Kỳ thi học sinh giỏi văn hoá lớp 9 năm học 2005 - 2006

doc4 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1225 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kỳ thi học sinh giỏi văn hoá lớp 9 năm học 2005 - 2006, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Phòng Giáo dục Cam Lộ	

Kỳ thi học sinh giỏi văn hoá lớp 9 năm học 2005 - 2006
Khoá ngày 11 tháng 11 năm 2005
Đề thi môn: Ngữ văn
Thời gian làm bài 120 phút ( không kể thời gian giao đề)

Câu 1: (3 điểm) Cho đoạn văn sau:
	“Ngày hôm đó trôi qua và ngay cả trong ánh hoàng hôn, họ vẫn có thể trông thấy chiếc lá thường xuân đơn độc níu vào cái cuống của nó trên tường. Thế rồi, cùng với màn đêm buông xuống, gió bấc lại ào ào, trong khi mưa vẫn đập mạnh vào cửa sổ và rơi lộp độp xuống đất từ mái hiên thấp kiểu Hà Lan.
	Khi trời vừa hửng sáng thì Giôn-Xi, con người tàn nhẫn, lại ra lệnh kéo màn lên.
	Chiếc lá thường xuân vẫn còn đó.
	Giôn-Xi nằm nhìn chiếc lá hồi lâu. Rồi cô gọi Xiu đang quấy món cháo gà trên lò hơi đốt.
	“Em thật là một con bé hư, chị Xiu thân yêu ơi”, Giôn-Xi nói. “Có một cái gì đấy đã làm cho chiếc lá cuối cùng vẫn còn đó để cho em thấy rằng mình đã tệ như thế nào. Muốn chết là một tội. Giờ thì chị có thể cho em xin tí cháo và chút sữa pha ít rượu vang đỏ và - khoan - đưa cho em chiếc gương tay trước đã, rồi xếp mấy chiếc gối lại quanh em, để em ngồi đây xem chị nấu nướng.”
	(Ohenri, Chiếc lá cuối cùng)
	1/Hãy chứng minh đây là một đoạn văn tự sự có kết hợp các yếu tố miêu tả và biểu cảm thành công.
	2/Nghệ thuật miêu tả tâm lý con người thật đặc sắc trong đoạn văn. Hãy nêu và phân tích.

Câu 2: (7 điểm) 	Bánh trôi nước
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
	Có ý kiến cho rằng “Hồ Xuân Hương qua bài thơ đã khái quát lên được hình ảnh người phụ nữ Việt Nam với những nỗi khổ đau và vẻ đẹp của họ”. Bằng những hiểu biết của em về hình ảnh người phụ nữ dưới chế độ phong kiến qua tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương”, “ Truyện Kiều”. Hãy phân tích và làm sáng tỏ ý kiến trên.






Phòng Giáo dục Cam Lộ	

Kỳ thi học sinh giỏi văn hoá lớp 9 năm học 2005 - 2006
Khoá ngày 11 tháng 11 năm 2005
Hướng dẫn chấm môn: Ngữ văn

Câu 1: (3 điểm) HS trình bày các ý sau:
	1/Yếu tố miêu tả và yếu tố biểu cảm (1,5 đ)
	-Miêu tả: (0,5 đ)
	+Miêu tả ánh hoàng hôn và chiếc lá thường xuân đơn độc vẫn níu vào cái cuống ...
	+Miêu tả đêm: gió bấc ào ào, mưa đập mạnh, rơi lộp bộp.
	-Biểu cảm: (0,5 đ)
	+Giôn-Xi, con người tàn nhẫn (vì không thiết sống).
	+Chiếc lá thường xuân còn đó (Sự bất ngờ)
	+Muốn chết là có tội ...
	-Đoạn văn thành công trong kể chuyện nhờ sự đan xen khéo léo yếu tố miêu tả và biểu cảm độc đáo. (0,5 đ)
	2/Nghệ thuật miêu tả tâm lý con người đặc sắc (1,5 đ)
	-Câu văn ngắn đứng một mình một đoạn: “Chiếc lá thường xuân còn đó”.(0,5 đ)
	-Từ chỗ tuyệt vọng chuyển sang tin yêu dần dần trở về với cuộc sống và muốn sống là một quá trình phát triển tâm lý (1 đ)
	+Giôn-Xi nằm nhìn chiếc lá hồi lâu - gọi Xiu bộc lộ tâm sự của mình (muốn chết là có tội)
	+cho xin tí cháo, chút sữa pha ít rượu vang đỏ.
	+Đưa cho chiếc gương.
	+Xếp mấy chiếc gối quanh, để ngồi lên xem nấu nướng.
Câu 2: (7 điểm)
	A/Yêu cầu:
	-HS viết đúng thể loại phân tích, chứng minh, bố cục chặt chẽ, rõ ràng, có tính sáng tạo.
	-Văn viết có hình ảnh, dẫn chứng sinh động, trình bày sạch sẽ, không sai chính tả, ngữ pháp.
	-Bài làm phải phân tích và chứng minh được nổi khổ đau và vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến qua 3 tác phẩm “Bánh trôi nước”, “Chuyện người con gái Nam Xương”, “Truyện Kiều” với những nội dung sau:
	1/Nói đến người phụ nữ là nói đến nổi khổ đau khốn cùng của họ trong chế độ phong kiến.
	a.Người phụ nữ là nạn nhân của lễ giáo phong kiến
	Lễ giáo phong kiến không cho người phụ nữ bất cứ quyền hành nào: không có quyền ăn, quyền nói, quyền yêu, quyền định đoạt hạnh phúc tương lai
	b.Người phụ nữ là nạn nhân của chiến tranh phong kiến
	Nguyên nhân sâu xa dẫn đến nỗi oan khuất của Vũ Nương để nàng tìm đến cái chết là do chiến tranh làm cho gia đình nàng, vợ chồng phải xa nhau ...
	c.Người phụ nữ là nạn nhân của chế độ Nam quyền đa thê.
	+Họ trở thành thứ đồ chơi mua vui cho cái ích kỷ của nam giới: (Thuý Kiều làm gái lầu xanh)
	+Nàng Vũ Nương bị chồng vũ phu đánh đập, chà đạp lên phẩm giá phải tìm đến cái chết.
	d.Họ còn là nạn nhân của đồng tiền, trở thành món hàng mua bán trong xã hội.
	-Vì tiền để cứu cha và em Kiều phải bán mình.
	-Vì tiền mà Kiều phải từ bỏ mối tình đầu trong trắng.
	-Vì tiền mà Kiều phải sống 15 năm lưu lạc, chà đạp dày vò tấm thân tả tơi ngập chìm trong chốn bùn nhơ.
	2/Những nét đẹp của người phụ nữ:
	a.Họ là những người phụ nữ đẹp nết,đẹp người (lấy dẫn chứng: Thuỷ chung, hiếu thảo, đảm đang...)
	b.Họ ý thức về mình rất cao tức là biết đau khổ,biết tự trọng, biết giữ phẩm giá của mình (D/chứng)
	c.Họ dám vượt qua lễ giáo để tìm đến tình yêu, hạnh phúc.(Dẫn chứng)
	3/Khi phân tích ý kiến trên phải có dẫn chứng để phân tích (cần lấy dẫn chứng tiêu biểu toàn diện).
	B.Cách cho điểm:
	1/Mở bài: (1 đ)HS biết dẫn dắt vấn đề, nêu vấn đề C/m, p/tích
	2/Thân bài: (5 đ) Biết cách phân tích, nêu dẫn chứng, chứng minh các yêu cầu trên.
	3/Kết bài: (1 đ)
	-Khẳng định qua 3 tác phẩm tiêu biểu của văn học trung đại ta thấy người phụ nữ hiện lên với những nỗi khổ đau và phẩm chất tốt đẹp.
	-Họ là những người mang trong mình vẽ đẹp, thuần hậu, bao dung, thuỷ chung son sắt. Chính những nét đẹp đó mãi mãi là nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.
***Thang điểm đánh giá:
	Điểm 7: Bài làm đạt các yêu cầu trên, bài viết có cảm xúc, diễn đạt trôi chảy, phân tích sâu. Có thể sai từ 2-4 lỗi chính tả.
	Điểm 6: Bài đạt các yêu cầu trên sai > 5lỗi chính tả
	Điểm 4-5: Bài làm đạy các yêu cầu, những còn có sai soát nhỏ về chính tả hoặc diễn đạt.
	Điểm 3: Hiểu đúng thể loại, bố cục đủ, dẫn chứng tương đối đầy đủ, nhưng diễn đạt còn lủng củng, còn sai sót nhỏ về chính tả, ngữ pháp.
	Điểm 1-2: Bài làm chưa đạt yêu cầu trên
	Lưu ý: Tuỳ theo bài làm của HS, giám khảo vận dụng cho các thang điểm khác phù hợp.
	



File đính kèm:

  • docDE HSG VAN 0506.doc