Kỳ thi lập đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông Yên Bái năm 2013

doc4 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1247 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kỳ thi lập đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông Yên Bái năm 2013, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH YÊN BÁI
KỲ THI LẬP ĐỘI TUYỂN THAM DỰ KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI QUỐC GIA THPT
NĂM 2013 - VÒNG 2

HƯỚNG DẪN CHẤM
MÔN NGỮ VĂN – ĐỀ CHÍNH THỨC

I. HƯỚNG DẪN CHUNG
	Do đặc trưng môn ngữ văn và tính chất của kỳ thi học sinh giỏi THPT, giám khảo cần nắm vững yêu cầu hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, chủ động linh hoạt trong vận dụng tiêu chuẩn cho điểm, không đếm ý cho điểm một cách đơn thuần.
	Bản hướng dẫn chỉ xác định yêu cầu cơ bản, trên cơ sở đó, giám khảo cân nhắc từng trường hợp cụ thể để cho điểm. Nếu thí sinh làm bài theo cách riêng, khác với đáp án, nhưng đáp ứng được những yêu cầu cơ bản, hoặc trình bày có căn cứ thuyết phục thì vẫn cho đủ điểm ở từng phần như hướng dẫn quy định.
	 Những bài viết có cảm xúc và sáng tạo cả nội dung lẫn hình thức cần được khuyến khích. Những bài viết mắc lỗi về kiến thức, diễn đạt và chính tả cần trừ điểm.
II. YÊU CẦU CỤ THỂ
Câu 1. (8,0 điểm)
1. Yêu cầu về kỹ năng:
 Biết cách làm bài nghị luận xã hội: lập luận chặt chẽ; bố cục rõ ràng, cân đối; hành văn lưu loát; không mắc lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
2. Yêu cầu về kiến thức:
Thí sinh có thể đưa ra những ý kiến riêng, trình bày theo những cách khác nhau, nhưng lập luận phải chặt chẽ; cảm xúc phải chân thành… và nêu được các ý chính sau: 
a. Giải thích ý nghĩa của câu thơ:
- Nơi đất ở: mảnh đất ta từng sống, từng có những kỷ niệm gắn bó.
- Đất đã hóa tâm hồn: nơi đó trở thành niềm thương nỗi nhớ, những kỷ niệm thiêng liêng sâu nặng trong tâm hồn ta.
- Sự đối lập giữa “Khi ta ở” và “Khi ta đi” thể hiện rõ ý nghĩa của câu thơ: mảnh đất không phải là nơi ta sinh ra, lớn lên, nhưng đó là nơi ta đã ở, đã từng có những kỷ niệm gắn bó, thì khi đi xa, nó trở thành nỗi nhớ của lòng ta, trở thành quê hương thứ hai trong ta.
- Chế Lan Viên viết “Tiếng hát con tàu” để thể hiện niềm nhớ thương đối với Tây Bắc, cũng là với những miền quê đã từng gắn bó trong cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ.
b. Phân tích, bàn bạc đánh giá: 
- Câu thơ giản dị nhưng mang ý nghĩa triết lý sâu sắc, vì nó được đúc kết từ trải nghiệm thực tế và từ tình cảm chân thành của nhà thơ Chế Lan Viên.
+ Con người không phải chỉ sống ở nơi chôn rau cắt rốn, mà có thể ở nhiều miền quê khác do yêu cầu của công việc và hoàn cảnh.
+ Những miền đất ấy đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn qua những kỉ niệm buồn vui.
+ Chỉ khi xa miền đất ấy, kỉ niệm mới sống dậy, khắc khoải, da diết trong lòng người, trở thành nỗi nhớ không nguôi.
- Quy luật tình cảm này chỉ có ở những tâm hồn biết trân trọng cuộc sống, biết nâng niu những kỉ niệm bình dị mà đẹp đẽ, biết sống theo đạo lý nghĩa tình chung thủy…
c. Bài học về cuộc sống rút ra từ hai câu thơ:
- Trong cuộc sống, những điều đơn giản gần gũi quanh ta tưởng như bình thường, nhưng sẽ trở nên vô cùng quý giá khi ta đã rời xa chúng.
- Trân trọng quá khứ, trân trọng những giá trị bình dị của cuộc sống.
3. Thang điểm:
- Điểm 8,7: đáp ứng đủ các yêu cầu trên. Cảm nhận sâu sắc, phân tích thấu đáo, dẫn chứng phong phú, chọn lọc; hành văn truyền cảm.
- Điểm 5,6: đáp ứng đủ các yêu cầu trên, dẫn chứng chọn lọc, phân tích được nhưng chưa sâu.
- Điểm 3,4: cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên. Dẫn chứng chọn lọc, phân tích được nhưng chưa sâu.
- Điểm 1,2: đáp ứng chưa đủ một nửa các yêu câu trên, dẫn chứng sơ sài, diễn đạt vụng, mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ….

Câu 2. (12,0 điểm)
1. Yêu cầu về kĩ năng:
	- Thí sinh có kĩ năng giải thích, phân tích, bình luận một vấn đề lí luận văn học và thể hiện việc nắm bắt lí giải vấn đề qua phong cách của một tác giả cụ thể. Thí sinh cần nắm vững và biết phối hợp các kĩ năng ấy trong một chỉnh thể là bài viết. 
	- Bố cục rõ ràng, cân đối; lập luận chặt chẽ; hành văn truyền cảm.
	- Không mắc lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
2. Yêu cầu về kiến thức:
Thí sinh phải hiểu được kiến thức lí luận văn học về phong cách nhà văn, nắm được phong cách nghệ thuật của tác giả Tố Hữu; biết vận dụng kiến thức tác phẩm của Tố Hữu vào phân tích làm sáng tỏ luận đề. Thí sinh có thể làm bài theo những cách khác nhau song cần nêu được các ý chính sau:
a. Giải thích khái niệm:
	- Phong cách là quy luật thống nhất các yếu tố của chỉnh thể nghệ thuật, là một biểu hiện của tính nghệ thuật.
	+ Chỉnh thể nghệ thuật trong văn chương là tác phẩm văn học.
	+ Các yếu tố của chỉnh thể nghệ thuật đa dạng: đó là thể loại, bút pháp, hình tượng, nhân vật, kết cấu, ngôn từ…
	+ Phong cách nhà văn: là sự lặp lại, mang tính ổn định và thống nhất các yếu tố nghệ thuật trong các tác phẩm, thể hiện được dấu ấn cá nhân độc đáo của nhà văn khi phản ánh cuộc sống.
	- Chỉ những nhà văn có tài năng, có bản lĩnh mới có được phong cách riêng độc đáo.
	+ Những nhà văn sáng tác nhiều, nhưng không có tài năng và bản lĩnh, hoặc những nhà văn sáng tác ít dù sáng tác đó hay, đều không thể tạo được phong cách riêng.
	+ Chỉ những nhà văn sáng tác nhiều và có giá trị thì mới tạo được phong cách riêng độc đáo, vì tác phẩm được tạo thành từ tài năng và bản lĩnh của nhà văn.
	- Phong cách riêng độc đáo thực sự là cái đích mà những nhà văn chân chính, tâm huyết với nghề đặt ra trong hành trình lao động sáng tạo nghệ thuật.
	(Nêu một vài phong cách riêng độc đáo có chọn lọc và thuyết phục)
b. Phân tích và chứng minh qua phong cách nghệ thuật của Tố Hữu
Thí sinh phải nắm vững các đặc điểm trong phong cách thơ Tố Hữu, có thể lấy các bài thơ đã học và đọc thêm trong hoặc ngoài chương trình của Tố Hữu nhưng phải chọn lọc, tiêu biểu, phù hợp với từng đặc điểm nghệ thuật. Phần này phải đảm báo các ý cơ bản sau:
	- Giới thiệu về vị trí của Tố Hữu trong nền thơ ca hiện đại; mối quan hệ giữa chặng đường thơ của Tố Hữu với chăng đường cách mạng của dân tộc.
	- Những đặc điểm trong phong cách thơ Tố Hữu: tiêu biểu cho khuynh hướng thơ trữ tình chính trị; chất sử thi và cảm hứng lãng mạn; giọng điệu ngọt ngào tha thiết; chất dân tộc đậm nét (lấy dẫn chứng để phân tích và chứng minh).
	- Khẳng định: Tố Hữu là nhà thơ có phong cách nghệ thuật độc đáo.
3. Thang điểm
	- Điểm 11,12: bài làm đáp ứng tốt các yêu cầu nêu trên. Có hiểu biết sâu rộng, nắm vững kiến thức lí luận văn học và tác phẩm, có tính sáng tạo trong tư duy. Bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, hành văn truyền cảm, năng lực cảm thụ và phân tích dẫn chứng tốt, thuyết phục luận đề.
	- Điểm 9,10: bài làm đáp ứng tốt các yêu cầu nêu trên. Luận giải vấn đề chính xác, có một số phát hiện tốt. Bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, khả năng cảm thụ và diễn đạt trôi chảy, có cảm xúc.
	- Điểm 7,8: đáp ứng được phần lớn các yêu cầu trên. Bố cục cân đối rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, diễn đạt khá tốt, có thể mắc một số lỗi nhỏ về chính tả.
- Điểm 5,6: đáp ứng đủ yêu cầu trên nhưng còn sơ lược. Dẫn chứng chưa chọn lọc. Bố cục, kết cấu tạm được. Mắc một vài lỗi chính tả và dùng từ.
- Điểm 3,4: hiểu vấn đề nhưng chỉ đáp ứng được một nửa yêu cầu trên. Còn mắc nhiều lỗi diễn dạt, dùng từ, ngữ pháp…
- Điểm 1,2: Bài làm sơ lược, lệch trọng tâm đề, mắc nhiều lỗi về kĩ năng.

____________HẾT____________
	
	 
	


File đính kèm:

  • docDe dap an thi chon doi tuyen HSG QG 2013 Van YenBai.doc