Kinh nghiệm tổ chức hoạt động: Kĩ thuật dạy học tích cực – Kĩ thuật mảnh ghép - Theo chuẩn kiến thức - kĩ năng trong bộ môn Ngữ văn 6

doc16 trang | Chia sẻ: minhhong95 | Lượt xem: 1776 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kinh nghiệm tổ chức hoạt động: Kĩ thuật dạy học tích cực – Kĩ thuật mảnh ghép - Theo chuẩn kiến thức - kĩ năng trong bộ môn Ngữ văn 6, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
KINH NGHIỆM TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG: KĨ THUẬT DẠY HỌC TÍCH CỰC – KĨ THUẬT MẢNH GHÉP - THEO CHUẨN KIẾN THỨC - KĨ NĂNG TRONG BỘ MÔN NGỮ VĂN 6
I. ĐẶT VẤN ĐỀ: 
Qua nhiều năm thực hiện chương trình thay sách và đổi mới phương pháp dạy học nói chung và bộ môn Ngữ văn nói riêng, tôi đã được dự giờ nhiều, song điều tôi vẫn phân vân là làm thế nào để trong một tiết dạy học với thời lượng có hạn một tiết mà phải áp dụng nhiều phương pháp dạy học tích cực. Để phát huy tính tích cực của học sinh, tôi cũng được tập huấn nhiều, song làm thế nào để lồng ghép tiết dạy học tích cực vào tiết dạy một cách tự nhiên, sinh động mà không ảnh hưởng đến thời lượng của một tiết dạy học bộ môn Ngữ văn. 
Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo quyết định số 16/2006/QĐ,BGDĐT ngày phát hành 5/6/2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu: “Phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh; phù hợp với đặc trưng môn học, đặc điểm đối tượng học sinh, điều kiện của từng lớp học mà bồi dưỡng cho học sinh phương pháp tự học, khả năng hợp tác; rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú và trách nhiệm học tập của học sinh”. Để học sinh học tập được thoải mái, hứng thú, cảm thụ và lĩnh hội môn Ngữ văn tốt, tôi mạnh dạn đi sâu nghiên cứu một số kĩ thuật dạy học tích cực. Và để dần hoàn thiện tốt hơn, năm học 2011- 2012 tôi chỉ đi sâu vào một số kĩ thuật dạy học theo hướng tích cực qua một số tác phẩm đã học trong chương trình lớp 6. Đó là đề tài: “Kinh nghiệm tổ chức hoạt động: Kĩ thuật dạy học tích cực- kĩ thuật mảnh ghép - theo chuẩn kiến thức- kĩ năng trong bộ môn Ngữ văn 6”
 Đối tượng nghiên cứu thực hiện đề tài: Học sinh lớp 6/4, 6/5 Trường THCS Nguyễn Thành Hãn năm học 2011 – 2012.
II.CƠ SỞ LÝ LUẬN:
Trước khi đi vào tìm hiểu thế nào là kĩ thuật dạy học tích cực, ta phải hiểu thế nào là tính tích cực ? Biểu hiện của nó trong dạy học thế nào ? Khi nào thì coi một phương pháp dạy học là phương pháp tích cực. 
Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) giải thích “tích cực” là có ý nghĩa, có tác dụng khẳng định, tác dụng thúc đẩy phát triển; tỏ ra chủ động, có những hoạt động nhằm tạo ra sự biến đổi theo hướng phát triển; hăng hái tỏ ra nhiệt tình đối với nhiệm vụ, với công việc. Vận dụng vào dạy học, sự tích cực thể hiện ở thái độ chủ động, hăng hái, nhiệt tình (của giáo viên đối với việc dạy, của học sinh đối với việc học) và thông qua các hoạt động mà tạo ra sự biến đổi theo hướng phát triển của cả thầy và trò.
Nhà giáo dục học Kharlamop thì cho rằng: “Tính tích cực là trạng thái hoạt động của chủ thể, nghĩa là của người hành động. Tính tích cực nhận thức là trạng thái hoạt động của học sinh đặc trưng bởi khát vọng học tập, cố gắng trí tuệ và nghị lực cao trong quá trình nắm vững kiến thức. Nghĩa “tích cực” bao gồm cả tích cực bên trong thể hiện ở những vận động tư duy, trí nhớ, những chấn động của các cung bậc tình cảm, cảm xúc và tích cực bên ngoài lộ ra ở thái độ, hành động đối với công việc. Điều đó có nghĩa là phương pháp dạy học tích cực là phương pháp khi vận dụng sẽ vừa đòi hỏi thúc đẩy sự tích cực bên trong (tư duy tình cảm) và vừa tích cực bên ngoài (thái độ, hành động) của giáo viên và học sinh.
Phải nói rằng, lứa tuổi học sinh trung học cơ sở, đặc điểm tâm sinh lý hết sức điển hình. Đây là thời kì quá độ chuyển từ giai đoạn trẻ em sang người lớn. Trong giai đoạn này hứng thú của các em đã phát triển ở mức độ cao, hứng thú về học tập đã phát triển và ngày càng đậm nét. Đây là một đặc điểm hết sức thuận lợi đối với việc giảng dạy bộ môn văn. Việc tò mò thích thú khám phá môn học không phải là khoảng cách xa đối với các em. Bên cạnh đó ý thức tự lập và khả năng đào sâu, khám phá những nét đẹp trong cuộc sống là một ưu điểm điển hình của học sinh trung học cơ sở. Song song với những ưu điểm trên, một số em còn rụt rè e ngại, thụ động, không dám hoạt động, đôi lúc còn nản chí, nản lòng khi tiếp xúc với một hoạt động nào đó. Vậy làm thế nào để khắc phục khó khăn đó ? Làm thế nào để tiết dạy môn Ngữ văn thật sự có hiệu quả để thu hút học sinh say mê học tập ?
Như chúng ta đã biết, văn học xuất phát từ đời sống, chính vì thế văn học rất gần gũi với mọi người. Những tác phẩm hay được học trong chương trình không những giúp cho giờ văn, không chỉ là giờ học mà còn là những giờ giải trí, khám phá biết bao điều kì diệu hấp dẫn của cuộc sống con người. Để có một giờ học sinh động, sôi nổi, vui vẻ thì việc lồng vào tiết dạy “kĩ thuật dạy học tích cực - kĩ thuật mảnh ghép” là rất cần thiết đòi hỏi người thầy phải thường xuyên phát huy tính tích cực học tập ở học sinh. Có như vậy mới giúp cho học sinh đạt được mức độ độc lập, sáng tạo trong nhận thức. 
III. CƠ SỞ THỰC TIỄN:
 Do nhận thức không đầy đủ tầm quan trọng đặc biệt của phương pháp dạy học tích cực mà đặc biệt là một số kĩ thuật dạy học tích cực, một số giáo viên quen chú trọng việc dạy truyền đạt kiến thức cho học sinh mà không cho các em hoạt động bởi nhiều lí do mà một trong những lí do chính đó là sợ không đảm bảo thời gian một tiết dạy học nên nhiều giáo viên vẫn còn e ngại lồng ghép vận dụng kĩ thuật dạy học tích cực vào tiết dạy của mình.
Nhiều giáo viên không thành công trong giờ dạy giảng văn vì không biết phát huy khai thác triệt để các phương pháp dạy học nên nhiều lúc làm giờ học rơi vào kiểu dạy học truyền thống là thầy truyền đạt kiến thức và trò tiếp nhận kiến thức. Còn sự sản sinh nếp tư duy độc lập, suy nghĩ độc lập của học sinh thì không có. Mà chúng ta biết rằng tính tích cực sản sinh nếp tư duy độc lập, suy nghĩ độc lập là mầm mống của sáng tạo.
 Vận dụng kĩ thuật dạy học với các phương pháp khác sẽ tạo cho giờ giảng văn không khí sôi nổi, vui vẻ, gây ấn tượng sâu sắc trong học sinh, giúp các em vận dụng trí tuệ tập thể để giải quyết một vấn đề phức tạp, tạo hoạt động học tập hợp tác kết hợp giữa cá nhân và tập thể. Tất cả những hoạt động đó sẽ giúp cho các em ý thức hơn trong học tập và có tinh thần đồng đội cao. 
IV. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU - BIỆN PHÁP THỰC HIỆN:
 1.Nội dung nghiên cứu: Lớp 6/4, 6/5 tổng số học sinh là 69 em.
Trong năm học 2011- 2012, tôi được nhà trường phân công giảng dạy bộ môn Ngữ văn của lớp 9/1, 6/4, 6/5. Qua trực tiếp giảng dạy trong các tuần đầu của học kỳ I và qua tập huấn chuyên môn hè về chuẩn kiến thức - kĩ năng và các phương pháp dạy học, tôi nhận thấy rằng hầu hết ở các lớp có vận dụng phương pháp dạy học tích cực nhưng chưa đi sâu vào việc cho học sinh vận dụng các kĩ thuật dạy học tích cực. Đó là một hoạt động gây hứng thú đối với các em. Trong đề tài này bước đầu tôi chỉ vận dụng cho học sinh khối lớp 6 với một kĩ thuật đơn giản để cho học sinh và các thầy cô giáo khác có điều kiện vận dụng vào tiết dạy của mình tốt hơn.
 2. Biện pháp thực hiện :
2.1.Giới thiệu kĩ thuật dạy học tích cực – kĩ thuật mảnh ghép - theo chuẩn kiến thức - kĩ năng trong bộ môn Ngữ văn 6:
 Kĩ thuật mảnh ghép: là kĩ thuật tổ chức hoạt động học tập hợp tác, kết hợp giữa cá nhân, nhóm và liên kết giữa các nhóm nhằm giải quyết một nhiệm vụ phức tạp, kích thích sự tự giác tích cực của học sinh, nâng cao vai trò của cá nhân trong quá trình hợp tác. Không chỉ nhận thức hoàn thành nhiệm vụ ở vòng 1 mà còn phải truyền đạt kết quả và hoàn thành ở vòng 2.
Vòng 1: Hoạt động theo nhóm, mỗi nhóm được giao một nhiệm vụ
Ví dụ: ( Nhóm 1: nhiệm vụ A, Nhóm 2: nhiệm vụ B, nhóm 3: nhiệm vụ C.) đảm bảo mỗi thành viên trong nhóm đều trả lời được tất cả các câu hỏi trong nhiệm vụ được giao, trình bày được kết quả câu trả lời của nhóm.
Vòng 2: Hình thành nhóm mới (một người từ nhóm 1, một người từ nhóm 2 và một người từ nhóm 3) sau khi chia sẻ thông tin vòng 1, nhiệm vụ mới sẽ được giao cho nhóm vừa thành lập để giải quyết và trình bày kết quả nhiệm vụ vòng 2.
Vận dụng kĩ thuật mảnh ghép trên, tôi đã đúc kết được một số tiết trong bài học và vận dụng nó vào các tiết dạy ở chương trình học của lớp 6.
2.2. Áp dụng kĩ thuật mảnh ghép qua một số tác phẩm ở chương trình lớp 6:
Văn bản 1: Truyền thuyết “Sơn Tinh,Thủy Tinh”.
Câu hỏi thảo luận: Đọc truyện “Sơn Tinh, Thủy Tinh”, liệt kê những chi tiết nghệ thuật tưởng tượng, kì ảo về Sơn Tinh, Thủy Tinh và về cuộc giao tranh giữa hai vị thần này ? Đằng sau câu chuyện mối tình Sơn Tinh, Thủy Tinh và nàng Mị Nương là cốt lõi lịch sử nằm sâu trong các sự việc được kể nhằm phản ánh điều gì ? Qua đó thể hiện ước mơ gì của nhân dân ta ? 
Văn bản 2: Truyện cổ tích: “Em bé thông minh”
Câu hỏi thảo luận: Trong truyện “Em bé thông minh”, Em bé đã trải qua mấy lần thử thách ? Đó là những lần nào ? Và liệt kê những chi tiết của mỗi lần thử thách đó. Theo em, các lần đó như thế nào về mức độ ? Cậu bé đã ứng xử mỗi tình huống một cách. Hãy chỉ ra sự nhanh trí của nhân vật trong từng lần vượt đó ? Nêu ý nghĩa của truyện ?
Văn bản 3: Văn bản: “Đêm nay Bác không ngủ” của Minh Huệ 
Câu hỏi thảo luận: Phân tích vẻ đẹp của Bác Hồ qua cảm nhận của người chiến sĩ ? Việc lặp lại ba lần câu thơ “Đêm nay Bác không ngủ” có ý nghĩa nghệ thuật như thế nào ?
Văn bản 4: Đoạn trích “Buổi học cuối cùng” (Chuyện của một em bé người An- dat) của An- phông –xơ Đô-đê.
Câu hỏi thảo luận: Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Phrăng trong đoạn truyện “Buổi học cuối cùng”. Trong tác phẩm này, nhân vật Phrăng có ý nghĩa nghệ thuật gì ?
( Nội dung cụ thể các mảnh ghép có tài liệu đính kèm)
3. Những kết quả đạt được:
Tuy còn mới mẻ nhưng tôi cũng cố gắng nghiên cứu, soạn thảo và vận dụng kĩ thuật mảnh ghép vào một số tiết dạy, tôi nhận thấy rằng việc vận dụng kĩ thuật mảnh ghép kích thích tốt sự hoạt động hợp tác của học sinh, kích thích sự tham gia tích cực của học sinh. Các em (kể cả những em trước đây thụ động) đã phát huy tốt vai trò cá nhân trong quá trình hợp tác. Các em cảm thấy hứng thú với hoạt động này. Vì thế, việc cảm thụ và lĩnh hội kiến thức văn học trong phần đọc - hiểu văn bản của bộ môn Ngữ văn có tăng lên rõ rệt.
V. KẾT QUẢ: 
Qua vận dụng thực tế ở hai lớp 6/4 và 6/5 cho thấy khoảng 90% học sinh say mê mảng hoạt động này. 
Tổng cộng 69 em trong đó: 70% hoạt động tốt, 20% hoạt động khá, 10% còn ở mức trung bình.
VI. KẾT LUẬN:
Đổi mới phương pháp dạy học theo chuẩn kiến thức kĩ năng. Trong chương trình giáo dục theo xu thế hiện nay luôn có nhiều đổi mới. Và việc lựa chọn các phương pháp dạy học cụ thể có nghĩa là đưa ra các mô hình hoạt động mà kĩ thuật dạy học là thao tác hoạt động không thể thiếu đối với học sinh hiện nay. Đối với giáo viên trực tiếp dạy môn Ngữ Văn thì hoạt động này còn nhiều mới mẻ, đòi hỏi người giáo viên phải tiếp nhận một cách từ từ và thấu đáo. Vì thế, tôi chỉ xin trình bày một khía cạnh nhỏ trong đề tài sáng kiến của mình là xây dựng mô hình hoạt động dạy học tích cực mà chủ yếu là “kĩ thuật mảnh ghép”. Đề tài còn nhiều mới mẻ, mỗi năm tôi chỉ đúc kết một số ít qua một số văn bản học mà thôi và tất nhiên đây là việc làm thường xuyên đối với người giáo viên không chỉ là năm học 2011-2012 mà bản thân tôi với quan điểm “kiến tha lâu đầy tổ”, tôi sẽ dần dần hoàn thiện đầy đủ hơn các kĩ thuật khác vào dạy học không những riêng cho khối 6 mà còn cho khối 7, 8, 9 nữa.
u Những bài học rút ra từ thực tế vận dụng:
 Muốn cho tiết học sôi nổi, sinh động, cần phải chọn phương pháp dạy học phù hợp với đặc trưng bộ môn. Muốn vậy cần: 
+ Phải tìm hiểu kỹ nội dung bài sắp dạy. 
+ Nắm được mục tiêu cần đạt của văn bản.
+ Vận dụng kĩ thuật dạy học phù hợp.
+ Giáo viên cần quan tâm nhiều đến đối tượng học sinh yếu, kém để các em phát huy vai trò cá nhân tốt hơn. 
+ Giáo viên phải thực sự có tâm huyết, kiên trì, nghiêm túc trong việc thực hiện hoạt động này. 
 + Động não khích lệ các em trong quá trình hoạt động .
u Đây chỉ là một kinh nghiệm nhỏ mà bản thân tôi đã áp dụng trong quá trình giảng dạy và đúc kết được để phục vụ cho nhiệm vụ dạy học của mình trong năm học này. Tôi mong muốn trao đổi học tập thêm kinh nghiệm với anh chị em đồng nghiệp, tiếp tục áp dụng và bổ sung thêm các kinh nghiệm vào việc dạy học ở lớp 7, 8, 9 ở bậc học Trung học cơ sở.
Bước đầu vận dụng đề tài này khó có thể tránh nhiều điều sai sót. Kính mong các cấp lãnh đạo chuyên môn cùng các anh chị em đồng nghiệp góp ý cho tôi có thể hoàn chỉnh một đề tài sáng kiến kinh nghiệm thật sự có chất lượng, có thể áp dụng rộng rãi trong học sinh một cách hiệu quả nhất.
VII. ĐỀ NGHỊ:
1. Đối với phụ huynh 
- Quan tâm hơn đến việc học hành của con em mình, đầu tư nhiều về thời gian cho con cái học tập, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các em học tập. 
- Phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với giáo viên bộ môn văn để tìm hiểu, nắm bắt kịp thời tình hình học tập của con em mình.
2. Đối với phòng giáo dục 
- Tổ chức hội thảo chuyên đề cho giáo viên bộ môn Ngữ văn trong từng năm để giáo viên có dịp trao đổi kinh nghiệm, bàn luận tìm ra biện pháp tối ưu, tích cực nâng cao chất lượng dạy học môn văn.
- Hình thức tổ chức để học hỏi tốt là sinh hoạt chuyên môn theo cụm. 
- Đầu tư trang thiết bị, dụng cụ trực quan, đặc biệt là đầu tư công nghệ thông tin để hỗ trợ cho giáo viên giảng dạy.
3. Đối với địa phương 
- Quản lí chặt chẽ các điểm kinh doanh internet và các điểm dịch vụ không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh. 
- Quan tâm sát sao, hiệu quả đến chất lượng giáo dục ở địa phương, đầu tư cơ sở vật chất kịp thời phục vụ cho việc dạy và học. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1/ Sách giáo khoa Ngữ văn 6 (tập1 và 2).
2/ Sách giáo viên Ngữ văn 6 (tập1 và 2).
3/ Phương pháp dạy học ngữ văn ở trường THCS theo hướng tích hợp và tích cực – Đoàn Thị Kim Nhung - NXB Đại học quốc gia TPHCM.
4/ Tài liệu tập huấn giáo viên “Dạy học, kiểm tra đánh giá theo chuẩn kiến thức, kĩ năng trong chương trình giáo dục phổ thông - Môn Ngữ văn- cấp THCS (tài liệu lưu hành nội bộ) của Bộ giáo dục và đào tạo. 
5/ Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng môn Ngữ văn THCS tập 2 của Bộ giáo dục và Đào tạo.
MỤC LỤC 
I. Đặt vấn đề	1
II. Cơ sở lý luận	1
III. Cơ sở thực tiễn	2
IV. Nội dung nghiên cứu- Biện pháp thực hiện	3
 1. Nội dung nghiên cứu	3
 2. Biện pháp thực hiện	3
 2.1. Giới thiệu kĩ thuật dạy học tích cực – kĩ thuật mảnh ghép- theo 
chuẩn kiến thức- kĩ năng trong bộ môn Ngữ văn 6..3
	 2.2. Áp dụng kĩ thuật mảnh ghép qua một số tác phẩm ở chương 
trình lớp 6.3
 Văn bản 1: Truyền thuyết “ Sơn Tinh, Thủy Tinh” . ..5 
 Vòng 1...5
 Vòng 2...6
Văn bản 2: Truyện cổ tích: “Em bé thông minh”	7
 Vòng 1..7
 Vòng 2..8 
 Văn bản 3: Bài thơ: “Đêm nay bác không ngủ” -Minh Huệ...... ...9
 Vòng 1..9
 Vòng 2.10
Văn bản 4: Đoạn trích: “Buổi học cuối cùng” của An-phông-xơ Đô-đê..11
 Vòng 1..11
 Vòng 2..12
3. Những kết quả đạt được	13
V. Kết quả	13
VI. Kết luận	13
VII. Đề nghị	14
Tài liệu tham khảo	15

File đính kèm:

  • docSKKN_CHUONG_2011_2012.doc
  • docBIA_SKKN.doc
  • docKI THUAT MANH GHEP.doc
Đề thi liên quan