Hướng dẫn chấm môn học Ngữ văn - Lớp 12

doc3 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1057 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hướng dẫn chấm môn học Ngữ văn - Lớp 12, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO
SÓC TRĂNG
¯¯¯¯¯¯¯
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH
NĂM HỌC 2011 – 2012
¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯
Đề chính thức

Hướng dẫn chấm môn Ngữ văn - lớp 12 
¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯

I. Hướng dẫn chung
Giám khảo chú ý đến yêu cầu của kỳ thi chọn HS giỏi cấp tỉnh: chọn lựa HS có năng khiếu để dự cấp quốc gia nhưng cũng khuyến khích, động viên các em có đam mê, yêu thích văn học mà năng lực chưa vượt trội ở cấp tỉnh. Do vậy, khi chọn lựa những giải cao để xếp đội tuyển phải chú ý đến tư chất và tính xuất sắc nhưng khi chấm để xét giải cấp tỉnh cần chú ý đến tính phong trào.
Vì là đề mở nên khuynh hướng làm bài của thí sinh rất đa dạng. Do đó, giám khảo nên có sự bàn bạc thảo luận đáp án. Tùy vào tình hình thực tế (sau khi chấm một số bài), giám khảo có thể đề xuất điều chỉnh đáp án phù hợp. Sự điều chỉnh này phải được ghi vào biên bản tổ chấm.
Sau khi cộng điểm thành phần, điểm bài thi được làm tròn đến 0,5 điểm.
II. Đáp án và thang điểm
ĐÁP ÁN
ĐIỂM
Câu 1: Có ba điều trong cuộc đời mỗi người nếu đi qua sẽ không lấy lại được: thời gian, lời nói và cơ hội.
Nêu suy nghĩ của em về ý kiến trên.
8,0
1. Yêu cầu về kĩ năng
Đáp ứng yêu cầu của bài văn nghị luận xã hội. Bố cục hợp lí, lập luận chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

2. Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng cần làm rõ các ý chính sau đây:

- Giới thiệu vấn đề nghị luận
1,0
- Giải thích và khẳng định giá trị của thời gian, lời nói và cơ hội:
+ Thời gian là quy luật khách quan, nằm ngoài ý muốn con người. Thời gian trôi đi sẽ không bao giờ trở lại. 
+ Lời nói là sản phẩm, là phương tiện giao tiếp của con người. Lời nói có sự chủ động của con người, nó thể hiện khả năng tư duy cũng như nhân cách của con người và nó sẽ đọng lại ở người tiếp nhận.
+ Cơ hội là những điều may mắn đến với chúng ta trong cuộc sống, có thể là một cơ may, một thuận lợi làm thay đổi số phận. Tuy nhiên, cơ hội thường rất hiếm hoi và một khi đã qua thì không có lại lần hai.
2,0
- Con người phải biết nắm bắt và tận dụng thời gian, lời nói và cơ hội:
+ Cuộc đời con người là hữu hạn, không có nhiều thời gian để bắt đầu lại. Vì vậy, phải biết trân trọng thời gian, trân trọng những điều quý giá nhất của của cuộc sống mà mình đang có. Phấn đấu trong từng phút giây mình đang có để làm những việc có ích cho bản thân và xã hội, đừng để bản thân nuối tiếc khi nhìn lại. 
+ Lời nói có sức mạnh đặc biệt, nếu sử dụng một cách phù hợp với hoàn cảnh, đối tượng cũng như tâm lý của người giao tiếp thì nó mang lại lợi ích cho bản thân và người xung quanh (dẫn chứng).
+ Thời gian đến cùng với nó là cơ hội, nhưng nếu ta không nắm bắt thì nó qua đi không thể lấy lại được. Có những cơ hội do mình tạo ra, cũng có cơ hội bên ngoài mang lại nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng nắm bắt. Vì vậy, phải biết nắm bắt và tận dụng nó (dẫn chứng).
Thời gian, lời nói, cơ hội một khi qua đi không bao giờ trở lại, đó là một quy luật.
4,0
- Liên hệ rút ra bài học cho bản thân
1,0
Lưu ý: Thí sinh có thể nêu lí lẽ và dẫn chứng theo nhiều cách khác nhau miễn sao chính xác, hợp lí. Khuyến khích những bài làm có sáng tạo. Chỉ cho điểm tối đa khi thí sinh đạt được cả yêu cầu về kĩ năng và kiến thức.

Câu 2: Thơ ca lãng mạn giai đoạn 1930-1945 thấm đượm nỗi buồn. Em hãy giải thích nguyên nhân và chứng minh qua các bài thơ Tràng giang (Huy Cận), Đây mùa thu tới (Xuân Diệu), Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử).
12,0

1. Yêu cầu về kĩ năng
Thí sinh phải có kĩ năng làm bài văn nghị luận về một vấn đề văn học. Bố cục hợp lí, lập luận chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

2. Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh lí giải nguyên nhân của nỗi buồn trong thơ ca lãng mạn giai đoạn 1930-1945. Sau đó, phân tích các bài thơ theo yêu cầu của đề để chứng minh thơ ca giai đoạn này thấm đượm nỗi buồn. Bài viết đáp ứng các ý cơ bản sau đây:

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận
2,0
- Nguyên nhân thơ ca lãng mạn giai đoạn 1930 – 1945 thấm đượm nỗi buồn:
+ Thơ ca lãng mạn giai đoạn 1930 – 1945 (Thơ mới) ra đời như một nhu cầu giải phóng tình cảm, phát huy bản ngã, tự do cá nhân; 
+ Do thời đại có biến động, con người cảm thấy lạc lõng, chưa tìm thấy vị trí của mình trong cuộc đời. Đặc biệt là người nghệ sĩ luôn đòi hỏi sự hoàn mĩ, không chấp nhận xã hội ô trọc nhưng lại chưa hòa nhập được với cách mạng nên họ cảm thấy bơ vơ, lạc lõng;
+ Cái tôi trong Thơ mới trốn tránh vào nhiều nẻo khác nhau, nhưng ở đâu cũng thấy buồn, cô đơn, không lối thoát.
3,0
- Nỗi buồn thể hiện qua các bài thơ Tràng giang (Huy Cận), Đây mùa thu tới (Xuân Diệu), Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử):
+ Tràng giang (Huy Cận) là nỗi sầu khắc khoải trước không gian rộng lớn, con người cảm thấy bé nhỏ lạc loài, không định hướng tương lai (phân tích dẫn chứng);
+ Đây mùa thu tới (Xuân Diệu) là nỗi ám ảnh về thời gian, bước đi nhanh chóng của thời gian gợi nỗi buồn, sự lo âu (phân tích dẫn chứng).
+ Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử) thể hiện niềm khát khao hạnh phúc, nỗi lo âu, băn khoăn về tình người, tình đời (phân tích dẫn chứng).
6,0
- Nỗi buồn, cái đau thương trong thơ mới đối với các nhà thơ lãng mạn đó là nét đẹp, đặc trưng của thơ mới.
1,0
Lưu ý: Chỉ cho điểm tối đa khi thí sinh đạt được cả yêu cầu về kĩ năng và kiến thức.


---Hết---

File đính kèm:

  • docNguVan_CT_HDCham.doc