Đề thi học sinh giỏi Lớp 7 môn Tiếng Việt

doc7 trang | Chia sẻ: frankloveabc | Lượt xem: 1612 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi học sinh giỏi Lớp 7 môn Tiếng Việt, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi Học sinh giỏi lớp 7.
 Thời gian: 150 phút.
Câu 1: (2 điểm) 
 Khoanh tròn vào chữ cái đầu câu trả lời đúng nhất?
1. Tác phẩm trữ tình là?
 A. Những văn bản viết bằng thơ.
 B. Những tác phẩm kể lại một câu truyện cảm động.
 C. Thơ và tuỳ bút.
 D. Những văn bản thể hiện tình cảm, cảm xúc của tác giả.
2. Nhận xét nào sau đây không đúng về tác phẩm trữ tình?
 A. Tác phẩm trữ tình chỉ dùng lối bày tỏ cảm xúc một cách trực tiếp.
 B. Ngôn ngữ trong tác phẩm trữ tình thường giàu hình ảnh, giàu sức gợi cảm.
 C. Trong tác phẩm trữ tình có sự xuất hiện của nhận vật trữ tình – tác giả.
 D. Trong tác phẩm trữ tình có thể có yếu tố tự sự, miêu tả.
3. Tác phẩm nào sau đây không thuộc tác phẩm trữ tình?
 A. Bài ca Côn Sơn B. Một thứ quà của lúa non: Cốm
 C. Qua Đèo Ngang D. Cuộc chia tay của những con bút bê
4. Tâm trạng của tác giả - Bà Huyện Thanh Quan thể hiện qua bài thơ “Qua Đèo Ngang” là tâm trạng như thế nào?
 A. Yêu say trước vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước.
 B. Cô đơn trước thực tại, da diết nhớ về quá khứ của đất nước. 
 C. Buồn thương da diết khi phải sống trong cảnh ngộ cô dơn.
 D. Đau xót ngậm ngùi trước sự thay đổi của quê hương.
5. Chữ “tử” trong từ nào sau đây không có nghĩa là con?
 A. Thiên tử B. Phụ tử
 C. Bất tử D. Hoàng tử 
6. Chử “cổ” trong từ nào sau đây đồng âm với chữ “cổ” trong những từ còn lại?
 A. Cổ tay B. Cổ tích
 C. Cổ thụ D. Cổ kính
7. Đọc hai câu thơ sau: 
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,
 Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà
 (Hồ Chí Minh)
 Cho biết tác giả đã sử dụng kiểu điệp ngữ nào?
 A. Điệp ngữ cách quãng B. Điệp ngữ nối tiếp
 C. Điệp ngữ chuyển tiếp D. Cả A, B, C đều sai
8. Trong câu ca dao: “Ai làm cho bể kia đầy...” đại từ “ai” dùng để làm gì?
 A. Trỏ người B. Hỏi về người
 C. Trỏ vật D. Hỏi về vật
Câu 2: (2 điểm) 
 Em hãy giới thiệu về tác giả Nguyễn Trãi và bài thơ “Bài ca Côn Sơn” (Côn Sơn ca).
Câu 3: (2 điểm)
 Đây là lời của người mẹ Việt Nam, trong thời kì kháng chiến chống Mĩ, nói với con trai của mình:
“Con là lửa ấm quanh đời mẹ mãi
Con là trái xanh mùa gieo vãi
Mẹ nâng niu. Nhưng giặc Mĩ đến nhà
Nắng đã chiều ... vẫn muốn hắt tia xa!”
 (Trích bài thơ “Mẹ” của Phạm Ngọc Cảnh)
 Hãy chỉ rõ phép tu từ tác giả sử dụng trong đoạn thơ trên và phân tích tác dụng của chúng.
Câu 4: (4 điểm)
 Cảm nghĩ của em về bài thơ “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê” (Hồi hương ngẫu thư) của Hạ Tri Chương.


 Đáp án.
Câu 1: (2 điểm)
Mỗi câu đúng cho 0,25 điểm.


Câu 1
câu 2
câu3
câu4
câu 5
câu6
câu 7
câu 8
 Đáp án đúng
D
A
D
B
C
A
C
A

Câu 2: (2 điểm)
Giới thiệu về tác giả Nguyễn Trãi 
 + Nguyễn Trãi (1380 – 1442) con của Nguyễn Phi Khanh.
 + Quê gốc ở xã Chi Ngại, huyện Chí Linh, Tỉnh Chí Linh sau dời đến làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây.
 + Ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn với vai trò rất to lớn bên cạnh Lê Lợi, trở thành nhân vật lịch sử toàn tài.
 + Nhưng cuối cùng ông bị giết hại một cách oan khốc và thảm thương vào năm 1442, mãi đến năm 1464 mới được vua Lê Thánh Tông chiêu tuyết (rửa oan).
 + Ông là người Việt Nam đầu tiên được UNESCO công nhận là danh nhân văn hoá thế giới (1980).
 + Nguyễn Trãi để lại một sự nghiệp văn chương đồ sộ và phong phú, trong đó có Bình Ngô đại cáo, ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập, Quân trung từ mệnh tập. (1 điểm).
Giới thiệu bài thơ “Bài ca Côn Sơn” (Côn Sơn ca). 
 + Được sáng tác trong thời gian ông cáo quan về sống ở Côn Sơn.
 + “Côn Sơn ca” trong nguyên văn chữ Hán viết theo thể thơ khác nhưng ở đây được dịch bằng thể thơ lục bát.
 + Với hình ảnh nhân vật “ta” giữa cảnh tượng Côn Sơn nên thơ, hấp dẫn, đoạn thơ cho thấy sự giao hoà trọn vẹn giữa con người và thiên nhiên bắt nguồn từ nhân cách thanh cao, tâm hồn thi sĩ của chính Nguyễn Trãi. (1 điểm).
Câu 3: (2điểm)
 Hs xác định được trong đoạn thơ tác giả có sử dụng phép tu từ:
 +So sánh: Con là lửa ấm... là trái xanh... -> Con là cuộc sống của mẹ, mẹ nâng niu giữ gìn. (0,75 điểm)
 + ẩn dụ: Hình ảnh “Nắng đã chiều...” là hình ảnh bà mẹ đã ở tuổi đã “xế chiều” nhưng mẹ vẫn hết lòng vì Tổ quốc “vẫn muốn hắt tia xa” vẫn muốn động viên con trai mình đi đánh giặc. (0,75 điểm).
 + Mẹ càng nâng niu, yêu quí con trai mình bao nhiêu thì càng thấy rõ lòng yêu nước, sự hi sinh lớn lao của mẹ khi mẹ động viên con trai của mình đi đánh giặc cứu nước.
 (0,5 điểm)
Câu 4: (4 điểm)
 Yêu cầu chung:
Bài viết thể hiện rõ đặc trưng thể loại: Biểu cảm.
Văn viết mạch lạc, tình cảm chân thành trong sáng.
Bố cục rõ ràng, cân đối.
 Yêu cầu cụ thể:
* Mở bài: 
 + Giới thiệu tác giả, tác phẩm: Hạ Tri Chương với bài thơ “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê” (Hồi hương ngẫu thư).
 + Giới thiệu cảm xúc và ấn tượng của em về bài thơ: Bài thơ thể hiện tình yêu quê hương sâu nặng và cảm xúc ngậm ngùi xót xa của một người sống xa quê lâu ngày, trong khoảnh khắc vừa mới đặt chân trở về quê cũ. (0,5 điểm)
 * Thân bài: 
 + Cảm nghĩ về tình yêu quê hương sâu nặng của Hạ Tri Chương gửi gắm trong hai câu thơ đầu: Thể hiện rõ ở hành trình trẻ đi tìm sự nghiệp, già trở về quê hương. Hành trình đó trải dài suốt trên năm mươi năm nhưng tình quê vẫn trọn vẹn, vẫn đậm đà, thuỷ chung qua hình ảnh “Hương âm vô cải” (giọng quê không đổi). (1,25 điểm)
 + Cảm nghĩ về tâm trạng ngậm ngùi của thi nhân – một người sống xa quê lâu ngày- trong khoảnh khắc vừa mới đặt chân trở về quê cũ (hai câu kết): 
 Tình huống bất ngờ: Gặp trẻ nhỏ, chúng cười hỏi khách ở chốn nào lại chơi? -> Bị xem là khách lạ ngay chính quê hương – Tình quê lúc này nồng nàn mà xót xa hơn bất cứ lúc nào. Và câu hỏi không lời đáp tạo dư âm sâu lắng tâm trạng ngậm ngùi xót xa.
 (1,25 điểm) 
 + Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật, ngôn ngữ cô đọng mà hàm súc, kết hợp các phương thức biểu đạt như tự sự, miêu tả, biểu cảm nhà thơ đã biểu hiện một cách chân thực mà sâu sắc, hóm hỉnh mà ngậm ngùi tình yêu quê hương thắm thiết của một một người sống xa quê, trong buổi mới về quê. (0,5 điểm) 
* Kết bài: 
+ Khẳng định lại cảm xúc và trình bày suy nghĩ của bản thân. ( 0,5 điểm)
 

 Lưu ý: Giáo viên linh động, ưu tiên bài viết có tính sáng tạo của học sinh.

 Đề thi Học sinh giỏi lớp 6.
 Thời gian: 150 phút 
Câu 1: (2 điểm) 
 Khoanh tròn vào chữ cái đầu câu trả lời đúng nhất?
1. Cho biết truyện “Thạch Sanh” thuộc thể loại nào?
 A. Truyền thuyết B. Cổ tích 
 C. Ngụ ngôn D. Truyện cười
2. Truyện “Thạch Sanh” chi tiết có ý nghĩa nhân văn nhất là:
 A. Thạch Sanh giết chằn tinh để cứu Lí Thông và trừ hoạ cho dân làng.
 B. Thạch Sanh giết đại bàng để cứu công chúa.
 C. Thạch Sanh tha cho mẹ con Lí Thông.
 D. Thạch Sanh đẩy lui quân giặc mười tám nước chư hầu bằng tiếng đàn, lại còn thết đãi cơm cho binh lính bại trận.
3. Trong bốn cách chia loại từ phức sau đây, cách nào đúng?
 A. Từ ghép và từ láy B. Từ phức và từ ghép
 C. Từ phức và từ láy D. Từ phức và từ đơn
4. Từ nào sau đây là từ láy?
 A. Than thở B. Mệt mỏi
 C. Rung rinh D. Ngon ngọt
5. Các danh từ: thúng, đấu, nắm, gang ... thuộc loại danh từ nào?
 A. Danh từ chỉ đơn vị chính xác B. Danh từ riêng
 C. Danh từ chỉ đơn vị ước chừng D. Cả A, B, C đều sai.
6. Trong câu: “Gia tài chỉ có một lưỡi búa của cha để lại” có mấy cụm danh từ?
 A. Một cụm B. Hai cụm
 C. Ba cụm D. bốn cụm
7. Từ hoa trong câu thơ: “Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng” (trích “Truyện Kiều” của Nguyễn Du) được tác giả dùng với nghĩa nào?
 A. Nghĩa gốc B. Nghĩa chuyển
8. Khoanh tròn chữ cái đặt trước những ý kiến đúng:
 A. Một văn bản tự sự bao giờ cũng phải có nhiều chủ đề.
 B. Một văn bản tự sự chỉ có thể có một chủ đề.
 C. Một văn bản tự sự có thể có nhiều chủ đề.
 D. Chủ đề là vấn đề chủ yếu mà người viết muốn đặt ra trong văn bản.
Câu 2: (2 điểm)
 Em hãy cho biết đặc điểm của truyện truyền thuyết? Đặc điểm ấy thể hiện như thế nào qua truyện “Thánh Gióng”.
Câu 3: (2 điểm)
 Đọc đoạn thơ sau: 
 “... Sáng hè đẹp lắm em ơi
 Đầu non cỏ lục, mặt trời vừa lên.
 Da trời xanh ngát, thần tiên 
 Đỏ au đường lớn mang tên Bác Hồ.
 Trường Sơn mây núi lô xô,
 Quân đi, sóng lượn nhấp nhô, bụi hồng...”
 (“Nước non ngàn dặm” – Tố Hữu)
 Cho biết: 
Tìm những từ láy và giải thích nghĩa của chúng? 
Các tính từ chỉ màu sắc là những từ nào? Tác dụng của những từ ấy trong đoạn thơ?
Câu 4: (4 điểm) Em hãy tưởng tượng và kể lại bằng văn xuôi bài thơ dưới đây:
 Sa bẫy
Bé Mây rủ mèo con
Đánh bẫy bầy chuột nhắt
Mồi thơm cá nướng ngon
Lửng lơ trong cạm sắt.

Lũ chuột tham hoá ngốc
Chẳng nhịn thèm được đâu!
Bé Mây cười tít mắt
Mèo gật gù, rung râu. 

Đêm ấy Mây nằm ngủ
Mơ đầy lồng chuột sa
Cùng Mèo con đem xử
Chúng khóc ròng, xin tha!

Sáng mai vùng xuống bếp:
Bẫy sập từ bao giờ
Chuột không, cá cũng hết
Giữa lồng mèo nằm ... mơ!
 (Nguyễn Hoàng Sơn)











Đáp án Ngữ văn 6.
Câu 1: (2 điểm) Mỗi câu trả lời đúng cho 0,25 điểm.


Câu 1
Câu 2
Câu 3
Câu 4
Câu 5
Câu 6
Câu 7
Câu 8
Đáp án đúng
B
D
A
C
C
A
B
C, D

Câu 2: (2 điểm)
 - Học sinh trình bày được đặc điểm của truyện truyền thuyết:
 + Là loại truyện dân gian kể về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử thời quá khứ.
 + Thường có các yếu tố tưởng tượng kì ảo
 + Thể hiện thái độ, cách đánh giá của nhân dân ta đối với nhân vật và sự kiện lịch sử.
 (1 điểm)
 - Chỉ rõ đặc điểm ấy thể hiện trong truyền thuyết “Thánh Gióng”.
 + Truyện kể về nhân vật lịch sử và sự kiện lịch sử: Vua Hùng cùng nhân dân ta chống giặc Ân xâm lược.
 + Các yếu tố tưởng tượng kì ảo như: Sự xuất thân của Gióng, tuổi thơ kì lạ của Gióng, Gióng lớn nhanh như thổi...
 + Thể hiện thái độ, cách đánh giá của nhân dân ta đối với nhân vật lịch sử và sự kiện lịch sử: Ca ngợi công lao giữ nước của vua Hùng và ca ngợi chủ nghĩa anh hùng chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta. (1 điểm)
Câu 3: (2 điểm)
 - Học sinh xác định được các từ láy, giải nghĩa:
 + Lô xô: Nổi lên, uốn lượn nhấp nhô.
 + Nhấp nhô: Dâng lên, thụt xuống liên tiếp.
 (0,75 điểm)
 - Các tính từ chỉ màu sắc: lục, xanh ngắt, đỏ au, hồng. (0,5 điểm)
 - Tác dụng: Các từ láy, tính từ có tác dụng gợi tả vẻ đẹp tráng lệ cảnh sắc con đường chiến lược Trường Sơn vào một buổi sáng mùa hè. Cảnh đẹp ấy tiềm ẩn một sức sống mãnh liệt của đất nước ta. Đoạn thơ giàu hình tượng và biểu cảm. (0,75 điểm)
Câu 4: (4 điểm)
Yêu cầu chung:
Bài viết thể hiện rõ đặc trưng thể loại: Tự sự
Văn viết mạch lạc, lời kể rõ ràng, sáng tạo.
Bố cục rõ ràng, cân đối.
Yêu cầu cụ thể:
 * Mở bài: Giới thiệu về Bé Mây và Mèo Con, hai nhân vật chính, để mở đầu câu chuyện. (0,5 điểm)
 * Thân bài: Bài thơ gồm bốn khổ, vì thế có thể dựa vào ý của từng khổ thơ để tưởng tượng và kể chuyện. Khi kể cần nêu lần lượt từng sự việc sao cho phù hợp với diễn biến của một câu chuyện.
 Nội dung chính có thể kể theo trình tự diễn biến của các sự việc như sau:
Mây bàn với Mèo Con chuyện bẫy chuột.
Mây và Mèo Con cài mồi, đặt bẫy.
Giấc mơ của Mây.
Kết quả của việc bẫy chuột: Mèo lại sa bẫy.
 (Mỗi sự việc 0,75 điểm)
 * Kết bài:
 Có thể nêu: Suy nghĩ của bé Mây về việc bẫy chuột.
 Hoặc nêu cảm nghĩ của bản thân về ý nghĩa của đầu đề bài thơ.
 (0,5 điểm)


 Lưu ý: Giáo viên linh động, ưu tiên bài viết có tính sáng tạo của học sinh.



File đính kèm:

  • docDe thi hoc sinh gioi 67.doc
Đề thi liên quan