Bài thơ năm xưa: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”

doc14 trang | Chia sẻ: frankloveabc | Lượt xem: 4498 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài thơ năm xưa: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Bài thơ năm xưa:
“Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”

I 
Tin về nửa đêm 
Hỏa tốc hỏa tốc 
Ngựa bay lên dốc 
Đuốc chạy sáng rừng 
Chuông reo tin mừng 
Loa kêu từng cửa 
Làng bản đỏ đèn, đỏ lửa... 

Hoan hô chiến sĩ Điện Biên 
Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp! 
Sét đánh ngày đêm 
xuống đầu giặc Pháp! 
Vinh quang Tổ quốc chúng ta 
Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa 
Vinh quang Hồ Chí Minh, Cha của 
chúng ta ngàn năm sống mãi 
Quyết chiến quyết thắng, cờ đỏ 
sao vàng vĩ đại 

Kháng chiến ba nghìn ngày 
Không đêm nào vui bằng đêm nay 
Đêm lịch sử Điện Biên sáng rực 
Trên đất nước, như 
Huân chương trên ngực 
Dân tộc ta dân tộc anh hùng! 

Điện Biên vời vợi nghìn trùng 
Mà lòng bốn biển nhịp cùng lòng ta 
Đêm nay bè bạn gần xa 
Tin về chắc cũng chan hòa vui chung. 

II 

Hoan hô chiến sĩ Điện Biên 
Chiến sĩ anh hùng 
Đầu nung lửa sắt 
Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, 
ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt 
Máu trộn bùn non 
Gan không núng 
Chí không mòn! 
Những đồng chí thân chôn làm 
giá súng 
Đầu bịt lỗ châu mai 
Băng mình qua núi thép gai 
Ào ào vũ bão, 
Những đồng chí chèn lưng cứu pháo 
Nát thân, nhắm mắt, còn ôm... 
Những bàn tay xẻ núi lăn bom 
Nhất định mở đường cho xe ta 
lên chiến trường tiếp viện 

Và những chị, những anh ngày 
đêm ra tiền tuyến 
Mấy tầng mây gió lớn mưa to 
Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ 
Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát 
Dù bom đạn xương tan, thịt nát 
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh... 
Hỡi các chị, các anh 
Trên chiến trường ngã xuống 
Máu của anh chị, của chúng ta 
không uổng 
Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam 
Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam 
Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng... 

III 

Lũ chúng nó phải hàng, phải chết 
Quyết trận này quét sạch Điện Biên! 
Quân giặc điên 
Chúng bay chui xuống đất 
Chúng bay chạy đằng trời? 
Trời không của chúng bay 
Đạn ta rào lưới sắt! 
Đất không của chúng bay 
Đai thép ta thắt chặt! 

Của ta trời đất đêm ngày 
Núi kia, đồi nọ, sông này của ta 
Chúng bay chỉ một đường ra 
Một là tử địa, hai là tù binh 
Hạ súng xuống rùng mình run rẩy 
Nghe pháo ta lừng lẫy thét gầm! 
Nghe trưa nay tháng năm, mùng bảy 
Trên đầu bay thác lửa hờn căm 
Trông: Bốn mặt lũy hầm sụp đổ 
Tướng quân bay lố nhố cờ hàng 
Trông: Chúng ta cờ đỏ sao vàng 
Rực trời đất Điện Biên toàn thắng! 
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên! 

Tiếng reo núi vọng sông rền 
Đêm nay chắc cũng về bên Bác Hồ 
Bác đang cúi xuống bản đồ 
Chắc là nghe tiếng quân hò quân reo... 
Từ khi vượt núi qua đèo 
Ta đi, Bác vẫn nhìn theo từng ngày 
Tin về mừng thọ đêm nay 
Chắc vui lòng Bác giờ này đợi trông! 

IV 

Đồng chí Phạm Văn Đồng 
Ở bên đó, chắc đêm nay không ngủ 
Tin đây Anh, Điện Biên Phủ hoàn thành 
Ngày mai, vào cuộc đấu tranh 
Nhìn xuống mặt bọn Bi-đôn, Smít 
Anh sẽ nói: "Thực dân, phát xít 
Đã tàn rồi! 
Tổ quốc chúng tôi 
Muốn độc lập hòa bình trở lại 
Không muốn lửa bom đổ 
xuống đầu con cái 
Nước chúng tôi và nước các anh 
Nếu còn say máu chiến tranh 
Ở Việt Nam, các anh nên nhớ 
Tre đã thành chông, sông là sông lửa 
Và trận thắng Điện Biên 
Cũng mới là bài học đầu tiên!"

Tố Hữu (5-1954)

Lời bình của Trịnh Thanh Sơn
Nếu nói Tố Hữu là nhà thơ cách mạng, nhà thơ thời sự thì Hoan hô chiến sĩ Điện Biên có lẽ là một trong những bài thơ thời sự nhất của ông. Theo ngày tháng đề dưới bài thơ (5-1954) thì ông viết bài thơ này ngay sau ngày Điện Biên Phủ chiến thắng. 

Ngày "Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về là ngày 7-5-1954, thì ngày 11-5-1954, báo Nhân Dân đã in trang trọng trên trang nhất bài thơ này của Tố Hữu. Có nghĩa là, từ khi viết cho đến lúc bài thơ ra mắt hàng triệu độc giả chỉ vẻn vẹn có bốn ngày. 

Bài thơ dài tới 96 câu thơ, viết bằng thể thơ tự do có vần (Tố Hữu không viết thơ không vần bao giờ), xen lẫn những đoạn lục bát và vài ba câu song thất, như những lời hát hân hoan xen vào một ký sự thơ. 

Cả bài thơ mang một tiết tấu nhanh, mạnh; khỏe ào ào như sóng reo, thác cuốn, lửa cháy và bão táp. Câu, chữ trong thơ là câu chữ dân giã, dễ hiểu, mang hàm lượng thông tin rất cao. Sắc độ chính, xuyên suốt bài thơ là tiếng reo vui, hân hoan chiến thắng. Ngay "tít" bài thơ cũng thể hiện điều đó: "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên"! Lấy một tiếng reo vui, một câu khẩu ngữ mang tính khẩu hiệu làm đầu đề cho bài thơ Tố Hữu đã khẳng định âm hưởng chính cho bài thơ của ông rồi: Đây là niềm hân hoan chiến thắng. 

Bài thơ dài, vì thế nhà thơ tổ chức bố cục thật chặt chẽ và khoa học. Có thể thấy bài thơ được chia làm sáu đoạn nhỏ, mỗi đoạn mang một mầu sắc riêng và mang một sứ mạng cụ thể: 

Đoạn 1 (bảy câu đầu): Đây là một tin thông tấn được viết dưới góc độ nhìn và tình cảm của một nhà thơ có trái tim yêu nước nồng nhiệt. Ông cho biết rõ thời gian ông nhận được tin, đó là "nửa đêm" (Tin về nửa đêm) và tin ấy đã đến với ông rất nhanh, rất kịp thời, rất "hỏa tốc" (Hỏa tốc, hỏa tốc). Rồi tin ấy đã đến với ông bằng một chiến sĩ thông tin đi ngựa (chứ không phải bằng điện đài - (Ngựa bay lên dốc). Sau khi ông biết tin, thì cả làng bản nơi ông ở đều cùng được biết: 

Đuốc chạy sáng rừng 
Chuông reo tin mừng 
Loa kêu từng cửa 
Làng bản đỏ đèn, đỏ lửa! 

Tuy nhiên, ta chỉ biết đó là một tin vui, từ một người nhân ra nhiều người, từ một nhà nhân ra nhiều nhà, từ một bản nhân ra nhiều bản. Nhưng tin vui đó là tin gì vậy, ông vẫn giấu, ông dành cái tin vui ấy cho câu mở đầu ở đoạn 2. Cái tài của người đưa - tin - thi - sĩ chính là ở đấy! 

Đoạn 2 (bảy câu tiếp): Ngay câu mở đầu của đoạn 2, tác giả đã "bật mí" cái tin vui to lớn kia là tin gì: Nhưng vì là nhà thơ, thay vì nói "Chúng ta đã giải phóng Điện Biên rồi!", thì nhà thơ lại báo tin bằng một lời reo vui, một khẩu hiệu: 

Hoan hô chiến sĩ Điện Biên! 

Niềm vui to lớn quá làm cho nhà thơ không kìm nén nổi lòng mình, bật reo lên những lời xưng tụng, rất gần với khẩu ngữ mà vẫn tràn đầy chất thơ, ngợi ca vị tướng tài ba, ngợi ca Bác Hồ, những người trực tiếp chỉ đạo để làm nên chiến thắng lẫy lừng: 

Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp 
Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp 
... Vinh quang Hồ Chí Minh - cha của chúng ta ngàn năm sống mãi! 
Quyết chiến quyết thắng cờ đỏ sao vàng vĩ đại! 

Đọc tới đây, ta chợt nhớ đã có hơn một lần, nhà thơ cũng reo vui bồng bột và nồng nàn như thế. Đó là cái đêm lịch sử đứng dậy cướp chính quyền ở Huế, quê hương ông: 

Chừ đây Huế, Huế ơi! Xiềng gông xưa đã gãy 
Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi! 
Nước mắt ta trào híp mí, tràn môi 
Cổ ta ré trăm trận cười, trận khóc! 
... Gió gió ơi! Hãy làm giông, làm tố 
Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi 
Vàng vàng bay đẹp quá sao sao ơi 
Ta ngã vật trong dòng người cuộn thác... 
(Huế tháng Tám - Từ ấy) 

Chín năm, sau niềm vui ấy là niềm vui hôm nay, dù có từng trải và ghìm nén hơn,nhưng những lời thơ hào sảng thì vẫn nguyên như thế, nguyên một hồn thơ dạt dào như thế; tràn qua đoạn 3 (9 câu): 

Kháng chiến ba ngàn ngày 
Không đêm nào vui bằng đêm nay 
Đêm lịch sử Điện Biên sáng rực 
Trên đất nước như huân chương trên ngực 
Dân tộc ta dân tộc anh hùng! 

Khúc hát hân hoan như một trữ tình ngoại đề, như một dàn đồng ca dào dạt cất lên, thông qua những câu lục bát như lời ru của Mẹ: 

Điện Biên vời vợi ngàn trùng 
Mà lòng bốn biển nhịp cùng lòng ta 
Đêm nay bè bạn gần xa 
Tin về chắc cũng chan hòa vui chung? 

Đoạn 4 (27 câu): Đây là đoạn thơ quan trọng nhất có sức nặng nhất của toàn bộ bài thơ. Tác giả dành hẳn 27 câu thơ để mô tả một cách trực diện cuộc chiến đấu gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt của quân dân ta để giành thắng lợi cuối cùng. Mở đầu đoạn thơ quan trọng này, nhà thơ láy lại câu "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên" như một tôn vinh, như một tượng đài bất tử: 

Hoan hô chiến sĩ Điện Biên 
Chiến sĩ anh hùng 
Đầu nung lửa sắt 
Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt 
Máu trộn bùn non 
Gan không núng 
Chí không mòn! 

Đó là bức chân dung sáng rỡ của tập thể những người chiến sĩ Điện Biên trong một cái nhìn toàn cảnh, còn đây là những đặc tả gương mặt của những anh hùng cụ thể, có tên tuổi như Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện... đã được nhà thơ khắc ghi vào lịch sử văn học đời đời: 

Những đồng chí thân chôn làm giá súng 
Đầu bịt lỗ châu mai 
Băng mình qua núi thép gai 
Ào ào vũ bão 
Những đồng chí chèn lưng cứu pháo 
Nát thân, nhắm mắt còn ôm... 

Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh, là cuộc chiến đấu toàn dân, toàn diện, có sự đóng góp sức lực và xương máu của cả nước. Nhà thơ đã ngợi ca điều đó trong những vần thơ kế tiếp: Và những chị, những anh đêm ngày ra tiền tuyến/ Mấy tầng mây gió lớn mưa to/ Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò chị hát/ Dù bom đạn xương tan thịt nát/ Không sờn lòng không tiếc tuổi xanh... Và tác giả khẳng định: 

Hỡi các chị, các anh 
Trên chiến trường ngã xuống 
Máu của anh chị, của chúng ta không uổng 
Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam 
Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam 
Hoa mơ lại trắng vườn cam lại vàng! 

Hoa, quả của đất nước mãi còn từ máu và nước mắt, từ tuổi thanh xuân của những anh hùng, liệt sĩ Điện Biên, đó không chỉ là những lời an ủi mà là sự tôn vinh vĩnh hằng! 

Đoạn 5 (22 câu): Nhà thơ dành đoạn thơ này để mô tả kẻ thù, những kẻ thù trực tiếp và gián tiếp, những kẻ xâm lược mà kết cục cuối cùng là sự thất bại thảm hại. Lời thơ ở đoạn này thật rắn rỏi, quyết liệt chứng tỏ một tinh thần không khoan nhượng trước kẻ thù! Nhà thơ vốn tài hoa và dịu dàng là thế mà không ngần ngại dùng những từ nhân xưng thật mạnh mẽ và thấm thía: "Lũ" và "nó" và "chúng bay": 

Lũ chúng nó phải hàng, phải chết 
Quyết trận này quét sạch Điện Biên 
Quân giặc điên 
Chúng bay chui xuống đất 
Chúng bay chạy đường trời! 
... Chúng bay chỉ một đường ra 
Một là tử địa, hai là tù binh? 

Những lời thơ ấy, không phải chỉ được viết ra sau khi chúng ta đã giành được chiến thắng; như một sự ăn theo, một tràng vỗ tay muộn mằn, mà nó hình thành ngay từ khi chúng ta quyết định đối đầu với Pháp ở Điện Biên Phủ. Niềm tin chiến thắng, niềm tin ở Đảng và Bác Hồ là động lực vô cùng to lớn để những chiến sĩ Điện Biên phất cờ chiến thắng trên hầm De Castries. Bức tranh hoành tráng này, nhà thơ vẽ trên núi rừng, sông suối của Điện Biên: 

Nghe trưa nay, tháng 5, mồng 7, 
Trên đầu bay thác lửa hờn căm 
Trông: Bốn mặt lũy hầm sụp đổ 
Tướng quân bay lố nhố cờ hàng 
Trông: Chúng ta cờ đỏ sao vàng 
Rực trời đất Điện Biên toàn thắng! 

Và thêm một lần nữa, nhà thơ reo lên: 

Hoan hô chiến sĩ Điện Biên! 

Đoạn 6. Chiến thắng lẫy lừng ấy của toàn dân tộc từ đâu mà ra, do đâu mà có? Trong phút lắng lại của những ngày vui dào dạt, nhà thơ nhớ đến Bác Hồ và nghĩ tới công lao của Bác cho trận quyết đấu lịch sử này. Bằng tám câu thơ lục bát, nhà thơ đã vẽ nên hình ảnh Bác kính yêu trong niềm vui của toàn dân tộc: 

Tiếng reo núi vọng sông rền 
Đêm nay chắc cũng về bên Bác Hồ 
Bác đang cúi xuống bản đồ 
Chắc là nghe tiếng quân hò quân reo 
Từ khi vượt suối băng đèo 
Ta đi, Bác vẫn nhìn theo từng ngày 
Tin về mừng thọ đêm nay 
Chắc vui lòng Bác giờ này đợi trông! 

Đọc những câu thơ reo vui ấy, tự nhiên ta giật mình! Ừ nhỉ, chiến thắng Điện Biên (7-5-1954) chỉ cách sinh nhật lần thứ 64 của Bác hơn mười ngày! Nhà thơ liên hệ ngay rằng, chiến thắng này là những bông hoa của toàn dân tộc gửi lên mừng thọ Bác: "Tin về mừng thọ đêm nay/ Chắc vui lòng Bác giờ này đợi trông!". 

Cũng trong đoạn thơ thứ 6 này, nhà thơ nhớ tới Thủ tướng Phạm Văn Đồng và phái đoàn ngoại giao Việt Nam ở Hội nghị Geneva. Tin chiến thắng Điện Biên sẽ làm cho chúng ta có được một tư thế mới trước kẻ thù: 

Tin đây Anh, Điện Biên Phủ hoàn thành 
Ngày mai vào cuộc đấu tranh 
Nhìn xuống bọn Bi đôn, Smít 
Anh sẽ nói: Thực dân, phát xít 
Đã tàn rồi! 

Và như thế, để chuyển sang phần kết của bài thơ mang vóc dáng một trường ca này. Ở đoạn cuối cùng, nhà thơ tuyên bố với thế giới rằng, chúng tôi, những người Việt Nam đã chiến thắng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc mình. Và bài học Điện Biên này sẽ làm cho các dân tộc thuộc địa biết vùng lên giành quyền tự do, độc lập cho dân tộc mình. Nhà thơ khẳng định, chiến thắng Điện Biên Phủ đã chôn vùi chế độ thực dân cũ: 

Tổ quốc chúng tôi 
Muốn độc lập, hòa bình trở lại 
Không muốn lửa bom đổ xuống đầu con cái 
Nước chúng tôi và nước các anh 
Nếu còn say máu chiến tranh 
Ở Việt Nam, các anh nên nhớ 
Tre đã thành chông, sông là sông lửa 
Và trận thắng Điện Biên 
Cũng mới là bài học đầu tiên! 

Có thể nói, cùng với chiến thắng Điện Biên lịch sử, vang dội địa cầu, bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của nhà thơ Tố Hữu đã làm nên bức tượng đài sừng sững tạc vào năm tháng, tạo một mốc son trong tiến trình lịch sử văn học dân tộc nói chung và trong tiến trình thơ Tố Hữu nói riêng. 

(Kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ), Hà Nội 2004 - Báo Văn Nghệ.

Tố Hữu và bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Tố Hữu là một nhà thơ lớn. Nói đúng hơn, ông là nhà thơ lãng mạn cách mạng. Cả cuộc đời ông gắn bó với cách mạng. Thơ với đời là một. Trước sau đều nhất quán. Tố Hữu nhìn cách mạng bằng con mắt lãng mạn của một thi sĩ. Thơ ông dường như chỉ có một giọng. Đó là giọng hát tưng bừng ca ngợi cách mạng. Đọc ông trong bất cứ hoàn cảnh và tâm trạng nào, ta cũng thấy phấn chấn, náo nức như đi trẩy hội. Đến đâu cũng nghe vang tiếng trống, tiếng kèn. Mà thơ ông đâu chỉ có trống phách linh đình như một đám rước, ông còn bắn cả 21 phát đại bác vang trời. Cho đến nay, chỉ có ông là nhà thơ Việt Nam duy nhất đã bắn đại bác trang trọng như thế. Trong tâm hồn lớn lộng gió của ông không có những góc khuất, những vùng tối, những nẻo đường hiu quạnh, những thành quách nhàn nhạt một màu rêu cô liêu. Nghĩa là không có chỗ nương náu cho những nốt nhạc lạc điệu, xa lạ và trầm buồn. Đôi khi, những nỗi niềm vu vơ có ở thời Từ ấy lại lần theo một con đường riêng nhuốm màu thiên nhiên, chìm lẩn trong tiềm thức mà tìm về với ông, thì ông lại tự xoá đi, để tiếng hát ông chỉ còn một âm hưởng chủ đạo. Âm hưởng vui bất tuyệt. 
Nếu mỗi nghệ sĩ là một người thư ký của thời đại, theo quan niệm Balzac, thì Tố Hữu chính là người thư ký của cách mạng. Thơ ông là biên niên sử cách mạng. Có thể lần theo dấu vết thơ ông mà tìm những bước thăng trầm của cách mạng, của kháng chiến. Chính vì thế, trong những ngày cả nước long trọng kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tôi tìm lại thơ ông, tra cứu thơ ông, như tra cứu một cuốn tự điển cách mạng. Tôi lật trang Điện Biên Phủ và lập tức lại gặp ngay tiếng reo vui tưng bừng quen thuộc của ông: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên. Đây là bài thơ khá nổi tiếng của Tố Hữu. Bài thơ cung cấp cho ta nhiều con số và những tư liệu lịch sử. Qua thơ mà ta biết cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài ba ngàn ngày. Chiến dịch Điện Biên Phủ từ lúc mở màn đến khi kết thúc thắng lợi là 56 ngày đêm. Trong thời gian này, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đang ở Việt Bắc. Trên bàn làm việc dã chiến của Người có bản đồ Điện Biên Phủ. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi hội đàm với Chính phủ Pháp ở Paris. Trưởng phái đoàn ngoại giao của Pháp là Biđôn (Bidault). Trưởng phái đoàn ngoại giao của Mỹ là Smit (Smith). Còn đại tướng Võ Nguyên Giáp thì dàn quân ở giữa trận tiền. Và bạt ngàn bộ đội, dân công đi tiếp lương, tải đạn, kéo pháo, mở đường. Lương thực, đạn được vận chuyển đến Điện Biên bằng hai phương tiện chính: thồ và gánh. Đời sống tinh thần của bộ đội và dân công ta ở cái thời ấy cũng được Tố Hữu ghi chép khá tỉ mỉ: người ta động viên nhau, thúc đẩy nhau bằng tiếng hát. Những điệu hò lơ, hấy lơ vang vọng khắp các triền đèo hiểm trở Lũng Lô, Pha Đin. Như thế, xem ra, việc chuẩn bị chiến đấu vất vả, gian khổ nhưng vui. Rõ ràng đi kháng chiến như đi trẩy hội. Còn khi đã chiến đấu thì thật ác liệt. Có thể nói đó là cuộc chiến đẫm máu. Người khoét núi đặt bộc phá. Người bịt lỗ châu mai. Người lấy thân chèn pháo. Và máu người đã nhuộm đỏ cánh đồng Mường Thanh. Máu trộn với bùn đất. Chỉ một chi tiết này, ta biết chiến dịch mở vào mùa mưa. Đó là một thử thách không nhỏ đối với người lính Điện Biên Phủ. Tất cả những tư liệu lịch sử có tính thông tấn báo chí ấy, đã được Tố Hữu biến thành tình cảm, giai điệu. Và bao phủ lên nó là một bầu không khí hừng hực. Bầu không khí Điện Biên. 
Tố Hữu có đi chiến dịch không? Ông viết bài thơ này trong trường hợp nào? Lúc ấy ông ở đâu? Ông đang làm gì, giữ những trọng trách gì? Chiến thắng Điện Biên đến với ông ra sao? Đấy là những câu hỏi mà độc giả hôm nay tò mò muốn được giải đáp. Nhưng ai giải đáp nổi? Chỉ có thể là Tố Hữu. Và chúng tôi được giao một nhiệm vụ rất cụ thể: tìm đến gặp Tố Hữu, rồi lân la hỏi chuyện ông.

II 

Chúng tôi tập kích vào nhà Tố Hữu, đúng theo cách tiếp cận của lính Điện Biên Phủ. Ngay lập tức nhà thơ lớn đã bị bốn anh em lính báo bao vây. Ngoài tôi và nhà phê bình Hồng Diệu, còn có thêm Khánh Chi, Trường Giang - hai phóng viên trẻ của báo Đại đoàn kết. Bây giờ thì Tố Hữu đã ngồi gọn giữa mấy anh em chúng tôi. Trông ông trầm tĩnh như một ngọn tháp cổ kính. Mà không, ông như một vị nguyên soái đã giã từ vũ khí, giã từ mọi thứ xiêm áo lỉnh kỉnh mà tạo hoá đã bỡn cợt khoác lên ông, nhiều khi che khuất cả chính ông, để ông chỉ còn lại là một già làng, có phần cô đơn, bé nhỏ, da mồi, mái tóc bạc trắng sương gió, dường như đã quá quen với trận mạc, với mọi biến cố, thăng trầm của cõi đời dâu bể. Lơ lửng ở đâu đó trong khoảng u u minh minh trên mái đầu ngả bạc của ông, hình như vẫn còn lung liêng, vẫn còn chao lắc cái con quay mờ mờ nhân ảnh của ông Trời. ý nghĩ ấy đến với tôi khi tôi đang thành kính ngắm ông như ngắm một viện bảo tàng. Còn ông thì ngồi im lặng. Đôi mắt riu riu nửa thức, nửa ngủ, có lúc lơ đãng vô vi như một người đang nhập thiền, có lúc lại ánh lên, long lanh sáng như mảnh thuỷ tinh vỡ. Vào những giây khắc mong manh đó, tôi chợt thấy ông vẫn còn là một vị tướng soái, với đầy đủ mũ áo cân đai. Còn bây giờ, ông có vẻ như hơi ngỡ ngàng. Ông đưa mắt nhìn lũ chúng tôi là mở chiến dịch rút lui quyết không dây với lũ trẻ ranh. 
- Chuyện Điện Biên ấy mà, nói thực là mình biết không nhiều lắm đâu. Cái này các cậu phải đến gặp Hồ Phương, Hữu Mai, hay Từ Bích Hoàng. Các anh ấy đi chiến dịch Điện Biên, các anh ấy biết nhiều chuyện đấy. 
- Chuyện Điện Biên thì bạn đọc cũng đã biết rồi, vừa qua mấy anh em làm báo đã sục vào hầm De Castries, còn lặn lội vượt đèo leo suối vào tận sở chỉ huy ta ở Mường Phăng. Anh Lê Lựu đã đến gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh Hồng Diệu đã gặp ba thiếu tướng Hồ Phương, Chu Phác và Dũng Hà. Mấy anh em còn tham khảo cả tài liệu của Pháp nói về Điện Biên. Nghĩa là nhìn Điện Biên ở mọi góc độ khác nhau. Bây giờ, mấy anh em muốn hỏi anh về bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên. 
Tố Hữu cười: 
- Bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên thì cũng chẳng có gì phải nói thêm nữa. Mình đã viết cả ra rồi. Có gì cũng nói tuột ra hết. Thơ mình là thế, là cứ nói thẳng tuồn tuột, chẳng có gì khuất khúc cả. 
- Vâng, bài thơ nói được nhiều điều lắm. Đầy ắp tư liệu thông tin. Nhưng có thông tin mà bạn đọc bây giờ tò mò muốn biết thì bài thơ lại không nói đến. ấy là thông tin về tác giả. Khi viết bài thơ này, anh đang ở đâu? 
Tố Hữu ngồi im lặng. ánh mắt bỗng xa vợi. Hình như ông đang lục trong trí nhớ, cố tìm một hình ảnh nào đó, một bóng dáng nào đó của kỷ niệm xa mờ. 
- Chịu, không thể nhớ được. - Tố Hữu quay về phía tôi. - Mình già rồi, u mê rồi. Có lẽ các anh ở cục tác chiến, quân bưu, các anh ấy nhớ, chứ mình thì quên mất rồi. Cái bản ấy, nó có cái tên là khau khau gì đấy. Hồi đó, mình là trưởng ban tuyên truyền. Suốt ngày chỉ hong hóng chờ tin tức từ chỗ anh Trường Chinh, hoặc lại chạy sang bên Bộ Tổng, Quân uỷ trung ương, chỗ anh Văn, hỏi xem có đánh nhau ở đâu thì viết bài tuyên truyền. Mà viết xong cũng chẳng biết đưa cho ai nữa. Hồi ấy, phương tiện tuyên truyền của ta còn nghèo lắm, sơ sài lắm, đâu có được phong phú như hồi chống Mỹ. Công cụ tuyên truyền chỉ có mỗi tờ báo Nhân Dân với cái đài 500 oát. Còn thì phần lớn là tuyên truyền mồm quan cánh dân công. Mỗi trận đánh thắng, tự thân nó đã có sức tuyên truyền rồi. Nó lan xa lắm, lan nhanh lắm. Còn chuyện Điện Biên thì sau này mới rầm rộ. Hò kéo pháo. Điện Biên bấy giờ im ắng lắm. Ta âm thầm chuẩn bị lực lượng. Không ai có thể nghĩ được rằng, ta lại có thể đưa được quân, đưa được pháo vào Điện Biên. Thực tế khách quan thì không thể làm được. Đường sá hiểm trở lắm, toàn những đèo dốc, vực thẳm. Gay go nhất là việc vận chuyển lương thực, thực phẩm. Cái này, phải nói là dân mình ghê gớm thật. Chỉ có đôi vai, đôi bồ, khá hơn cái xe đạp tồng tộc, mà rồi từ Thanh Hoá, từ đồng bằng Bắc Bộ mò mò đưa gạo lên. Hạt gạo nặng bằng hạt máu. Phải nói ý chí của dân mình rất ghê gớm. Họ nhịn đói, nhịn khát, ăn lá lảu dọc đường. Dừng nghỉ thì nói chuyện thịt bò, nói chuyện nướng chả, làm thịt cầy, cứ như mình đang liên hoan, đang ăn thịt, mà toàn ăn thịt... mồm. 
- Vậy tin toàn thắng đến với anh lúc nào? 
- Lúc ấy khoảng 5h30 hay 6h chiều ngày 7-5. Rừng đã nhá nhem tối mới có điện từ chỗ anh Trường Chinh xuống. Mình mừng quá. Cái chuyện Hoả tốc, hoả tốc - Ngựa bay lên dốc ấy là có thật. Đấy là con ngựa của chú liên lạc ở chỗ anh Trường Chinh. Và cũng chỉ có mỗi con ngựa với chú liên lạc, chứ làm gì có Đuốc cháy sáng rừng, với Làng bản đỏ đèn đỏ lửa. Khi viết thì mình viết thế. Viết thế mới tạo được không khí, chứ làm gì có lửa mà đỏ rừng đỏ bản. Thực tế lúc ấy, nhìn ra xung quanh, rừng núi tối mù mù. Chỉ có vài ngôi nhà ở triền núi xa xa có ánh lửa le lói, chắc họ đang nấu cơm hay nướng sắn gì đó. Thế mà mình viết: Đuốc chạy sáng rừng - Loa kêu từng cửa. Cũng chẳng có loa đâu. Mà loa với ai. Dân ở xa. ở gần dân e bị lộ. Nguyên tắc là bí mật tuyệt đối. Cơ quan trung ương ở trong rừng, ở giữa lau tre. Mình ở nhà đất. Anh Trường Chinh cũng ở nhà đất. Chỉ có Bác ở nhà sàn. Ông cụ có đặc tính là thích ở nhà sàn, và ở bên suối. Ông cụ vốn là người yêu sơn thuỷ hữu tình. Cơ quan trung ương cũng đóng dọc bên suối, lán chìm trong cây lá. Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù mà. Bí mật là một nguyên tắc. Vậy thì loa với ai. Thế mà vẫn loa kêu từng cửa. Làng bản đỏ đèn đỏ lửa. Hầy, nghe vui hỉ, nghe cũng rậm rật đấy chứ hỉ - Rồi Tố Hữu quay lại mấy anh em, nheo nheo một bên mắt, vẻ trẻ trung, tinh nghịch - Này xem ra không thể tin cánh văn nghệ được đâu hỉ. Phịa, toàn là phịa. Chỉ có điều là mình phịa như thật, nên người ta cũng tha cho. 
Rồi Tố Hữu lại cười. Nụ cười thật hiền hậu. Trông ông lúc này có vẻ của một ông Phật, Hồng Diệu hỏi: 
- Thế từ lúc mở màn đến khi kết thúc chiến dịch anh có lên Điện Biên bao giờ không? 
- Không! Nào mình có biết Điện Biên ở đâu mà đi. Đi sao được. Mà ai cho đi cơ chứ. 
- Tưởng anh là trưởng ban tuyên truyền, anh có thể đi khắp nơi chứ. 
- Đâu có. Ông nói thế là nói cái anh tuyên truyền sau này, tuyên truyền bây giờ. Chứ lúc ấy, đi sao được. Mình cứ ngồi im chờ lệnh cụ Trường Chinh. 
- Tưởng anh viết Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam... 
- à, cái đấy mình hỏi. Mình hỏi mấy chú đã đến Điện Biên rồi. Hỏi xem ở đấy có những cái gì, mới biết mấy cái địa danh như thế đấy chứ, biết cả ở đó có cam, có mơ và rất nhiều hoa mơ. Chỉ mang máng thế thôi. Và rồi những cái mang máng ấy, cũng chẳng biết sẽ để làm gì. Sau này khi viết, mình mới lôi nó ra, đưa vào thơ, cứ nhét bừa vào. Nó mới thành: Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam / Hoa mơ lại trắng vườn cam lạ vàng. Đấy, đơn giản thế đấy. 
Rồi Tố Hữu lại cười. Hoá ra ông Phật này cũng thích đùa lắm. Ông nói mà cứ như nói đùa, và tôi nghĩ, phải là người uyên thâm lắm, thông minh và lịch lãm lắm mới có thể nhìn mọi sự đơn giản như thế, mới có thể đùa được như thế. Đùa là một phẩm chất của trí tuệ. Thực tình, hai câu thơ mà Tố Hữu vừa nhắc đến, như nhắc đến một giai thoại vui kia, là hai câu thơ hay, nếu không nói là hay nhất trong bài. Đặt trong cái không khí của toàn bài, nó mới đắc địa, như người ta đang nghe một bản giao hưởng chát chúa toàn những kèn đồng, lại thấy vút lên mảnh mướt một tiếng sáo trúc đồng quê mát mẻ. Câu thơ ghép toàn những địa danh. Đưa địa danh vào thơ đâu có dễ dàng gì. Nhưng Tố Hữu có biệt tài trong cái kỹ nghệ ngày. Địa danh vào thơ ông thường rất nhuần nhuyễn. ở đây, dường như nó không còn là địa danh nữa, nó là kỹ nghệ chơi chữ cao, chơi chữ mà không thấy dấu vết của việc chơi chữ, chỉ có hai câu thơ với tên rừng, tên núi cụ thể mà Tố Hữu đã kết được thành một vòng hoa rực rỡ sáu màu. Đấy là vòng hoa tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh ở chiến trường Điện Biên lịch sử. Xuân Diệu là người đã có công trong việc phát hiện ra cái vòng hoa thầm lặng đó. 
- Sau này, ông Diệu ông ấy có khen tôi. Ông ấy tán ra thế, tôi mới biết nó như thế đấy chứ. Thực ra, đó là mấy cái địa danh có sẵn, địa danh có màu, dưới lại có trắng, có lam, có vàng. Cũng lại là màu nữa. Nó mới thành tấm thảm nhiều màu. Cái này, những anh em lý luận họ gọi là gì hỉ? Là tiềm thức à? Nghĩ cũng có lý hỉ?
Ngừng một lát, Tố Hữu tiếp: 
- Bài thơ Điện Biên được viết nhanh lắm. Sau chiến thắng, tôi lên Bác ngay. Lên xin ý kiến Bác xem cần tuyên truyền thế nào. Có điều lạ là Bác rất bình thản. Bác bảo: Đây chỉ là chiến thắng bước đầu thôi. Sao các chú cứ rối 

File đính kèm:

  • docBài thơ Điện Biên năm xưa.doc