Nội dung ôn tập ngữ văn 10 ( học kì I)

doc5 trang | Chia sẻ: dethi | Lượt xem: 978 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nội dung ôn tập ngữ văn 10 ( học kì I), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
 NỘI DUNG ÔN TẬP NGỮ VĂN 10 ( HỌC KÌ I)
A) Cấu trúc đề thi: gồm 2 câu
Câu 1( 3 điểm): Tiếng Việt.
Câu 2( 7 điểm) : Cảm thụ văn học 
B) Nội dung cụ thể:
Phần I: Tiếng Việt
Bài 1: Đặc điểm của ngôn ngữ nói và viết.
* Lí thuyết:
Ngôn ngữ nói
Ngôn ngữ viết
- Là ngôn ngữ âm thanh, là lời nói trong giao tiếp hằng ngày.
 - Hình thức giao tiếp trực tiếp.
- Đa dạng về ngữ điệu : Cao thấp, nhanh chậm …
- Có sự kết hợp, hỗ trợ của : Cử chỉ, điệu bộ.
- Từ ngữ đa dạng : Khẩu ngữ, từ địa phương, biệt ngữ, trợ từ.
 -Câu được sử dụng nhiều là câu tỉnh lược.

-Ngôn ngữ viết được thể hiện bằng chữ viết trong văn bản và được tiếp nhận bằng thị giác.
- Diễn đạt bằng văn tự và cách trình bày văn tự.
- Khi viết có thời gian suy nghĩ lựa chọn từ ngữ để diễn đạt.
- Được sự hỗ trợ của dấu câu của ký hiệu và hình ảnh minh họa, biểu đồ…
- Dùng từ phải chính xác đúng phong cách. 
- Tránh dùng từ khẩu ngữ, địa phương, tiếng lóng, tiếng tục. 
- Câu trong ngôn ngữ viết thường là câu dài nhưng được sắp xếp một cách hợp lý.
- Có khả năng lưu truyền rộng rãi trong không gian và thời gian.
* Bài tập ứng dụng.
Bài 2: Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.
* Lí thuyết:
-Ngôn ngữ sinh hoạt là lời ăn tiếng nói hằng ngày, dùng để thông tin, trao đổi ý nghĩ, tình cảm…đáp ứng nhu cầu trong cuộc sống.
-Ngôn ngữ sinh hoạt chủ yếu thể hiện ở dạng nói, nhưng cũng có thể ở dạng viết. Trong văn bản văn học, lời thoại của nhân vật là dạng tái hiện, mô phỏng ngôn ngữ sinh hoạt hằng ngày.
- Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là phong cách mang những dấu hiệu đặc trưng của ngôn ngữ dùng trong giao tiếp hằng ngày.
-Các đặc trưng :
+Tính cụ thể :
Cụ thể về hoàn cảnh ,về con người ,cách nói năng ,từ ngữ diễn đạt .
Trong giao tiếp hội thoại ngôn ngữ càng cụ thể thì người nói và người nghe càng dễ hiểu nhau, ngôn ngữ càng trừu tượng sách vở thì càng gây khó khăn cho giao tiếp. 
+Tính cảm xúc :
 .Cảm xúc gắn liền với giọng điệu, lời nói cà cũng thể hiện tâm trạng , thái độ của người nói. 
 .Tính cảm xúc kèm theo vẻ mặt, cử chỉ, điệu bộ.
 .Nhiều từ ngữ thể hiện cảm xúc rõ ràng .
 .Nhiều kiểu câu giàu cảm xúc.
 +Tính cá thể :
 .Ở giọng điệu riêng của từng người.
 .Cách dùng từ và cách nói theo thói quen của từng người .
 .Lời nói là vẻ mặt thứ hai, diện mạo thứ hai của con người.Qua lời nói ta có thể phân biệt người này với người khác.
* Bài tập ứng dụng.
 Bài 3: Thực hành phép tu từ ẩn dụ, hoán dụ.
* Lí thuyết:
- Ẩn dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng, này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho diễn đạt.
-Hoán dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm này bằng tên sự vật, hiện tượng, khái niệm khác có quan hệ gần gũi với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho diễn đạt.
* Bài tập ứng dụng.
Ví dụ: Tìm và phân tích biện pháp tu từ ẩn dụ, hoán dụ trong các câu sau:
1) Áo chàm đưa bổi phân li.
 Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay. ( Tố Hữu)
2) Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi.
 Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng. ( Nguyễn Khoa Điềm)
Gợi ý:
1) Biện pháp tu từ hoán dụ: Áo chàm chỉ người Việt Bắc.
 Tác dụng: làm nổi bật sự bình dị, chịu thương chịu khó, thủy chung, bền bỉ của người Việt Bắc
2) Biện pháp tu từ ẩn dụ: Mặt trời trong câu thứ 2- chỉ em bé.
 Tác dụng: Khẳng định em bé chính là nguồn sống, là hạnh phúc, niềm hi vọng của mẹ.
Phần II
Bài 1: Tỏ lòng( Phạm Ngũ Lão)
 -Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt hàm súc nhưng đã khắc hoạ được vẻ đẹp của một nhân vật lịch sử đặc biệt là để lại dấu ấn về một thời đại vẻ vang, hào hùng của dân tộc- thời Trần.
 -Người tráng sỹ thời Trần với tư thế hiên ngang mang tầm vóc vũ trụ, xông pha trận mạc, trấn giữ giang sơn đã bao năm ròng rã mà không mệt mỏi .
 -Hình ảnh 3 quân là hình ảnh nói về quân đội nhà Trần nhưng đồng thời tượng trưng cho sức mạnh dân tộc. Thủ pháp nghệ thuật so sánh vừa cụ thể hoá sức mạnh vật chất của ba quân vừa khái quát hoá sức mạnh tinh thần của đội quân mang hào khí Đông –A: Tinh thần yêu nước, quyết chiến quyết thắng quân xâm lược.
 -Công danh được coi là món nợ đời phải trả của kẻ làm trai. Trả xong công danh có nghĩa là hoàn thành nghĩa vụ với đời, với dân, với nước. Chí làm trai ở đây mang tinh thần, tư tưởng tích cực, lập công (để lại sự nghiệp), lập danh (để lại tiếng thơm). Quan niệm lập công danh đã trở thành lý tưởng sống của trang nam nhi thời phong kiến. (Học sinh có thể liên hệ thơ của Nguyễn Công Trứ).
 -Cái tâm của người anh hùng Phạm Ngũ Lão thể hiện qua nỗi “thẹn”. Nhà thơ “thẹn” vì chưa có tài mưu lược lớn như Vũ hầu để trừ giặc, cứu nước. Đây là cái thẹn cao cả, cái thẹn của một con người khiêm tốn, có vẻ đẹp nhân cách. (Học sinh có thể liên hệ với cái thẹn của Nguyễn Khuyến trong bài thơ “Thu vịnh”).
 -Qua bài thơ người đọc có thể học tập được một lối sống cao đẹp: sống có hoài bão, lý tưởng, khát khao được góp phần xây dựng, phát triển đất nước.
*Nghệ thuật:
 -Hình ảnh thơ hoành tráng, thích hợp với việc tái hiện khí thế hào hùng của thời đại và tầm vóc, chí hướng của người anh hùng.
 -Ngôn ngữ cô đọng, hàm súc, dồn nèn về cảm xúc.
Bài 2: Cảnh ngày hè ( Nguyễn Trãi)
 -Qua bài “Cảnh ngày hè” ta có thể thấy ba vẻ đẹp của tâm hồn Ức Trai: yêu thiên nhiên; yêu đời, yêu cuộc sống; hết lòng vì dân vì nước.
+Tình yêu đời, yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên nồng nàn mà tinh tế, tác giả đón nhận vẻ đẹp thiên nhiên bằng nhiều giác quan: Thị giác, thích giác, khứu giác.
 Tác giả đã vẽ nên một bức tranh ngày hè sống động đầy tràn nhựa sống , với sự hài hòa giữa giữa đường nét , màu sắc, âm thanh, con người và cảnh vật.
+Tấm lòng thiết tha với dân, với nước. Với Nguyễn Trãi, vui hay buồn, lo âu hay thanh thản tất cả đều xuất phát từ cuộc sống của nhân dân.
 Nghe âm thanh “lao xao chợ cá” dội lại từ phía làng chài tác giả cảm thấy vui, vì đó là dấu hiệu của cuộc sống bình yên, no đủ.
 Nguyễn Trãi ước có cây đàn của vua Thuấn để gảy khúc Nam phong .
*Nghệ thuật:
 -Hệ thống ngôn từ giản dị, tinh tế xen lẫn từ Hán Việt và điển tích.
 -Sử dụng từ láy độc đáo.
Bài 3: Nhàn (Nguyễn Bỉnh Khiêm)
 -Qua cách khẳng định và đề cao lối sống an nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm, bài thơ đã thể hiện rõ vẻ đẹp cuộc sống, tâm hồn, nhân cách, trí tuệ của nhà thơ.
*Vẻ đẹp cuộc sống, tâm hồn:
 -Yêu thiên nhiên Nguyễn Bỉnh Khiêm trở về giữa tự nhiên, cuộc sống đạm bạc nhưng thanh cao.
 -Phong thái ung dung, thảnh thơi, vui với thú điền viên, không suy tính, lo toan về danh lợi.
 -Sống thuận theo lẽ tự nhiên, hưởng những thứ có sẵn theo mùa nơi thôn dã mà không cần phải mưu cầu, tranh đoạt.
*Vẻ đẹp nhân cách, trí tuệ :
 -Tác giả nhận cái dại về mình, nhường cái khôn cho người. Dại vì “tìm nơi vắng vẻ” – nơi an nhàn, nơi mình thích để tâm hồn được thảnh thơi ,để được giao hòa với thiên nhiên. Khôn vì “đến chốn lao xao”- chỉ chốn quan trường ngựa xe tấp nập, phồn hoa phú quý nhưng đầy thủ đoạn, bon chen.
 Æ Nguyễn Bỉnh Khiêm tỉnh táo trong trong sự lựa chọn và trong cách nói đùa ngược nghĩa: “dại” thực chất là “khôn”, cái khôn của một người thanh cao là quay lưng lại với danh vọng, bon chen tìm sự thư thái trong tâm hồn, sống ung dung hòa nhập với thiên nhiên.
 -Nhà thơ tìm đến “say” chỉ là để “tỉnh”. “Tỉnh” để nhận ra công danh, của cải, quyền quý chỉ là giấc chiêm bao. Tác giả cảnh tỉnh mình nhưng lại có tác dụng cảnh tỉnh người đời: Đừng làm nô lệ cho phú quý.
*Nghệ thuật:
 -Sử dụng phép đối, điển cố.
 -Ngôn từ mộc mạc, tự nhiên má ý vị, giàu triết lí.
Bài 4: Đọc Tiểu Thanh kí (Nguyễn Du)
 -Bài thơ tiêu biểu cho tài năng nghệ thuật và tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Du.
 -Hai câu đề: Tiếng thở dài của tác giả trước ‘ lẽ biến thiên dâu bể” của cuộc đời và niềm thổn thức của một tấm lòng nhân đạo lớn: Vạn vật đổi thay, Tiểu Thanh bị vùi lấp trong quên lãng nhưng nhà thơ đã nhớ và viếng nàng qua tập thơ còn xót.
 -Hai câu thực: Nỗi xót xa cho một kiếp tài hoa bạc mệnh; gợi nhớ cuộc đời, số phận bi thương của nàng Tiểu Thanh: Tài hoa, nhan sắc hơn người nên bị đố kị, phải làm lẽ và bị đày ải đến chết không được buông tha.
 -Hai câu luận: Niềm cảm thông đối với với những kiếp hồng nhan, những người tài hoa bạc mệnh. Từ số phận của nàng tiểu Thanh, Nguyễn Du khái quát về quy luật nghiệt ngã “tài mệnh tương đố”, “hồng nhan bạc mệnh” và tự thấy mình cũng là kẻ cùng hội cùng thuyền với Tiểu Thanh, là nạn nhân của nỗi oan khiên lạ lùng, bộc lộ nỗi đồng cảm sâu xa.
 -Hai câu kết: Tiếng lòng khao khát tri ân. Khóc Tiểu Thanh, Nguyễn Du “trông người lại nghĩ đến ta” và hướng về hậu thế bày tỏ nỗi khát khao tri ân của mọi kiếp người tài hoa mà khải chịu sự đau khổ trong cuộc đời.
* Lưu ý: Ngoài việc đáp ứng về nội dung học sinh cầu chú ý đến kĩ năng làm bài.
Yêu cầu chung : Học sinh biết cách làm bài theo đúng đặc trưng thể loại. Bài viết phải có kết cấu chặt chẽ. Bố cục rõ ràng. Hành văn trong sáng. Chữ viết cẩn thận, dễ đọc. Không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ, đặt câu. Dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp. Sử dụng biện pháp tu từ một cách hợp lý để tạo sức gợi cảm cho câu văn.

File đính kèm:

  • docon tap(1).doc