lớn, ý nhỏ của các khía cạnh so sánh.
 Tác phẩm văn học có thể hướng đến nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật; các biểu hiện nhỏ hơn trong đề tài, chủ đề, tư tưởng và cảm hứng nghệ thuật, điểm nhìn và thế giới quan nhà văn; cốt truyện, kết cấu; hình ảnh, chi tiết, từ ngữ; âm hưởng, giọng điệu; ngôn từ hay phong cách nghệ thuật... Ghi lược nhận định ban đầu về sự giống và khác nhau trên những kiến thức hiểu biết về đối tượng so sánh. Không viết thành đoạn hay giải thích để đảm bảo thấy toàn bộ các ý của bài.
c. Viết bài khẩn trương theo dàn ý sơ lược, phân chia thời gian hợp lý.
 	Hai cách trong nhiều cách làm bài nghị luận so sánh dễ thực hành. Những thí sinh không nắm chắc các kỹ năng lập luận chọn cách so sánh từng đối tượng, chỉ ra sự giống và khác biệt để khái quát nhận xét về vấn đề. Bài văn theo cách này không thể ngắn gọn và rất khó tránh trùng lặp ý, trùng lặp từ. Thí sinh cũng hay sa đà, lan man nên bài kém hấp dẫn. Tôi xin nhấn mạnh, quan điểm của thầy cô và thí sinh quyết tâm viết 04-05 trang giấy thi câu 5 điểm là quan niệm rất sai lầm, rất nguy hiểm, cần thay đổi ngay. Viết ngắn gọn, mạch lạc, đủ ý và thuyết phục sẽ được thiện cảm của người chấm.
Cách thứ hai, phân tích so sánh đồng thời giữa các đối tượng trên những nét tương đồng và khác biệt. Thí sinh có năng lực tư duy tổng hợp, logic (một phẩm chất của người hiện đại cần có), vận dụng hiểu biết và ngôn ngữ sẽ viết bài đạt hiệu quả cao. Chúng ta khuyến khích cách viết tổng hợp và hướng dẫn học sinh có lực học chắc chắn nên làm. Viết bài theo tư duy tổng hợp sẽ khắc phục nhiều hạn chế của cách viết theo từng đối tượng. Tất nhiên, Hướng dẫn chấm thi của Bộ môn Văn vẫn hướng dẫn chấm theo cách so sánh từng đối tượng, đơn giản là dành cho thí sinh đại trà.
Những đánh giá nhận xét sau khi phân tích làm rõ các nội dung vấn đề qua xem xét các khía cạnh giống và khác nhau, giá trị tư tưởng và nghệ thuật, giá trị nhân văn là việc không thể thiếu của phần thân bài. Huy động kiến thức liên môn linh hoạt để kiến giải vấn đề sâu sắc.
d. Đọc lại, hiệu chỉnh hoàn thiện bài viết
Nhất thiết nêu rõ yêu cầu này để thí sinh dành khoảng thời gian cần thiết xem lại, hoàn thiện bài làm. Muốn thật chủ động, chúng ta hướng dẫn học sinh chọn cách viết nào ngắn gọn, phù hợp năng lực nhận thức và kỹ năng, phân bố thời lượng từng câu hỏi hài hòa. Những thí sinh nhận điểm bài thấp hầu hết mắc lỗi viết nhiều, lan man, dùng quá mức thời lượng cho một câu, để cuối cùng không kịp viết hoặc hoảng loạn viết. 
4. Thay lời kết
Giảng dạy làm văn trong trường THPT vẫn là câu chuyện xưa như thuở xưa. Mỗi anh làm theo một hướng, chủ yếu theo chủ nghĩa kinh nghiệm. Nếu chúng ta không quan tâm đích đáng rèn kỹ năng làm văn, nhất là kỹ năng so sánh; nếu chúng ta thuận đà chỉ chú trọng giảng bình tác phẩm có thể học sinh sẽ rất khó khăn trước những vấn đề mới của đề thi. Học sinh rất khao khát được rèn nhiều kỹ năng nghị luận. Theo tôi được biết, không có nhiều thầy cô dạy Ngữ văn thực hiện đúng yêu cầu giờ viết bài, giờ trả bài, nhất là giờ luyện tập kỹ năng, thậm chí ngay cả các thầy cô dạy thêm ngoài nhà trường cũng né tránh các vấn đề này. Học sinh ngại làm bài, viết bài một phần do đề cũ, do văn mẫu nhưng phần lớn vì họ không được trang bị kiến thức kỹ năng, không được thực hành nói, thực hành viết. Chương trình hiện hành dành khá nhiều giờ học lý thuyết và kỹ năng. Chúng ta hãy tự thay đổi suy nghĩ và cách dạy phân môn Làm văn, làm thay đổi tư duy học trò, góp phần đổi mới việc học văn, làm văn giúp học sinh thích ứng và làm tốt bất cứ dạng đề bài nào đặt ra./.
 
 Đêm đông ngày cuối năm Tây, 29-12-2013 
 Nguyễn Lư- THPT Vĩnh Yên- Vĩnh Phúc

File đính kèm:

  • docDe Van so sanh kho hay de VP2014.doc