Đề thì khảo sát chất lượng học sinh giỏi lớp 9 (lần 2) môn thi: ngữ văn

doc5 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1348 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thì khảo sát chất lượng học sinh giỏi lớp 9 (lần 2) môn thi: ngữ văn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHÒNG GD&ĐT YÊN LẠC
TRƯỜNG THCS TỀ LỖ
------- & -------
ĐỀ THÌ KSCL HSG LỚP 9 (LẦN 2)
Môn thi: NGỮ VĂN
 Thời gian làm bài: 150 phút( không kể thời gian giao đề)
Ngày khảo sát: 07/11/2013
----------- ? -----------
Câu 1 (4đ)
Kết thúc truyện “Chuyện người con gái Nam Xương" Nguyễn Dữ viết: 
“...Vũ Nương ngồi trên một chiếc kiệu hoa đứng giữa dòng, theo sau đến năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng, rực rỡ đầy sông, lúc ẩn, lúc hiện.
Chàng vội gọi, nàng vẫn ở giữa dòng mà nói vọng vào: 
- Thiếp cảm ơn đức của Linh Phi, đã thề sống chết cũng không bỏ. Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa.
Rồi trong chốc lát, bóng nàng loang loáng mờ dần rồi biến mất.”
Nêu cảm nhận của em về cách kết thúc câu chuyện trên?
Câu 2 (4đ)
Câu chuyện về Chim Én và Dế Mèn
Mùa xuân đất trời rất đẹp. Dế Mèn thơ thẩn ở cửa hang, hai con Chim Én thấy tội nghiệp bèn rủ Dế Mèn dạo chơi trên trời. Mèn hốt hoảng. Nhưng sáng kiến của Chim Én đưa ra rất giản dị: Hai chú Chim Én ngậm hai đầu của một cọng cỏ khô. Mèn ngậm vào giữa. Thế là cả ba cùng bay lên. Mây nồng nàn trời đất gợi cảm, cỏ hoa vui tươi, Dế Mèn say sưa. Sau một hồi miên man, Mèn ta chợt nghĩ bụng ơ hay việc gì ta phải gánh hai con Én này trên vai cho mệt nhỉ. Sao ta không quẳng gánh nợ này đi để dạo chơi một mình có sướng hơn không? Nghĩ là làm, Mèn há mồm ra. Nó rơi vèo xuống đất như một chiếc lá lìa cành.
(Theo Đoàn Công Huy trong mục “Trò chuyện đầu tuần” của báo Hoa học trò)
Bài học về cuộc sống mà em nhận được từ câu chuyện trên?
Câu 3(12đ)
“Ánh trăng, giản đơn, nhẹ nhàng về câu chữ, tự nhiên, thuần thục về kết cấu; bình dị, dễ hiểu về ý thơ mà vẫn đọng lại trong người đọc bao suy ngẫm xót xa.”
(Lương Kim Phương – Thơ, bốn phương cùng bình, NXB Thanh niên, Hà Nội 1999)
Nội dung bài thơ "Ánh trăng" của Nguyễn Duy có đúng lời bình trên không? Hãy phân tích bài thơ để làm sáng rõ lời nhận xét trên.






………….Hết ………….
Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm!




PHÒNG GD&ĐT YÊN LẠC
TRƯỜNG THCS TỀ LỖ
------- & -------
HƯỚNG DẪN CHẤM
ĐỀ THÌ KSCL HSG LỚP 9 (LẦN 2)
Môn thi: NGỮ VĂN
 Ngày khảo sát: 07/11/2013
----------- ? -----------
Câu 1
Bài làm của học sinh cần đáp ứng những yêu cầu cơ bản sau:
A. Về nội dung :
- Hình ảnh Vũ Nương trở về trong một không gian rực rỡ và tràn đầy ánh sáng như một sự đền bù xứng đáng cho người phụ nữ có phẩm chất tốt đẹp nhưng cuộc đời bất hạnh. Nỗi oan của Vũ Nương đã được giải. Đây là một kết thúc có hậu ta vẫn thường gặp trong truyện dân gian: Ở hiền gặp lành.
- Cách kết thúc ấy đã làm hoàn thiện thêm vẻ đẹp ở nhân vật Vũ Nương:
+ Đối với chồng con: nàng là người phụ nữ độ lượng, vị tha, ân tình, nhân hậu.
+ Đối với Linh Phi: nàng là người trọng tình, trọng nghĩa giữ trọn lời hứa.
- Câu truyện kết thúc có hậu song vẫn tiềm tàng tính bi kịch, Vũ Nương mãi mãi không thể trở về trần gian, cuộc sống giàu sang mà nàng có nơi làn mây cung nước chỉ là ảo ảnh, hạnh phúc thực sự sẽ không bao giờ đến với Vũ Nương. Chọn cách kết thúc ấy làm giá trị tố cáo của truyện càng trở nên sâu sắc. Chế độ nam quyền độc đoán đã không cho người phụ nữ quyền hưởng hạnh phúc. Phải chăng với những người phụ nữ phong kiến hạnh phúc đối với họ là quá mong manh, hư không.
- Hình ảnh Vũ Nương trở về trên kiệu hoa rực rỡ là hình ảnh đặc sắc nhất thể hiện đặc trưng của thể loại truyền kì làm truyện thêm sâu sắc, hấp dẫn.
- Hình ảnh cuối truyện Vũ Nương hiện lên mờ ảo lúc ẩn lúc hiện nói với chồng vài lời rồi biến mất. Nàng không thể trở lại nhân gian được nữa dù rất thương nhớ chồng con, dù Trương Sinh rất hối hận đau lòng đã nói lên một bài học: Phải có niềm tin với những người thân yêu, bởi nếu thiếu nó thì sẽ rất khó đắp xây hạnh phúc gia đình, phải biết trân trọng nâng niu những gì mình đang có.
B. Về hình thức:
Học sinh có thể trình bày và lập luận khác nhau song bài viết phải có kết cấu chặt chẽ, có khả năng cảm thụ tốt, phân tích thoả đáng làm sáng rõ nội dung yêu cầu của đề bài. Văn viết mạch lạc có cảm xúc.
Biểu điểm:
3,5 - 4 điểm: Cảm nhận đúng, có ý sâu sắc, tinh tế, diễn đạt tốt.
2,5 - 3 điểm: Cảm nhận đúng, khá đầy đủ, sâu sắc, tinh tế, diễn đạt khá.
1,5 - 2 điểm: Cảm nhận được nhưng nhìn chung chưa sâu, mắc ít lỗi diễn đạt.
0,5 - 1 điểm: Cảm nhận còn hời hợt, mắc nhiều lỗi diễn đạt.
0 điểm: Làm lạc đề, bỏ giấy trắng.

Câu 2
Bài làm cần đáp ứng những yêu cầu sau :
A. Về nội dung
1. Xác định được ý nghĩa của câu chuyện:
- Chim Én đã tốt bụng tặng Dế Mèn món quà thật tuyệt vời là một chuyến thưởng ngoạn khung cảnh mùa xuân tươi đẹp, ấm áp. Tiếc thay Dế Mèn không biết trân trọng món quà ấy. Từ người chịu ơn, Dế Mèn đã ảo tưởng mình là người ban ơn. Từ việc mình là gánh nặng của người khác, Dế Mèn đã tưởng người khác chính là gánh nặng của mình. Lòng ích kỉ, tính toán và sự ngộ nhận, ảo tưởng đã khiến Dế Mèn phải trả giá đắt: “nó rơi vèo xuống đất như một chiếc lá lìa cành”
- Câu chuyện có hình thức như một chuyện ngụ ngôn phản ánh một thực tế của con người hiện nay: đời sống hiện đại giúp con người có thể làm được nhiều việc hơn nhưng cũng khiến họ ảo tưởng về mình nhiều hơn và suy nghĩ, lối sống cũng thực dụng hơn. Câu chuyện cảnh tỉnh mọi người nói chung đặc biệt là thế hệ trẻ nói riêng đừng quá ảo tưởng về bản thân mình và không nên sống quá ích kỉ, toan tính. Xác định chính mình là ai và giúp đỡ người khác một cách không vụ lợi, bạn sẽ nhận được nhiều hơn những thứ bạn đã cho đi.
2. Rút ra bài học cuộc sống:
- Câu chuyện ngắn gọn nhưng ý nghĩa rất sâu sắc. Mỗi người đều có thể học được những bài học nhân sinh từ câu chuyện:
- Đó có thể là câu chuyện về giá trị cuộc sống: Biết trân trọng những gì mình đang có thì sẽ cảm nhận được giá trị đích thực cuộc sống. Nếu không biết trân trọng những gì mình đang có sẽ rất khó có được hạnh phúc thậm chí còn gặp bất hạnh. Hạnh phúc là tuỳ thuộc vào cách ứng xử và thái độ sống của mỗi người.
- Đó có thể là câu chuyện về niềm tin: Lòng tốt là đáng quý nhưng niềm tin còn đáng quý hơn, chúng ta cần tin tưởng nhau để cuộc sống thoải mái và nhẹ nhàng hơn.
- Đó có thể là bài học về cách nhìn, cách cảm nhận: Với cách nhìn thiển cận, hời hợt ta sẽ không phát hiện đúng bản chất của cuộc sống, dẫn đến những quyết định sai lầm.
- Đó có thể là bài học về cho và nhận: Cho và nhận đều luôn chuyển hoá: tưởng rằng cho đi nhưng lại được nhận lại và ngược lại
- Đó có thể là bài học về sự hợp tác và chia sẻ: Nếu biết hợp tác chia sẻ thì mọi người đều có lợi.
B. Về hình thức:
Học sinh biết cách làm kiểu bài nghị luận. Bài viết có bố cục chặt chẽ. Biết vận dụng nhuần nhuyễn các thao tác lập luận: giải thích, chứng minh, bình luận.
Biểu điểm :
- Điểm 3,5- 4:
Hiểu rõ yêu cầu của đề bài, đảm bảo các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, có lập luận chặt chẽ, có sự kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận, bài viết có cảm xúc, diễn đạt lưu loát.
- Điểm 2,5-3:
Hiểu rõ yêu cầu của đề bài, đáp ứng hầu hết các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, có lập luận tương đối chặt chẽ, có sự vận dụng thành công thao tác lập luận, diễn đạt tương đối tốt.
- Điểm 1,5-2:
Hiểu yêu cầu của đề bài, đáp ứng được cơ bản các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, lập luận chưa thật chặt chẽ, có thể còn một số lỗi nhỏ về diễn đạt.
- Điểm 0,5- 1:
Chưa nắm vững yêu cầu của đề bài, chưa đáp ứng được 1/2 yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, mắc lỗi chính tả và diễn đạt.
- Điểm 0: Để giấy trắng.
Lưu ý: Vì tính đa nghĩa của câu chuyện nên phương án nào hợp lí, thuyết phục đều có thể chấp nhận được.

Câu 3.
Yêu cầu chung
A.Về hình thức:
- Viết đúng kiểu bài nghị luận về tác phẩm thơ, vận dụng nhuần nhuyễn các phép lập luận, kết hợp tốt các phương pháp biểu đạt.
- Bố cục rõ ràng chặt chẽ, văn viết mạch lạc, từ ngữ trong sáng, giàu cảm xúc.
- Không mắc lỗi về câu, từ, lỗi chính tả thông thường.
B. Về nội dung:
Bài làm có thể có cách trình bày khác nhau nhưng trên cơ sở phân tích được bài thơ "Ánh trăng" để làm rõ cho lời bình. Nhìn chung cần có các ý cơ bản sau:
* Giải thích được lời nhận xét:
- Bài thơ được viết theo thể 5 chữ khá quen thuộc, câu thơ đơn giản tự nhiên, từ ngữ giản dị, hình ảnh gần gũi, quen thuộc, bình dị.
- Bài thơ có thể chia thành hai phần theo dòng chảy của thời gian trong cuộc đời con người từ quá khứ đến hiện tại.
- Từ đó bài thơ đọng lại trong người đọc bao suy ngẫm xót xa về cách sống, về thái độ ứng xử với quá khứ, với kỉ niệm.
* Phân tích bài thơ để chứng minh cho lời nhận xét:
- Trong quá khứ, trăng là vẻ đẹp của quê hương đất nước dung dị, hiền hoà. Trăng và người đã gắn bó tri âm.
- Trở về thời bình, trước cái hào nhoáng của cuộc sống hiện đại, con người đã lãng quên quá khứ, người bạn tri âm, tri kỉ ngày xưa nay trở thành “người dưng”
- Trăng vẫn vẹn nguyên, bao dung độ lượng, khiến con người phải “giật mình” để tự vấn lương tâm, để ân hận, day dứt về thái độ vô tâm của mình.
- Trăng đưa con người trở về với quá khứ, trở về với những vẻ đẹp bình dị mà bền vững của cuộc sống.
- Bài thơ thức tỉnh mỗi con người hãy trân trọng và thuỷ chung với quá khứ, với những giá trị tốt đẹp.
- Bài thơ nằm trong mạch chảy truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc nên có tính giáo dục tự nhiên mà sâu sắc.
Biểu điểm:
11- 12 điểm: Hoàn thành tốt các yêu cầu trên.
9 - 10 điểm: Hoàn thành tương đối tốt các yêu cầu của đề, có hiểu biết về thể loại, khá sắc sảo và chủ động trong việc nêu vấn đề và lựa chọn lập luận.
7 - 8 điểm: Định hướng đúng, nắm được nội dung tác phẩm, có hiểu biết cơ bản về thể loại song có thể chưa thuần thục về kĩ năng.
5 - 6 điểm : Định hướng đúng, nắm được nội dung tác phẩm nhưng chưa thật chắc chắn, chuyển hoá kiến thức và lập luận theo yêu cầu của đề còn lúng túng
3 - 4 điểm: Nắm chưa chắc tác phẩm, còn lúng túng trong lập luận, kĩ năng làm bài chưa tốt, chủ yếu diễn xuôi.
1- 2 điểm: Chủ yếu là diễn xuôi, làm được ít bài.
Lưu ý: Điểm tổng của toàn bài là tổng điểm của từng câu không làm tròn.

Hết

File đính kèm:

  • docDE DAP AN HSG VAN 9.doc
Đề thi liên quan