Đề thi môn ngữ văn lớp 10 năm học 2010 – 2011 Trường Thpt Lấp Vò 1

doc4 trang | Chia sẻ: dethi | Lượt xem: 1214 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi môn ngữ văn lớp 10 năm học 2010 – 2011 Trường Thpt Lấp Vò 1, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GD & ĐT ĐỒNG THÁP
TRƯỜNG THPT LẤP VÒ 1 ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN LỚP 10 
	 NĂM HỌC 2010 – 2011
 	THỜI GIAN 90 PHÚT (không kể thời gian phát đề)

I.Phần bắt buộc: (4 điểm)
 Câu 1: (2 điểm)
 Hãy trình bày hoàn cảnh ra đời tác phẩm Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi
 Câu 2: (2 điểm)
 Phân tích và chữa lỗi trong các câu sau: 
a. Qua tác phẩm “Truyện Kiều” đã cho ta thấy hình ảnh của người phụ nữ đẹp nhưng bất hạnh. 
b. Cứ tiếp tục đánh Pháp cho đến ngày toàn thắng.
II.Phần tự chọn: (6 điểm)
 Thí sinh chỉ được chọn làm bài một trong 2 câu (3a hoặc 3b)
 Câu 3a: Theo chương trình Chuẩn (6 điểm)
 Cảm nhận của anh (chị) về tâm trạng nhân vật Thuý Kiều trong đoạn thơ sau: “ Khi tỉnh rượu lúc tàn canh,
Giật mình, mình lại thương mình xót xa.
Khi sao phong gấm rủ là,
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.
Mặt sao dày gió dạn sương,
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân !
Mặc người mưa Sở mây Tần,
Những mình nào biết có xuân là gì”.
 ( Trích “ Nỗi thương mình” – Truyện Kiều – Nguyễn Du - SGK Ngữ văn 10, tập 2 - 2008).
 Câu 3b: Theo chương trình nâng cao (6 điểm)
 Vẻ đẹp hình tượng người anh hùng Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng 
 ( Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du - SGK Ngữ văn 10, tập 2 – 2008 ).
HƯỚNG DẪN CHẤM THI 
 NĂM HỌC 2010 - 2011
Môn: Ngữ Văn 10

I. Hướng dẫn chung
 1. Dưới đây là một số định hướng, giám khảo chấm thi linh hoạt trong việc vận dụng đáp án, tránh đếm ý cho điểm. Khuyến khích các bài viết sáng tạo, có kĩ năng tốt.
 2. Việc chi tiết hóa điểm số của các ý (nếu có) phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của mỗi ý và được thống nhất trong Hội đồng chấm thi.
 3. Sau khi cộng điểm toàn bài, làm tròn đến 0,5.
II. Hướng dẫn chấm chi tiết
 Phần bắt buộc: (4 điểm)
 Câu 1: (2 điểm). 
 Sau khi quân ta đại thắng, tiêu diệt và làm tan rã 15 vạn viện binh của giặc, Vương Thông buộc phải giảng hoà, chấp nhận rút quân về nước. (1 điểm)
 Đầu năm 1428, sau khi dẹp xong giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi vua, giao cho Nguyễn Trãi viết bài cáo để tuyên bố kết thúc chiến tranh, lập lại hoà bình cho đất nước. (1 điểm)
 Câu 2: (2 điểm). 
 a. Sai: Câu mới có trạng ngữ, thiếu C-V. (0.5 điểm)
 Chữa: (0.5 điểm) C1: Qua tác phẩm “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã cho ta thấy hình ảnh của người phụ nữ đẹp nhưng bất hạnh. 
 C2: Bỏ từ “qua”: Tác phẩm “Truyện Kiều” đã cho ta thấy hình ảnh của người phụ nữ đẹp nhưng bất hạnh. 
 b. Sai: Câu thiếu chủ ngữ.(0.5 điểm)
 Chữa: (0.5 điểm) Chúng ta vẫn cứ tiếp tục đánh Pháp cho đến ngày toàn thắng.
 *Lưu ý: Mỗi ý được 0.5 điểm
 Phần tự chọn: (6 điểm)
 a.Yêu cầu về kĩ năng:
 Bài viết có bố cục rõ ràng, chặt chẽ, có luận điểm, dẫn chứng cụ thể hợp lí. Hạn chế lỗi diến đạt, lỗi chính tả.
 b. Yêu cầu về kiến thức: (Cho điểm trên cơ sở yêu cầu về kĩ năng)
 Câu 3: Theo chương trình Chuẩn (6 điểm)
 Mở bài : 
 Nêu được vấn đề nghị luận ( về tác giả, tác phẩm, vị trí của đoạn trích) – trích đề.(0.5 điểm)
 Thân bài 
 Luận điểm 1: Đó là tâm trạng và nỗi niềm thương thân xót phận của Thuý Kiều ( 2 câu đầu ).(1 điểm)
 - Câu “Khi tỉnh rượu / lúc tàn canh” : nhịp 3/3 => Tỉnh dậy khi đêm tàn canh, giật mình đối diện với chính mình
 - Câu “Giật mình / mình/ lại thương mình / xót xa ” : nhịp thay đổi + điệp từ “mình 3 lần ” => sự ý thức về nhân phẩm, vừa là nỗi thương thân xót phận.
 Luận điểm 2: Ý thức rất cao về phẩm giá, nhân cách ( 6 câu còn lại )(3 điểm) 
 Sự đối lập giữa thực tại và quá khứ thể hiện sự tiếc thương thân mình bị vùi dập và nỗi đau về sự thay thân đổi phận. Cụ thể : 
 -Khi sao – giờ sao – mặt sao – thân sao => nghệ thuật điệp + tăng tiến khắc sâu nỗi đau đớn, đó cũng là sự ý thức thân phận, phẩm giá của mình 
 -Nghệ thuật tách + ghép: từ tạo từ mới : “bướm chán ong chường, dày gió dạn sương” => Dù phải sống trong hoàn cảnh tủi nhục nhưng nàng không buông thả, mà ý thức rất cao về phẩm giá, nhân cách, tức là ý thức về quyền sống của bản thân. Điều đó chứng tỏ Kiều là người có đức hạnh, khao khát cuộc sống tốt đẹp. 
 Luận điểm 3: Thông cảm cho nỗi đau của Kiều và trân trọng nhân cách đáng quý của nàng.(1 điểm)
 Qua tâm trạng của Thuý Kiều, Nguyễn Du đã thông cảm cho nỗi đau và trân trọng nhân cách đáng quý của nàng. Để thể hiện chủ nghĩa nhân văn sâu sắc ấy, Nguyễn Du đã tô đậm nỗi thương thân xót phận bằng hình thức đối xứng trong câu thơ, cách dùng từ ngữ gợi cảm...
 Kết bài
- Khái quát lại vấn đề (0.5 điểm)
 Câu 3b: Theo chương trình nâng cao (6 điểm)
Mở bài (0,5 điểm)
 - Giới thiệu đoạn trích Chí khí anh hùng.
 - Khái quát về nhân vật Từ Hải (trong đoạn trích, với cuộc đời Kiều)
Thân bài (5 điểm)
 - Từ Hải là người anh hùng có lí tưởng làm nên sự nghiệp lớn.(2,5 điểm)
 + Hình ảnh người anh hùng hiện lên kì vĩ, lớn lao với hình ảnh "thanh gươm yên ngựa" và được so sánh với chim bằng (loại chim huyền thoại được dùng để so sánh với chí lớn của nam nhi)... + Khát vọng, chí khí lớn lao của người anh hùng được thể hiện qua bút pháp ước lệ và cảm hứng vũ trụ: "động lòng bốn phương", "trời bể mênh mang","bốn bể"... Sự nghiệp lớn mà Từ Hải khao khát là: “Bao giờ m­êi vạn tinh binh /Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường” (Câu thơ có cả âm thanh, hình ảnh, sắc màu cụ thể hóa uớc vọng lớn lao của Từ Hải). 
 - Không chỉ ý thức rõ ràng về tài năng, lí tưởng của mình mà Từ Hải còn quyết tâm thực hiện lí tưởng đó..(2,5 điểm) + Từ đã vượt qua những níu kéo của tình cảm cá nhân riêng tư, không vì tình yêu mà quên đi lí tưởng cao cả. 
 + Từ Hải tin vào tài năng, sức mạnh của bản thân, tin vào tương lai tươi sáng: "Bằng nay bốn bể không nhà" nhưng sẽ có ngày nắm trong tay "mười vạn tinh binh", và ngày đó sẽ không xa "Đành lòng chờ đó ít lâu/ Chầy chăng là một năm sau vội gì"
+ Hệ thống từ ngữ thể hiện sự quyết tâm cao độ của Từ Hải: "thoắt", "thẳng rong", "quyết lời", "dứt áo ra đi". - Tóm lại: Với khuynh hướng lí tưởng hóa, Nguyễn Du đã xây dựng nên hình tượng người anh hùng Từ Hải với phẩm chất và chí khí phi thường. Từ Hải chính là ước mơ công lí trong Truyện Kiều.
Kết bài (0,5 điểm)
Khẳng định giá trị đoạn thơ và tài năng nghệ thuật của Nguyễn Du
 * Lưu ý: 
Giám khảo cần trân trọng những phát hiện, cảm nhận mới và sâu sắc của thí sinh để đánh giá đúng bài viết.





File đính kèm:

  • docDE THI HK II.doc