Đề thi Trạng nguyên nhỏ tuổi môn Tiếng việt Lớp 5

doc3 trang | Chia sẻ: thuongnguyen92 | Lượt xem: 315 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi Trạng nguyên nhỏ tuổi môn Tiếng việt Lớp 5, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi 
Trạng nguyên nhỏ tuổi
(Năm học 2005 – 2006)
Tiếng Việt - Lớp 5
Thời gian làm bài: 20 phút (không kể thời gian giao đề)
●Đề bài:
Đọc bài văn sau:
Vầng trăng vàng thẳm đang từ từ nhô lên từ sau luỹ tre xanh thẫm. Hình như cũng từ vầng trăng, làn gió nồm thổi mát rượi làm tuôn chảy những ánh vàng tràn trên sóng lúa trải khắp cánh đồng. Ánh vàng đi đến đâu, nơi ấy bỗng bừng lên tiếng hát ca vui nhộn. Trăng đi đến đâu thì luỹ tre được tắm đẫm màu sữa tới đó. Trăng lẩn trốn trong các tán lá của cây đa cổ thụ đầu thôn. Những mắt lá ánh lên tinh nghịch. Trăng chìm vào đáy nước. Trăng óng ánh trên hàm răng, trăng đậu vào ánh mắt. Trăng ôm ấp mái tóc bạc của các cụ già. Hình như cả thôn em không mấy ai ở trong nhà. Nhà nào nhà nấy quây quần, tụ họp quanh chiếc bàn nhỏ hay chiếc chiếu ở giữa sân. Ai nấy đều ngồi ngắm trăng. Câu chuyện mùa màng nảy nở dưới trăng như những hạt lúa vàng đang phơi mình trong ánh trăng. Đó đây vang vọng tiếng hát của các anh chị thanh niên trong xóm. Tiếng gầu nước va vào nhau kêu loảng xoảng. Tất cả mọi âm thanh đều nhuộm ánh trăng ngời. Nơi đó có một chú bé đang giận mẹ ngồi trong bóng tối. Ánh trăng nhẹ nhàng đậu lên trán mẹ, soi rõ làn da nhăn nheo và cái mệt nhọc của mẹ. Chú bé thấy thế, bước nhẹ nhàng lại với mẹ. Một làn gió mát đã làm cho những sợi tóc của mẹ bay bay.
Khuya. Vầng trăng càng lên cao và thu nhỏ lại. Làng quê em đã yên vào giấc ngủ. Chỉ có vầng trăng thao thức như canh chừng cho làng em.
	Theo Phan Sĩ Châu
Em hãy khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng nhất cho từng câu hỏi dưới đây:
1. Bài văn miêu tả cảnh gì?
a - Cảnh trăng lên ở làng quê.
b - Cảnh sinh hoạt của làng quê.
c - Cảnh làng quê trong đêm.
2. Bài văn được miêu tả theo trình tự nào?
a - Trình tự không gian
b - Trình tự thời gian
c - Cả hai trình tự trên
3. Trăng soi sáng những cảnh vật gì ở làng quê?
a - Cánh đồng lúa, dòng sông, luỹ tre.
b - Cánh đồng lúa, luỹ tre, cây đa.
c - Cây cau, cây đa, đáy nước
4. Dưới ánh trăng, người dân trong xóm quây quần ngoài sân làm gì?
a - Ngồi ngắm trăng, trò chuyện, uống nước
b - Ngồi ngắm trăng, hội họp, ca hát
c - Ngồi ngắm trăng, trò chuyện, ca hát
5. Vì sao chú bé hết giận dỗi và bước nhẹ nhàng lại với mẹ?
a - Vì dưới ánh trăng, chú nhìn thấy vầng chán của mẹ hiện ra rất đẹp.
b - Vì dưới ánh trăng, chú thấy làn da nhăn nheo và sự mệt nhọc mệt nhọc của mẹ.
c - Vì dưới ánh trăng, chú thấy làn gió làm những sợi tóc của mẹ bay bay.
6. Trong câu Vầng trăng vàng thẳm đang từ từ nhô lên từ sau luỹ tre xanh thẫm, những từ nào là từ ghép có nghĩa phân loại?
a - vầng trăng, vàng thẳm
b – vàng thẳm, xanh thẫm
c - vầng trăng, xanh thẫm
7. Dòng nào dưới đây có 5 từ láy?
a - từ từ, óng ánh, quây quần, loảng xoảng, nhẹ nhàng
b - từ từ, quây quần, nảy nở, loảng xoảng, nhẹ nhàng
c - từ từ, quây quần, vang vọng, loảng xoảng, nhẹ nhàng 
8. Vị ngữ trong câu Tiếng gầu nước va vào nhau kêu loảng xoảng là những từ ngữ nào?
a – loảng xoảng
b – kêu loảng xoảng
c – va vào nhau kêu loảng xoảng
9. Tác giả đã sử dụng hai biện pháp nghệ thuật gì nổi bật để tả trăng?
a – So sánh, điệp từ
b – So sánh, nhân hoá
c – Nhân hoá, điệp từ 

File đính kèm:

  • docDe thi trang nguyen nho tuoi.doc