Hướng dẫn ôn tập ngữ văn 11- Học kì I (năm học: 2011 – 2012)

docx8 trang | Chia sẻ: dethi | Lượt xem: 997 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hướng dẫn ôn tập ngữ văn 11- Học kì I (năm học: 2011 – 2012), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
HƯỚNG DẪN ÔN TẬP NGỮ VĂN 11- HỌC KÌ I (Năm học: 2011 – 2012)
 
I. PHẦN TIẾNG VIỆT: (Lưu ý: Phần tiếng Việt không có trong đề thi – Ôn tập TV làm cơ sở cho phân môn làm văn).
1.Từ ngôn ngữ chung đến lời nói cá nhân: 
 - Đặc điểm của ngôn ngữ chung và lời nói cá nhân.
- Mối quan hệ 2 chiều giữa ngôn ngữ chung và lời nói cá nhân.
2.Thực hành về thành ngữ, điển cố: 
 	Nhận diện và phân tích được giá trị biểu hiện của những thành ngữ, điển cố thông dụng.
3.Ngữ cảnh:
	- Khái niệm.
	- Các nhân tố của ngữ cảnh.
4. Phong cách ngôn ngữ báo chí: 
	- Khái niệm: 
- Đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ báo chí:Tính thông tin thời sự, Tính ngắn gọn, Tính sinh động, hấp dẫn)
	- Nhận biết và phân tích những biểu hiện của 3 đặc trưng cơ bản của phong cách ngôn ngữ báo chí.
5. Bản tin: Viết được một bản tin thông thường về những sự kiện diễn ra trong đời sống.

II. PHẦN VĂN HỌC:
 
1.VÀO PHỦ CHÚA TRỊNH (Trích Thượng kinh kí sự) - Lê Hữu Trác
a) Nội dung
- Sự cao sang, quyền uy cùng cuộc sống hưởng thụ cực điểm của nhà chúa.
+ Quang cảnh tráng lệ, trang nghiêm, lộng lẫy (đường vào phủ, khuôn viên vườn hoa, bên trong phủ và nội cung của thế tử…).
+ Cung cách sinh hoạt, nghi lễ khuôn phép (cách đưa đón thầy thuốc, cách xưng hô, kẻ hầu, người hạ, cảnh khám bệnh…)
- Thái độ, tâm trạng và những suy nghĩ của nhân vật “tôi”
+ Dửng dưng trước những quyến rũ vật chất, không đồng tình trước cuộc sống quá no đủ, tiện nghi nhưng thiếu khí trời và không khí tự do.
+ Lúc đầu có ý định chữa bệnh cầm chừng để tránh bị công danh trói buộc. Nhưng sau đó ông thẳng thắn đưa ra cách chữa đúng bệnh, kiên trì giải thích, dù khác ý với các quan thái y.
-  Vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách của Lê Hữu Trác: một thầy thuốc giỏi, bản lĩnh, giàu kinh nghiệm, y đức cao; xem thường danh lợi, quyền quý, yêu tự do và nếp sống thanh đạm.
b) Nghệ thuật
 - Quan sát tỉ mỉ, ghi chép trung thực, miêu tả cụ thể, sống động, lựa chọn được những chi tiết “đắt” gây ấn tượng mạnh.
 - Lối kể hấp dẫn, chân thực, hài hước.
 - Kết hợp văn xuôi và thơ làm tăng chất trữ tình cho tác phẩm, góp phần thể hiện một cách kín đáo thái độ của người viết.
c) Luyện tập:
(1)-Cảm nhận của anh (chị) về bức tranh hiện thực nơi phủ chúa Trịnh và thái độ của tác giả trước hiện thực đó.
(2)-Con người Lê Hữu Trác qua đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh

2. TỰ TÌNH - Hồ Xuân Hương
 a) Nội dung
- Hai câu đề : + Câu 1: Bối cảnh không gian, thời gian
 + Câu 2: Nỗi cô đơn, buồn tủi và bẽ bàng về duyên phận của nhân vật trữ tình
- Hai câu thực
 	Gợi lên hình ảnh người phụ nữ cô đơn trong đêm khuya vắng lặng với bao xót xa cay đắng; nỗi chán chường, đau đớn, ê chề (chú ý mối tương quan giữa vầng trăng và thân phận nữ sĩ).
- Hai câu luận
Cảnh thiên nhiên qua cảm nhận của người như mang sẵn niềm phẫn uất và sự bộc lộ cá tính, bản lĩnh không cam chịu, như muốn thách thức số phận của Hồ Xuân Hương.
- Hai câu kết
Tâm trạng chán chường buồn tủi – hệ quả của khát vọng hạnh phúc và cũng là nỗi lòng của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.
b) Nghệ thuật
Sử dụng từ ngữ độc đáo, sắc nhọn; tả cảnh sinh động; đưa ngôn ngữ đời thường vào thơ (khai thác nghệ thuật đảo ngữ, tương phản và sắc thái ý nghĩa của các từ ngữ: trơ, văng vẳng, cái hồng nhan, với nước non,…)
c) Luyện tập:
(1)-Tâm trạng của Hồ Xuân Hương trong bài thơ Tự tình (II)
 
3. CÂU CÁ MÙA THU- Nguyến Khuyến
a. Nội dung
- Hai câu đề: Giới thiệu mùa thu với hai hình ảnh vừa đối lập, vừa cân đối, hài hoà; bộc lộ rung cảm của tâm hồn thi sĩ trước cảnh đẹp mùa thu.
- Hai câu thực: Tiếp tục nét vẽ về mùa thu với hình ảnh sóng biếc gợn thành hình, lá vàng rơi thành tiếng, gợi vẻ tĩnh lặng của mùa thu.
- Hai câu luận: Không gian của bức tranh thu được mở rộng cả về chiều cao và chiều sâu với nét đặc trưng của cảnh thu đồng bằng Bắc Bộ thanh, cao, trong, nhẹ…
- Hai câu kết: Hình ảnh của ông câu cá trong không gian thu tĩnh lặng và tâm trạng u buồn trước thời thế.
b) Nghệ thuật
- Bút pháp thuỷ mặc Đường thi và vẻ đẹp thi trung hữu hoạ của bức tranh phong cảnh.
- Sự kết hợp bút pháp cổ điển và hiện đại.
c) Luyện tập:
(1)-Phân tích nét đặc sắc trong sự cảm nhận và thể hiện cảnh thu ở bài Câu cá mùa thu.
(2)-Cảm nhận của anh (chị) về vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Khuyến qua bài thơ.

4. THƯƠNG VỢ-Trần Tế Xương.
a) Nội dung
- Hai câu đề: Lời kể về công việc làm ăn và gánh nặng gia đình mà bà Tú phải đảm đương. Cần chú ý cách tính thời gian của sự vất vả (quanh năm), cách nói về nơi và công việc làm ăn (buôn bán ở mom sông), cách nói về chuyện bà Tú nuôi đủ cả con lẫn chồng để thấy được sự tri ân của ông đối với vợ.
- Hai câu thực: Đặc tả cảnh làm ăn vất vả để mưu sinh của bà Tú (chú ý các từ ngữ: lặn lội, eo sèo, thân cò, khi quãng vắng, buổi đò đông) để thấy nỗi cảm thông sâu sắc trước sự tảo tần của người vợ.
- Hai câu luận: Bình luận về cảnh đời oái oăm mà bà Tú gánh chịu. Chú ý âm hưởng dằn vặt, vật vã, như một tiếng thở dài nặng nề, chua chát để thấy ông Tú thấu hiểu tâm tư của vợ, do đó càng thương vợ sâu sắc.
- Hai câu kết: Là tiếng chửi, tự chửi mình và chửi thói đời đen bạc.
b) Nghệ thuật
- Vận dụng sáng tạo ngôn ngữ và thi liệu văn hoá dân gian.
- Kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trữ tình và trào phúng.
 c) Luyện tập:
(1)-Phân tích hình ảnh bà Tú thể hiện trong bài thơ.
(2)-Phân tích sự vận dụng sáng tạo hình ảnh, ngôn ngữ văn học dân gian của tác giả.

5. BÀI CA NGẤT NGƯỞNG - Nguyễn công Trứ
a) Nội dung: Hình ảnh “ông ngất ngưởng”
- “Ngất ngưởng” trên hành trình hoạn lộ: người quân tử sống bản lĩnh, đầy tự tin, kiên trì lí tưởng.
- “Ngất ngưởng” khi cáo quan về hưu: bậc tài tử phong lưu, không ngần ngại khẳng định cá tính của mình.
Tất cả đều thể hiện cá tính, bản lĩnh, sự tự tin của con người có cốt cách độc đáo khi nhìn lại đời mình và tự thể hiện mình. Trên cơ sở đó, thấy rõ vẻ đẹp nhân cách của Nguyễn Công Trứ: một con người giàu năng lực, dám sống cho mình, bỏ qua sự gò bó của lễ giáo theo đuổi cái tâm tự nhiên.
b) Nghệ thuật
Sự phù hợp của thể hát nói với việc bày tỏ tư tưởng, tình cảm tự do, phóng túng, thoát ra ngoài khuôn khổ của tác giả.
c) Luyện tập:
(1)-Anh chị hiểu như thế nào về ý nghĩa của hai chữ ngất ngưởng và phong cách sống ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ trong bài thơ?
 
 6. BÀI CA NGẮN ĐI TRÊN BÃI CÁT - Cao Bá Quát
a) Nội dung
- Bốn câu đầu: Tiếng khóc cho cuộc đời dâu bể
Hình ảnh bãi cát dài mênh mông, nối tiếp nhau; hình ảnh con đường như bất tận, mờ mịt; tình cảnh của người đi đường:
+ Đi một bước như lùi một bước: vừa là cảnh thực vừa tượng trưng cho con đường công danh gập ghềnh của tác giả
+ Mặt trời lặn mà vẫn còn đi, nước mắt rơi lã chã: tâm trạng đau khổ.
- Tám câu tiếp theo: Tiếng thở dài, oán trách bởi ý thức sâu sắc về mâu thuẫn giữa khát vọng, hoài bão của mình và thực tế cuộc đời trớ trêu, ngang trái.
+ Nỗi chán nản vì tự mình hành hạ thân xác; theo đuổi công danh và ước muốn trở thành ông tiên có phép ngủ kỹ
+ Sự cám dỗ của cái bả công danh đối với người đời: kẻ ham danh lợi đều phải chạy ngược chạy xuôi ví như ở đâu có quán rượu ngon đều đổ xô đến, trong khi đó người tỉnh lại rất ít.
+ Nỗi băn khoăn, trăn trở: đi tiếp hay từ bỏ con đường công danh? Nếu đi tiếp thì cũng không biết phải đi như thế nào vì đường bằng phẳng thì mờ mịt, đường ghê sợ thì nhiều.
-  Bốn câu cuối: Tiếng kêu bi phẫn, bế tắc, tuyệt vọng
Nghệ thuật
-  Sử dụng thơ cổ thể; hình ảnh có tính biểu tượng.
-  Thủ pháp đối lập, sáng tạo trong dùng điển tích.
c) Luyện tập:
(1)-Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng người đi trên bãi cát.
 
7. VĂN TẾ NGHĨA SĨ CẦN GIUỘC - Nguyễn Đình Chiểu
 a) Nội dung 
- Hoàn cảnh xuất thân và việc tự nguyện ra trận đánh giặc của người nghĩa sĩ.
- Tinh thần xả thân của những người dân chân đất mang trọng trách và chí khí của những anh hùng thời đại 
- Nỗi đau đớn tiếc thương của người thân, của nhân dân trước sự hi sinh của những nghĩa sĩ.
- Ý nghĩa bất tử của cái chết anh hùng.
  b) Nghệ thuật 
- Chất trữ tình
- Thủ pháp tương phản và cấu trúc của thể văn biền ngẫu.
- Ngôn ngữ vừa trang trọng vừa dân dã, mang đậm sắc thái Nam Bộ. 
 c) Luyện tập:
H/s tự ôn tập phần tác gia Nguyễn Đình Chiểu qua 2 câu hỏi sau:
(1)-những nét chính về cuộc đời và con người Nguyễn Đình Chiểu có ảnh hưởng tới sáng tác của ông.
(2)-giá trị nội dung yêu nước và nhân nghĩa trong sáng tác văn chương của Nguyễn Đình Chiểu.
Luyện tập phần tác phẩm:
(1)-Phân tích hình tượng người nông dân – nghĩa sĩ trong tác phẩm.

8. HAI ĐỨA TRẺ - Thạch Lam : 
a) Nội dung 
- Phố huyện lúc chiều tàn: đó là cảnh chiều tàn, chợ tàn và những kiếp người tàn, nó gợi lên trong Liên nỗi buồn man mác và niềm trắc ẩn cảm thương cho những đứa trẻ lam lũ, tội nghiệp.
- Phố huyện lúc đêm khuya
+ Khung cảnh thiên nhiên và con người: ngập chìm trong đêm tối mênh mông, đường phố và các con ngõ chứa đầy bóng tối (ánh sáng chỉ hé ở khe cửa, quầng sáng quanh ngọn đèn chị Tí, chấm lửa nhỏ ở bếp lửa bác Siêu, từng hột sáng lọt qua phên nứa).
+ Nhịp sống lặp đi lặp lại một cách đơn điệu, buồn tẻ với những động tác quen thuộc, những suy nghĩ, mong đợi như mọi ngày; họ mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày.
+ Tâm trạng của Liên: nhớ lại những tháng ngày tươi đẹp ở Hà Nội, buồn bã yên lặng dõi theo những cảnh đời nhọc nhằn, những kiếp người tàn tạ, cảm nhận sâu sắc về cuộc sống tù đọng trong bóng tối của họ.
- Phố huyện lúc chuyến tàu đêm đi qua: sáng bừng lên và huyên náo trong chốc lát rồi lại chìm vào bóng tối, chị em Liên hân hoan hạnh phúc khi tàu đến, nuối tiếc bâng khuâng khi tàu đã qua. Con tàu mang theo mơ ước về một thế giới khác sáng sủa hơn và đánh thức trong Liên những hồi ức về Hà Nội xa xăm.
Ý nghĩa của chuyến tàu đêm: là biểu tượng của một thế giới thật đáng sống với sự giàu sang và rực rỡ ánh sáng, nó đối lập với cuộc sống mòn mỏi nghèo nàn tối tăm và quẩn quanh của người dân phố huyện.
Qua tâm trạng của chị em Liên, tác giả như muốn lay tỉnh những con người đang buồn chán, sóng quẩn quanh lam lũ và hướng họ đến một tương lai tốt đẹp hơn. Đó là giá trị nhân bản của truyện ngắn này 
b) Nghệ thuật
- Cốt truyện đơn giản, nổi bật là những dòng tâm trạng chảy trôi, những cảm xúc, cảm giác mong manh mơ hồ trong tâm hồn nhân vật.
- Bút pháp tương phản, đối lập.
- Miêu tả sinh động những biến đổi tinh tế của cảnh vật và tâm trạng con người.
- Ngôn ngữ, hình ảnh giàu ý nghĩa tượng trưng.
- Giọng điệu thủ thỉ thấm đượm chất thơ, chất trữ tình sâu lắng.
 c) Luyện tập:
(1)-Phân tích tâm trạng của nhân vật Liên trong truyện Hai đứa trẻ.
(2)-Ý nghĩa của hình ảnh chuyến tàu đêm đi qua phố huyện?

9. CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ - Nguyễn Tuân
 a. Nội dung
- Nhân vật Huấn Cao
+ Mang cốt cách của một nghệ sĩ tài hoa; có khí phách của một trang anh hùng nghĩa liệt; sáng ngời vẻ đẹp trong sáng của người có thiên lương,...
+ Vẻ đẹp tài hoa, khí phách hiên ngang, thiên lương trong sáng ở Huấn Cao kết tinh trong cảnh cho chữ - một “cảnh tượng xưa nay chưa từng có”. Ở đó, cái đẹp, cái thiện và nhân cách cao cả của con người đã chiến thắng, toả sáng.
Qua hình tượng Huấn Cao, Nguyễn Tuân muốn khẳng định cái đẹp là bất diệt, cái tài, và cái tâm, cái đẹp và cái thiện không thể tách rời; thể hiện sự trân trọng những giá trị tinh thần của dân tộc.
- Nhân vật quản ngục: 
+Có sở thích cao quý, say mê và quý trọng cái đẹp.
+ Cảm phục tài năng, nhân cách Huấn Cao - “biệt nhỡn liên tài”. 
Xây dựng nhân vật này, nhà văn ngợi ca một tâm hồn yêu cái đẹp, cái tài. Cái đẹp chân chính, trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn giữ được phẩm chất, nhân cách.
b. Nghệ thuật:
- Tạo dựng tình huống truyện độc đáo, đặc sắc (cuộc gặp gỡ và mối quan hệ éo le, trớ trêu giữa viên quản ngục và Huấn Cao).
- Sử dụng thành công thủ pháp đối lập, tương phản.
- Xây dựng thành công nhân vật Huấn Cao - con người hội tụ nhiều vẻ đẹp -> vươn đến sự toàn thiện, toàn mĩ.
- Ngôn ngữ trau chuốt, trang trọng, giàu hình ảnh, vừa cổ kính vừa hiện đại.
c. Luyện tập:
(1)-Phân tích hình tượng Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù.
(2)-Làm rõ nét độc đáo của tình huống truyện trong truyện ngắn Chữ người tử tù.

10. HẠNH PHÚC CỦA MỘT TANG GIA - Vũ Trọng Phụng
 a. Nội dung:
- Nhan đề Hạnh phúc của một tang gia chứa đựng mâu thuẫn trào phúng, hàm chứa tiếng cười chua chát, vừa kích thích trí tò mò của độc giả vừa phản ánh một sự thật mỉa mai, hài hước và tàn nhẫn.
- Những chân dung biếm hoạ.
+ Cụ cố Hồng mơ màng nghĩ mình được mặc bộ áo xô gai, được khen... gìa; Văn Minh tranh thủ quảng cáo kiếm tiền; cô Tuyết tranh thủ trưng diện; cậu Tú Tân muốn chứng tỏ tài chụp ảnh, Phán mọc sừng kiếm món lợi lớn, riêng Xuân tóc đỏ, danh giá và uy tín càng cao thêm.
+ Hai cảnh sát Min-đơ và Min-toa có việc làm; bạn cụ cố Hồng được dịp khoe huân chương và râu ria các loại; những giai thanh gái lịch được dịp hẹn hò, tán tỉnh... đều vui vẻ, hạnh phúc.
Mọi người dù là chủ hay khách đều vui vẻ, hạnh phúc trước cái chết của cụ cố Tổ.
- Quang cảnh đám tang:
+ Bề ngoài thật long trọng, “gương mẫu” nhưng thực chất chẳng khác gì đám rước, nhố nhăng, lố bịch, có đủ “kiệu bát cống, lợn quay đi lọng, kèn tây, kèn ta, vòng hoa câu đối”; “giai thanh gái lịch” thản nhiên chuyện trò, “bình phẩm, cười tình”...
+ Đỉnh điểm của sự giả dối diễn ra lúc hạ huyệt: cậu Tú Tân yêu cầu mọi người tạo dáng để chụp ảnh, con cháu tự nguyện trở thành những diễn viên đại tài và nhất là màn kịch siêu hạng của ông Phán mọc sừng.
b. Nghệ thuật:
- Tạo tình huống trào phúng cơ bản rồi mở rộng ra những tinh huống khác.
- Phát hiện những chi tiết đối lập gay gắt cùng tồn tại trong một con người, sự vật sự việc.
- Thủ pháp cường điệu, nói ngược, nói mỉa... được sử dụng một cách linh hoạt;
- Miêu tả biến hoá, linh hoạt và sắc sảo đến từng chi tiết, đặc tả nét riêng của từng nhân vật.
c. Luyện tập:
(1)-Bộ mặt của xã hội thượng lưu thành thị với những chân dung biếm họa được Vũ Trọng Phụng mô tả như thế nào trong đoạn trích?
(2)-Phân tích nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng thể hiện trong đoạn trích.

11. CHÍ PHÈO - NAM CAO:
a. Nội dung
- Hình tượng nhân vật Chí Phèo
+ Chí Phèo - người nông dân lương thiện: có một hoàn cảnh riêng đặc biệt nhưng vẫn có nét chung của những người nông dân lao động (chăm chỉ, trong sáng, giàu tự trọng và có những ước mơ thật giản dị...)
+ Chí Phèo - thằng lưu manh, “con quỉ dữ”: vì ghen tuông vô cớ, bà Kiến đã đẩy Chi Phèo vào tù. Nhà tù thực dân tiếp tay cho địa chủ phong kiến biến một người nông dân lương thiện thành một thằng lưu manh, một con quỉ dữ ở làng Vũ Đại (sự biến đổi nhân hình, nhân tính của Chí Phèo,...).
+ Chí Phèo - bi kịch của người sinh ra là người nhưng khôngđược làm người: cuộc gặp gỡ với thị Nở và sự yêu thương chăm sóc chân thành của thị đã đánh thức dậy tính người trong Chí. Hắn muốn làm người lương thiện, muốn làm hoà với mọi người. Bị thị Nở từ chối, Chí rơi vào bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người, bị dồn đến đường cùng. Trong cơn phẫn uất, tuyệt vọng Chí Phèo đã giết bá Kiến rồi tự sát. Cái chết ấy cho thấy niềm khao khát cháy bỏng được sống lương thiện chủa Chí Phèo và có sức tố cáo mãnh liệt xã hội thuộc địa phong kiến. Nó cũng chứng tỏ cảm quan hiện thực sâu sắc của Nam Cao.
- Giá trị của tác phẩm: phản ánh tình trạng một bộ phận nông dân bị tha hoá, mâu thuẫn giữa nông dân và địa chủ, giữa các thế lực ác bá ở địa phương (hiện thực); cảm thông sâu sắc trước cảnh người nông dân cố cùng bị lăng nhục; phát hiện và miêu tả phẩm chất tốt đẹp của người nông dân ngay khi tưởng như họ bị biến thành thú dữ - niềm tin vào bản chất lương thiện của con người (nhân đạo).
b. Nghệ thuật:
- Xây dựng những nhân vật điển hình vừa có ý nghĩa tiêu biểu vừa sống động, có có tính độc đáo và nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật sắc sảo.
- Kết cấu truyện mới mẻ, tưởng như tự do nhưng lại rất chặt chẽ, lô gích.
- Cốt truyện và các tình tiết hấp dẫn, biến hoá giàu kịch tính.
- Ngôn ngữ sống động, vừa điêu luyện lại gần gũi tự nhiên; giọng điệu đan xen biến hoá, trần thuật linh hoạt.
c. Luyện tập:
H/s tự ôn tập phần tác gia Nam Cao qua 4 câu hỏi sau:
(1)-Những nét chính về cuộc đời và con người Nam Cao có ảnh hưởng tới sáng tác của ông.
(2)-Nêu quan điểm nghệ thuật của Nam Cao.
(3)-Các đề tài chính trong sáng tác của Nam Cao (người trí thức nghèo và người nông dân cùng khổ)
(4)-Phong cách nghệ thuật của Nam Cao.
Luyện tập phần tác phẩm:
(1)-Phân tích hình tượng nhân vật Chí phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao.


III. LÀM VĂN

Ôn tập văn nghị luận: bao gồm NLXH và NLVH.
Lưu ý về kiểu bài NLXH:
Các dạng bài NL:
NL về một hiện tượng đời sống.
NL về một tư tưởng đạo lí.
NL về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học.
Yêu cầu:
Bài nghị luận xã hội dù ngắn hay dài đều phải đạt được những yêu cầu sau:
- Bài nghị luận xã hội phải thể hiện sự hiểu biết chính xác tường tận về vấn đề hay hiện tượng xã hội được bàn bạc. Người viết nghị luận phải chỉ ra được thực chất cũng như xu hướng vận động của vấn đề hay hiện tượng đó.
- Bài nghị luận xã hội đòi hỏi người viết phải có chính kiến, phải bộc lộ công khai lập trường quan điểm, tư tưởng của mình. Một bài bình luận xã hội không thể thiếu phần đề xuất những ý kiến, nhận định, đánh giá về vấn đề xã hội được đem ra bàn bạc. Trên cơ sở đó, người viết có thể đề nghị một giải pháp thích hợp.
- Bài nghị luận xã hội đòi hỏi phải có tính thời sự cao. Nó phải hướng tới mục đích định hướng tư tưởng và hành động cho người đọc, thuyết phục họ tham gia tích cực vào việc giải quyết những vấn đề xã hội đang được đặt ra
- Bài nghị luận xã hội là một kiểu bài nghị luận có tính chất tổng hợp cao, đòi hỏi phải sử dụng hầu như tất cả các thao tác nghị luận. Một mặt, bài nghị luận xã hội coi trọng việc giải thích làm sáng tỏ nội dung cụ thể của những thuật ngữ, hiện tượng, vấn đề…được đề cập đến; mặt khác, nó đòi hỏi phải phân tích những phương diện, những khía cạnh cụ thể của các hiện tượng, vấn đề xã hội đang bàn bạc. Bài nghị luận xã hội cũng yêu cầu những nhận định, đánh giá phải có căn cứ xác đáng; những ý kiến, nhận xét cần phải được chứng minh
 2.3. Một số đề tài:
- Về tư tưởng đạo lí:
+ Nhận thức:Lí tưởng, mục đích sống.	
+ Tâm hồn, tích cách :Lòng yêu nước, nhân ái, tính trung thực, dũng cảm, chăm chỉ cần cù, thái độ hòa nhã, khiêm tốn, thói ba hoa, ích kỉ, vụ lợi…
+ Quan hệ gia đình :Tình mẫu tử, tình anh em.
+ Quan hệ xã hội :Tình đồng bào, tình thầy trò, tình bạn.
+ Cách ứng xử của mọi người trong cuộc sống.
- Về hiện tượng đời sống: 
+ Một số đề tài gần gũi trong đời sống như: tai nạn giao thông, hiện tượng ô nhiễm môi trường, những tiêu cực trong thi cử, nạn bạo hành trong gia đình, phong trào thanh niên tiếp sức mùa thi, cuộc vận động giúp đỡ đồng bào hoạn nạn, những tấm gương người tốt, việc tốt…
+ Hiện tượng được nêu trong đề có thể là: Hiện tượng tích cực hoặc tiêu cực; tích cực để biểu dương ca ngợi và tiêu cực để phê phán, lên án…với dạng đề này, cần nhìn nhận, phân tích soi chiếu hiện tượng ấy từ nhiều phía để có cái nhìn toàn diện, tránh cực đoan một chiều. Phê phán hay ca ngợi đều phải có lí lẽ xác đáng, có cơ sở khoa học, có cái nhìn nhân ái, bao dung… tránh suy diễn áp đặt. 

Những kiểu bài NL chính:

KIỂU BÀI BÌNH LUẬN
A. ĐẶC ĐIỂM
-Trình bày lí lẽ, dẫn chứng -> Khẳng định vấn đề đúng, sai; hay, dở; …-> Vì sao sai? (Bình).
-Bàn bạc mở rộng -> Vấn đề có tác dụng, ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống (Luận).
BL là một kiểu bài tổng hợp.
B.YÊU CẦU
Hiểu đúng, hiểu rõ luận đề.
Biết khẳng định mức độ đúng, sai của luận đề.
Biết xem xét vấn đề trong nhiều mặt, đặt trong nhiều mqh: cơ sở, diễn biến, triển vọng, tác dụng, ý nghĩa,… để xem xét, đánh giá.
Tránh thái độ xem xét một chiều, phải biết lật ngược vấn đề, rào đón khả năng thắc mắc của người đọc bằng cách nêu phản đề…
Lí lẽ, dẫn chứng phải xác đáng, sắc bén -> Sức thuyết phục.

C. PHƯƠNG PHÁP LÀM BÀI.
Đặt vấn đề:
Trực tiếp hoặc gián tiếp.
Nếu theo cách gián tiếp thì dùng thao tác diễn dịch, quy nạp hoặc so sánh.
Vd theo cách diễn dịch:
+Giới thiệu xuất xứ vấn đề càn bình luận.
+Nêu hoàn cảnh lịch sử, xã hội có liên quan đến vấn đề cần bình luận.
+Nêu tầm quan trọng (vai trò, ý nghĩa xã hội) của vấn đề cần BL.

Giải quyết vấn đề:
Giải thích ngắn gọn luận đề: Thành phần -> ý nghĩa chung của toàn luận đề.
Bình luận đề:
Đánh giá: Khẳng định vấn đề đó đúng – sai, hay – dở, lợi – hại -> Vì sao? (lí lẽ + dẫn chứng)
Luận luận đề:
Đối với vấn đề đúng hoàn toàn
+ Nêu ngoại lệ.
+ Liên hệ với các vấn đề khác.
+ Ý nghĩa, tác dụng của vấn đề.
+ Vận dụng vào thực tiễn.
Đối với luận đề có đúng có sai hoặc sai hoàn toàn:
+ Bổ sung để vấn đề được toàn diện.
+ Phê phán, lên án.
+ Đưa ra cách xử sự, phương pháp hành động.
Kết thúc vấn đề.
Có thể theo một trong các cách sau:
Tổng hợp, tóm lược các ý chính đã nêu ở phần thân bài.
Nêu phương hướng áp dụng vào cuộc sống.
Phát triển mở rộng thêm vấn đề.
Mượn ý kiến của dân gian, của danh nhân,… để thay lời kết.
Kết hợp.

KIỂU BÀI PHÂN TÍCH NHÂN VẬT TRỮ TÌNH

Con người là trung tâm của văn học -> tác phẩm văn học đều thể hiện con người (đều có nhân vật).
Qua nhân vật -> nhà văn thể hiện tư tưởng, quan điểm nghệ thuật và lí tưởng thẩm mĩ của mình. 
Nhân vật thường gắn chặt với chủ đề tác phẩm -> phân tích tác phẩm thường là phân tích nhân vật.
Trong tác phẩm trữ tình, nhân vật trữ tình thường thể hiện qua “cái tôi trữ tình”
+ Cái tôi trữ tình ấy có khi là chính tự xưng “tôi”, “ta”, “anh”, “em” bộc lộ, bày tỏ trực tiếp cảm xúc, tâm trạng.
+ Thông qua hiện thực cuộc sống -> nhận ra nhân vật trữ tình đang cảm nhận, diễn tả những rung động, cảm xúc.
+ Tác giả nhập vai một người khác bộc lộ, tỏ bày cảm xúc, tâm trạng.
Phân tích nhân vật trữ tình -> Phân tích những cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng của nhân vật trữ tình 
-> Suy ra ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm.
Phân tích nhân vật trữ tình là phân tích những cảm xúc, suy nghĩa, tâm trạng nhân vật trữ tình thể hiện qua:
+ Tứ thơ
+ Hình ảnh thơ
+ Thanh điệu
+ Tiết tấu

PHÂN TÍCH NHÂN VẬT TỰ SỰ
A. ĐẶC ĐIỂM
1. Nhân vật tự sự.
- Là con người được miêu tả trong tác phẩm tự sự.
- Qua nhân vật -> Nhà văn thể hiện tư tưởng, quan điểm nghệ thuật, lí tưởng thẩm mĩ của mình.
- Nhân vật trong tác phẩm thường được xây dựng đạt được một tính cách, một điển hình.
+ Tính cách là cá tính nhân vật.
Cá tính ấy nhất quán từ đầu đến cuối tác phẩm qua số phận nhân vật (Số phận là cuộc đời riêng có những may rủi, buồn vui, sướng khổ, thất bại, thành công, … riêng của nhân vật, không giống ai khác).
+ Điển hình là hình tượng nghệ thuật mang ý nghĩa khái quát, tiêu biểu cho những nét bản chất nhất của con người và cuộc sống (trong một cá nhân nhưng có ở nhiều người).
B. PHÂN TÍCH NHÂN VẬT.
Phân tích những chi tiết cụ thể có liên quan đến nhân vật -> Khái quát lên tính cách nhân vật -> Tư tưởng của nhà văn, tài năng nghệ thuật của nhà văn.
Những điều cần phân tích (nếu có):
+ Lai lịch 
+ Ngoại hình
+ Đời sống nội tâm
+ Hành động 
+ Ngôn ngữ
Phân tích nhân vật là phải khái quát cho được tính cách nhân vật -> Phân tích các chi tiết biểu hiện để làm rõ -> Khái quát tư tưởng chủ đề của tác phẩm.
Đánh giá nhân vật.
+ Về nhân vật (phẩm chất, ý nghĩa điển hình - ảnh hưởng, tác động đến văn học và đời sống)
+ Về nghệ thuật xây dựng nhân vật.
+ Về chủ đích nghệ thuật của tác giả trong việc xây dựng nhân vật để thể hiện chủ đề, phản ánh con người và cuộc sống, thời đại, …


IV. CẤU TRÚC ĐỀ THI HỌC KÌ:

Đề thi học kì gồm 3 câu:
Câu 1 (3 điêm): Làm bài văn nghị luận xã hội ngắn.
Bàn về long vị tha của con người
Câu 2 (2 điểm): Kiểm tra kiến thức văn học (tập trung vào tác giả và tác phẩm văn học).
	Nội dung trong sáng tác văn chương của Nguyễn Đình Chiểu.
Câu 3 (5 điểm): Làm bài văn nghị luận văn học (thơ hoặc truyện)
	Phân tích hình tượng Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

File đính kèm:

  • docxHƯỚNG DẪN ÔN TẬP NGỮ VĂN 11- HỌC KÌ I (Năm học 2011 – 2012).docx