Kỳ thi giáo viên giỏi cấp THPT năm học 2009-2010 môn Ngữ văn

doc6 trang | Chia sẻ: frankloveabc | Lượt xem: 1123 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kỳ thi giáo viên giỏi cấp THPT năm học 2009-2010 môn Ngữ văn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
————————
ĐỀ CHÍNH THỨC
KỲ THI GIÁO VIÊN GIỎI CẤP THPT NĂM HỌC 2009-2010
ĐỀ THI LÝ THUYẾT: MÔN NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian giao đề
————————————

I. PHẦN NHẬN THỨC CHUNG (4,0 điểm).

	Chủ đề năm học 2009-2010 được xác định là “Năm học đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”.
	Đồng chí hãy nêu nhận thức của bản thân về chủ đề năm học.
	Qua việc nghiên cứu các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2009-2010 bậc trung học và thực tế giảng dạy, đồng chí hãy xác định nhiệm vụ của bản thân trong việc thực hiện tốt yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục
II. PHẦN CHUYÊN MÔN (16,0 điểm):
Câu 1: (4 điểm)
	Trong văn học Việt Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước, khuynh hướng sử thi thường gắn liền với cảm hứng lãng mạn. Đồng chí hãy làm sáng rõ điều đó qua truyện ngắn "Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành.
Câu 2: (3 điểm)
	Báo Tuổi trẻ ngày 12 tháng 07 năm 2004 đưa tin:
 "Theo Ban chỉ đạo tuyển sinh đại học năm 2004, sau hai đợt thi đã có 3186 thí sinh bị xử lý kỷ luật do vi phạm quy chế thi, trong đó có 2637 thí sinh bị đình chỉ thi, chủ yếu do mang và sử dụng tài liệu trong phòng thi. Hình thức mang tài liệu, phao thi ngày càng tinh vi, chúng được giấu trong thước kẻ, điện thoại di động, trong đế giày....".
 Đồng chí bình luận ngắn gọn thực trạng đó.
Câu 3: (9 điểm) 
	Đồng chí hãy phân tích đề và lập dàn ý chi tiết cho đề làm văn sau:
	Nhà văn lớn người Pháp Mácxen Pruxt cho rằng: "Đối với nhà văn, cũng như đối với nhà hoạ sĩ, phong cách không phải là vấn đề kỹ thuật mà là vấn đề cái nhìn. Đó là một sự khám phá mà người ta không thể làm một cách cố ý và trực tiếp, bởi đó là cách khám phá về chất, chỉ có được trong cách cảm nhận về thế giới, một cách cảm nhận nếu không do nghệ thuật mang lại thì mãi mãi sẽ không ai biết đến ".
	Phân tích ý kiến trên? Anh(chị ) hãy làm rõ thêm bởi những tác phẩm của một số nhà văn, nhà thơ có phong cách độc đáo.
—Hết—
Lưu ý: - Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
 - Thí sinh không được sủ dụng bất kỳ tài liệu gì.



SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
————————

KỲ THI GIÁO VIÊN GIỎI CẤP THPT NĂM HỌC 2009-2010
HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN
————————————
I. PHẦN NHẬN THỨC CHUNG: 4,0 điểm.
	-Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng GD là yêu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện nay nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh CNH-HĐH, hội nhập quốc tế; Đây cũng là nhiệm vụ thường xuyên lâu dài. (Nêu một vài hạn chế của công tác quản lý và chất lượng GD hiện nay). (1,0 đ)
	-Với mỗi giáo viên ngoài việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo chức năng nhiệm vụ, cần thường xuyên làm tốt một số công việc sau:
	+Thường xuyên tu dưỡng đạo đức, học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với giải pháp cụ thể của Ngành là thực hiện “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. (1,0 đ)
	+Thực hiện đổi mới PPDH, theo yêu cầu trong hai năm học bắt đầu từ năm học 2009-2010 chấm dứt việc dạy học chủ yếu qua lối “đọc – chép”; trong năm học mỗi giáo viên có ít nhất một đổi mới PPDH. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong đổi mới PPDH, trong năm học mỗi giáo viên làm được ít nhất một bài giảng điện tử. (1,0 đ)
	+Thực hiện tốt việc đổi mới KTĐG; thực hiện đánh giá theo chuẩn kiến thức kỹ năng; đánh giá đúng chất lượng thực, khắc phục triệt để tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp; thực hiện công khai chất lượng GD; đổi mới KTĐG thúc đẩy việc đổi mới PPDH và cách học của học sinh. (1,0 đ) 
	Trên đây là những ý cơ bản, giáo viên có thể nêu thêm một số công việc khác. Giám khảo vận dụng cho điểm. 
II. PHẦN CHUYÊN MÔN:
Câu 1:(4 điểm)
 Yêu cầu chung:Thí sinh có thể trình bày theo các cách khác nhau,nhưng phải thể hiện được đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975 : chủ yếu được sáng tác theo khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn; đặc điểm này được thể hiện rõ nét trong tác phẩm "Rừng xà nu" của Nguyễn Trung Thành.
 Cụ thể:
 1. Thí sinh phải đề cập đến nội dung cơ bản của khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn của văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975:
 1.1 Khuynh hướng sử thi: văn học lúc này là tiếng nói của cả một cộng đồng dân tộc trước những thử thách quyết liệt: Tổ quốc còn hay mất, độc lập, tự do hay nô lệ, ngục tù. Đây là văn học của những sự kiện lịch sử, của số phận toàn dân, của chủ nghĩa anh hùng; Nhân vật trung tâm phải là những con người gắn bó với số phận đất nước và kết tinh những phẩm chất cao quý của cộng đồng; Người cầm bút nhân danh cộng đồng mà ngưỡng mộ, ngợi ca…
 1.2 Cảm hứng lãng mạn: con người dù khó khăn gian khổ nhưng tâm hồn luôn hướng về lý tưởng, về tương lai; Trong chiến đấu luôn nghĩ đến ngày chiến thắng, trong khó khăn, thiếu thốn nghĩ đến tương lai độc lập, tự do; Hướng vận động của cốt truyện, số phận nhân vật, dòng cảm nghĩ của tác giả hầu như đi từ bóng tối ra ánh sáng, từ gian khổ đến niềm vui, từ hiện tại đến tương lai đầy hứa hẹn; đây chính là chủ nghĩa lạc quan của dân tộc Việt Nam trong kháng chiến và lao động…
 2. Lý giải vì sao trong văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975, khuynh hướng sử thi thường đi liền với cảm hứng lãng mạn:
 Đây là ba mươi năm của cuộc chiến tranh ác liệt chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; vấn đề đặt ra cho toàn dân tộc cũng như cho từng cá nhân là lợi ích sống còn của cộng đồng, là vận mệnh chính trị của dân tộc. Trong hoàn cảnh ấy, mọi phương diện khác của đời sống đều là thứ yếu, nếu cần phải dẹp đi, phải hy sinh hết, kể cả tính mạng của mình; vì vậy cảm hứng lãng mạn phù hợp với xu thế và yêu cầu của thời đại cách mạng, với sự thức tỉnh về ý thức & sức mạnh của quần chúng nhân dân.
 3. Trong truyện ngắn "Rừng xà nu"(Nguyễn Trung Thành) khuynh hướng sử thi gắn với cảm hứng lãng mạn được thể hiện trên hầu hết các phương diện nội dung và nghệ thuật, nhưng nổi bật nhất là:
	1.3.Đề tài :số phận và con đường giải phóng của dân làng Xô Man ở Tây Nguyên,cũng chính là tiêu biểu cho số phận và con đường chiến đấu để giải phóng của nhân dân miền Nam,của cả dân tộc. Tác phẩm không quan tâm đến những vấn đề của đời sống cá nhân...mà chủ yếu hướng vào hệ đề tài lịch sử cộng đồng,dân tộc, nhân dân.
 2.3.Chủ đề: chân lý về con đường giải phóng của quần chúng nhân dân trong thời đại cách mạng; chủ đề này được phát ngôn qua lời của cụ Mết- người đại diện cho truyền thống cộng đồng:"Nhớ lấy, ghi lấy. Sau này tau chết rồi, bay còn sống phải nói lại cho con cháu : Chúng nó đã cầm súng,mình phải cầm giáo !" 
 3.3. Hệ thống nhân vật được lựa chọn để đại diện cho các thế hệ tiếp nối nhau trong cuộc chiến đấu giải phóng nhân dân( Cụ Mết, Tnú, Mai, Bé Heng…)
	4.3. Hình tượng xà nu vừa hiện thực lại vừa mang đậm ý nghĩa biểu tượng,cũng góp phần tạo nên chất sử thi lãng mạn của tác phẩm (Đoạn miêu tả rừmg xà nu ưỡn tấm ngực của mình ra che chở cho buôn làng…)
	5.3. Nghệ thuật trần thuật, miêu tả, đặc biệt là khi kể câu chuyện bi tráng của Tnú và Mai trong truyện cũng mang đậm tính sử thi và rất thích hợp với nội dung và không gian Tây Nguyên.Từ đó tác giả còn khẳng định, đề cao vẻ đẹp và sức mạnh của con người, của thiên nhiên, được đặt trong sự đối lập gay gắt với kẻ thù tàn bạo, man rợ không còn tính người.
Thang điểm:
	- Cho 4,0 điểm khi thí sinh trình bày đủ những biểu hiện cơ bản và lý giải được văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975 mang khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn ; trình bày đầy đủ những đặc điểm này ở các phương diện nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm Rừng xà nu(Nguyễn Trung Thành).Diễn đạt rõ ràng, mạch lạc và trong sáng.
*Ý 1: cho 1,0 điểm(mỗi ý nhỏ cho 0,5 điểm)
*Ý 2 : cho 0,5 điểm.
*Ý 3: cho 2,5 điểm( mỗi ý nhỏ cho 0,5 điểm)
 *Lưu ý : 
	- Nếu thí sinh không trình bày cụ thể như trên nhưng hiểu yêu cầu của đề và trình bày được đặc điểm cơ bản của khuynh hướng sử thi & cảm hứng lãng mạn của văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975 và những biểu hiện trong tác phẩm Rừng xà nu(Nguyễn Trung Thành)bằng lối diễn đạt rõ ràng, mạch lạc thì có thể cho tối đa điểm. 
	- Thí sinh không làm rõ ý nào thì trừ điểm ý đó.
Câu 2 (3 điểm):
	Yêu cầu chung: Thí sinh hiểu được đây là một hiện tượng đời sống : thực trạng gian lận trong thi cử, là việc vi phạm quy chế thi, các hình thức mang tài liệu tinh vi và mức độ nghiêm trọng trong việc xác định tinh thần thái độ học tập của học sinh hiện nay trong các nhà trường.
 Cụ thể:
	1.Phân tích hiện tượng:
 - Hiện tượng học sinh đi thi vi phạm quy chế thi, bị kỷ luật lên đến hai , ba nghìn người là hiện tượng chứng tỏ một bộ phận thí sinh thiếu tự tin do chưa có kiến thức vững vàng, động cơ, thái độ học tập, thi cử không đúng đắn.
 - Hiện tượng sử dụng nhiều hình thức mang tài liệu tinh vi chứng tỏ nhiều thí sinh đã có ý thức vi phạm quy chế từ ở nhà, có chủ trương không tuân thủ quy chế thi, rõ ràng là phạm pháp có ý thức.
 -Việc xử lý của các hội đồng thi chứng tỏ việc thi cử được tổ chức nghiêm túc, các giám thị đã có thái độ nghiêm khắc cần thiết.
	2.Bình luận:
 - Trước hết cần biết rằng, hằng năm cả nước ta có khoảng tám, chín trăm nghìn cho đến một triệu thí sinh dự thi đại học. Con số hai, ba nghìn nói trên là rất ít so với tổng số. Đa số thí sinh Việt Nam có thái độ thi cử nghiêm túc,đúng đắn và tôn trọng quy chế thi. Không nên vì một số ít có thái độ nhìn nhận sai phạm mà "vơ đũa cả nắm", đánh giá sai toàn bộ thí sinh trong các đợt thi cử hoặc kiểm tra đánh giá.
	- Tuy nhiên, số ít thí sinh vi phạm này vẫn đáng phê phán ở: Thái độ, động cơ học tập,thái độ gian lận, cố tình vi phạm quy chế thi.
	- Phải biểu dương hoạt động coi thi nghiêm túc,đúng qui chế của giám thị .
	- Giáo dục và kêu gọi các thí sinh có thái độ đúng đắn trong thi cử, đảm bảo chất lượng và sự công bằng trong các kỳ thi .
Thang điểm:
Phần 1: Phân tích tốt hiện tượng: 1,0 điểm.
Phần 2: Bình luận tốt: 2,0 điểm( Mỗi ý đúng cho 0,5 điểm).
 * Lưu ý: 
	- Nếu thí sinh triển khai vấn đề chưa cụ thể nhưng tỏ ra hiểu đây là một hiện tượng xấu trong đời sống diễn ra ở mỗi nhà trường(Dù hiện tượng này có tinh vi nhưng không phải là phổ biến) mà mỗi thầy cô giáo cần chung tay góp sức giáo dục học sinh thì vẫn có thể cho điểm tối đa. 
	- Tránh việc thí sinh bàn về hiện tượng này như là một nội dung của Bộ GD&ĐT về nhiệm vụ năm học 2009-2010 “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” thì không cho điểm tối đa. 
Câu 3: (9 điểm)
 * Yêu cầu chung: Thí sinh hiểu và làm rõ ý kiến của Mácxen Pruxt: một vấn đề lý luận văn học khá phức tạp mà lý thú vì : Phong cách không phải là vấn đề kỹ thuật, hình thức đơn thuần mà là tư tưởng, cách nhìn, là quan niệm về thế giới của những cây bút độc đáo.
 * Cụ thể:
 Phần I: Phân tích đề:
	- Kiểu bài: phân tích một vấn đề lý luận văn học và chứng minh.
	- Nội dung của đề: Phong cách là tư tưởng, cách nhìn, là quan niệm về thế giới; là sự khám phá về chất trên cơ sở cảm nhận thế giới, một cách cảm nhận chỉ do nghệ thuật mang lại của những cây bút độc đáo.
	- Phạm vi kiến thức:Các tác phẩm xuất sắc của những cây bút có phong cách độc đáo( Nam Cao; Nguyễn Tuân; Vũ Trọng Phụng; Xuân Diệu; Tố Hữu; …).
 Phần II: Lập dàn ý:
	I.Đặt vấn đề:
	- Sáng tạo nghệ thuật là một thứ sản xuất đặc biệt và cá thể, nó không chấp nhận sự sản xuất hàng loạt, đồng phục, sự rập khuôn, sao chép. Hơn bất cứ hình thức lao động nào khác, nó đòi hỏi cá tính sáng tạo của nghệ sĩ.
	- Nhiều khi đọc một tác phẩm thơ hay tiểu thuyết, nghe một bản nhạc, xem một bức tranh hay một tác phẩm điêu khắc, không cần giới thiệu, ta cũng có thể biết ai là người sáng tạo ra chúng. Đó là bởi vì, những tác phẩm đó in đậm nét phong cách nghệ sĩ. Đương nhiên, không phải bất kì người viết nào cũng có phong cách nhưng những nghệ sĩ lớn - nhất thiết phải có phong cách riêng và nhờ đó mà tác phẩm của họ không thể trộn lẫn được.
 - Bàn về vấn đề này, nhà văn lớn người Pháp Mácxen Pruxt cho rằng:
“Đối với nhà văn cũng như đối với nhà hoạ sĩ…mãi mãi sẽ không ai biết đến”.
	II. Giải quyết vấn đề:( có nhiều cách hoặc có thể kết hợp các luận điểm với các luận cứ hoặc tách riêng; hướng dẫn dưới đây triển khai theo cách tách riêng 2 phần: phân tích và chứng minh)
	1. Bàn về ý kiến của M.Pruxt:
 - Phong cách không phải là vấn đề kĩ thuật mà là vấn đề cách nhìn. Điều này cần được hiểu phong cách tuyệt nhiên không phải là thuần tuý kĩ thuật, thuần tuý hình thức, hay chỉ là sở trường, sở đoản, là kĩ xảo, hay những mẹo vặt của nghệ sĩ mà chính là cách nhìn, cách cảm nhận thế giới, cách suy ngẫm và sự hiểu biết, cách đánh giá về cuộc sống và con người rất riêng biệt của nghệ sĩ.
Như vậy, phong cách trước hết gắn với thế giới quan, gắn bó với phẩm chất và nhân cách, tài năng của nghệ sĩ chứ không phải chỉ là những thao tác kĩ thuật, những trò chơi hay làm xiếc về ngôn từ.
 - Phong cách là một sự khám phá về chất, chỉ có được trong cách cảm nhận thế giới, một cách cảm nhận nghệ thuật.
 Đã nói là khám phá, có nghĩa là tìm tòi cái mới, cái của riêng mình, không thể đi đường mòn, dẫm lên những vết chân của người khác; phong cách thực chất là con đường phát hiện. Tìm thấy rồi thì phải thể nghiệm, củng cố, nhân lên để trong mọi sáng tác, tuy không được lặp lại mình, nhưng phải in đậm dấu ấn một phong cách.
 Sự khám phá về chất còn bao hàm ý nghĩa hết sức khó khăn không phải ai cũng khám phá và phát hiện ra được. Bởi vậy, không phải người viết nào cũng có phong cách riêng.
	- Xét về lời văn, nghệ sĩ phải tìm tòi, sáng tạo trong cách thức diễn đạt, tạo ra những dấu ấn riêng trong nghệ thuật biểu hiện ngôn từ, có giọng điệu, có dáng vẻ, có cốt cách riêng (Dùng từ mộc mạc, bình dị hay mượt mà lộng lẫy; dùng với nghĩa tường minh hay hàm ẩn; hiền lành hay phóng túng, chân chất hay ngoa ngoắt; dân dã hay bác học; những kết cấu ngữ pháp thường dùng, những biện pháp tu từ hay được sử dụng; cách kết cấu tác phẩm…).
	2.Chứng minh bằng phong cách của một số nhà văn quen thuộc (dưới đây chỉ là ví dụ mang tính gợi ý)
	1.2. Nguyễn Tuân:
	Nhìn sự vật bằng con mắt chăm chú, nhiều chiều. Có những hiện tượng tưởng như không có gì đáng nói nhưng với Nguyễn Tuân có thể viết nhiều, bàn nhiều. Ông nhìn mặt này mặt khác, nhìn xa, nhìn gần, xoay ngang xoay dọc; nhìn bằng con mắt văn chương, hội hoạ, điêu khắc, điện ảnh; nhìn bằng cả cặp kính của nhà sử học. sinh học, địa lí học, khảo cổ học…
	- Trước cách mạng, tác phẩm của Nguyễn Tuân thể hiện rất rõ cái tôi tài hoa, khinh bạc, thích giang hồ xê dịch vặt, muốn thoát li, luôn luôn đòi hỏi thay đổi thực đơn cho giác quan, lấy sự hoàn toàn, phát triển giác quan làm lẽ chính cho cuộc sống; muốn “nổi loạn” chống lại xã hội phàm tục (thể hiện rất rõ Vang bóng một thời với những nhân vật quay lưng với thế sự, uống rượu, ngao du, thả thơi, chơi chữ…)
	- Sau cách mạng, những kí sự và tuỳ bút hay những tiểu luận phê bình, chân dung văn học về Truyện Kiều, Tú Xương, Tản Đà, Thạch Lam…đều biểu hiện vốn hiểu biết sâu sắc và phong phú trên nhiều lĩnh vực, năng lực thẩm mĩ sắc sảo, lối viết tài hoa phóng túng, những phát hiện độc đáo, tâm đắc và trình độ sử dụng tiếng Việt hết sức điêu luyện…, tạo nên phong cách rất Nguyễn Tuân.
	2.2. Xuân Diệu:
	- Lòng ham muốn tột độ được sống hết mình, được tận hưởng những hạnh phúc trần thế, muốn sống gấp gáp, luôn lo sợ mọi cảm giác sẽ tan biến, tình yêu và tuổi trẻ sẽ phai tàn, luôn cảm thấy được cái tương lai trong cái hiện tại:
“Mau lên chứ vội vàng lên với chứ,
Em, em ơi, tình non sắp già rồi…
Con chim hồng trái tim nhỏ của tôi,
Mau với chứ! thời gian không đứng đợi.”
- Giàu hình ảnh, tràn đầy ấn tượng và cảm giác, cảm giác của đủ loại giác quan:
“Ta muốn ôm,
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn.
Ta muốn riết mây đưa và gió hẹn,
….
Cho no nê thanh sắc của thời tươi,
Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi!”
	- Cảm xúc dù có lúc xô bồ nhưng bao giờ cũng sôi nổi, nồng nàn và chủ yếu là tích cực:
“Cũng có khi ào ạt,
Như nghiến nát bờ em…
Để hát mãi bên gành,
Một tình chung không hết…
Như hôn mãi ngàn năm không thoả,
Bởi yêu bờ lắm lắm , em ơi!”
	III.Kết thúc vấn đề:
	- Phong cách là chỗ độc đáo mang phẩm chất thẩm mỹ cao được kết tinh trong sự sáng tạo của nhà văn. Con đường để dẫn đến có phong cách riêng biệt, đặc sắc, là con đường tìm kiếm đầy khó khăn, đòi hỏi năng lực bẩm sinh và lòng kiên nhẫn.
	- Mỗi nghệ sĩ cần có một phong cách riêng, để nhiều cái độc đáo và đặc sắc ấy hội thành một nền văn học dân tộc phong phú, đa phong cách.
*Thang điểm:
	A/Phần phân tích đề: cho 1,0 điểm.
	B/Phần lập dàn ý: 8,0 điểm.
	1.Đặt vấn đề: 1,0 điểm
	2.Giải quyết vấn đề: 6,0 điểm
	- Phần chứng minh: 3,0 điểm (chọn đúng ba cây bút độc đáo về phong cách,và thí sinh phải biết chọn cả thơ và văn để tạo sự cân đối, toàn diện; mỗi tác giả chọn chính xác cho 1,0 điểm)
	3. Kết thúc vấn đề: 1,0 điểm.
	 *Lưu ý:
	- Thí sinh phải thể hiện đúng kỹ năng phân tích đề; lập dàn ý, tránh lối trình bày các ý của bài văn.
	- Phần chứng minh ở đáp án chỉ là ví dụ để gợi ý, thí sinh có thể chọn bất kỳ nhà văn, nhà thơ nào cũng được nhưng phải là các tác giả xuất sắc có phong cách độc đáo,ít nhất là 03 tác giả,có cả thơ và văn (Nam Cao; Vũ Trọng Phụng; Tố Hữu; Xuân Diệu…).
—Hết—

File đính kèm:

  • docDe dap an thi giao vien gioi THPT mon Ngu van.doc
Đề thi liên quan