Đề thi học sinh giỏi lớp 9 cấp huyện năm học 2010-2011 môn ngữ văn

doc7 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 2605 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi học sinh giỏi lớp 9 cấp huyện năm học 2010-2011 môn ngữ văn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
 PHÒNG GD&ĐT	 ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 9 CẤP HUYỆN 
 HẢI LĂNG NĂM HỌC 2010-2011
ĐỀ CHÍNH THỨC
VÒNG 1
 MÔN NGỮ VĂN 
 Thời gian làm bài: 120 phút





Câu 1 (3,0 điểm): 
Trong bài thơ Theo chân Bác, lúc đầu nhà thơ Tố Hữu viết:
	“Ba gian nhà trống không hương khói
	Một chiếc giường tre chiếu chẳng lành”.
Nhưng sau đó nhà thơ chữa lại:
	“Ba gian nhà trống nồm đưa võng
	 	 Một chiếc giường tre chiếu mỏng manh”.
Trình bày cảm nhận của em về sự thay đổi đó?

Câu 2 (2,0 điểm): 
Phân tích giá trị biểu cảm của biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong hai câu thơ sau:
	Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
	 	Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ…
	(Trích Quê hương - Tế Hanh)

Câu 3 (5,0 điểm): 
Đóng vai cô họa sĩ trẻ Giôn-xi (người bị mắc bệnh viêm phổi), em hãy kể lại chuyện Chiếc lá cuối cùng của O.Hen-ri.












PHÒNG GD&ĐT 	 HƯỚNG DẪN CHẤM
 HẢI LĂNG ĐỀ THI HSG LỚP 9 CẤP HUYỆN NH 2010-2011 
 	 MÔN NGỮ VĂN (VÒNG 1) 

Câu 1 (3,0 điểm): 
Trong bài thơ Theo chân Bác, lúc đầu nhà thơ Tố Hữu viết:
	“Ba gian nhà trống không hương khói
	Một chiếc giường tre chiếu chẳng lành”.
Nhưng sau đó nhà thơ chữa lại:
	“Ba gian nhà trống nồm đưa võng
	 	 Một chiếc giường tre chiếu mỏng manh”.
Trình bày cảm nhận của em về sự thay đổi đó?

Nội dung: Phải bảo đảm các ý sau:
- Cả hai đoạn thơ đều nói lên cảnh vắng lặng của ngôi nhà ở quê Bác.	(0,5đ)
- Việc sử dụng từ ngữ ở lần thứ nhất: “không hương khói” gợi cảm giác hoang vắng, trống trải; “chiếu chẳng lành” gợi cảm giác về một sự thiếu thốn, rách nát, tồi tàn.	(1,0đ)
- Ở lần thứ hai, tác giả đã thay “không hương khói” bằng “nồm đưa võng”, “chiếu chẳng lành” bằng “chiếu mỏng manh”. Việc thay đổi từ ngữ diễn đạt đã thay đổi giá trị biểu cảm của câu thơ. Dù vẫn nói về sự trống vắng, thiếu thốn nhưng hai câu thơ sau gợi trong lòng người đọc cảm giác về một cuộc sống giản dị mà thanh cao, nghèo nhưng thi vị, một cuộc sống chan hòa với thiên nhiên của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. 	(1,5đ).
……………………………………………..
Câu 2 (2,0 điểm): 
Phân tích giá trị biểu cảm của biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong hai câu thơ sau: 	Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
	 	Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ…
	(Trích Quê hương - Tế Hanh)

- Biện pháp nghệ thuật được sử dụng: nhân hóa 	(0,5đ)
- Bằng biện pháp nhân hóa, tác giả không chỉ diễn tả hình ảnh con thuyền nằm im trên bến mà còn cảm thấy nó như đang lắng nghe, đang cảm nhận chất mặn mòi của biển cả. Hình ảnh con thuyền vô tri đã trở nên có hồn. Và cũng như người dân chài, con thuyền lao động ấy cũng thấm đậm vị muối mặn của biển khơi, đó là sự vất vả nhưng tràn đầy hạnh phúc.	(1,0đ)
- Câu thơ thể hiện sự tinh tế, tài hoa và một tấm lòng gắn bó sâu nặng với con người, cuộc sống lao động quê hương. 	(0,5đ)
……………………………………………..

Câu 3 (5,0 điểm): 
Đóng vai cô họa sĩ trẻ Giôn-xi (người bị mắc bệnh viêm phổi), em hãy kể lại chuyện Chiếc lá cuối cùng của O.Hen-ri.

Hình thức:	(1.0đ)
- Bài viết sử dụng các yếu tố miêu tả và biểu cảm.
- Văn phong trong sáng, giàu cảm xúc. 
- Kể chuyện sáng tạo, không nhất thiết phải theo bố cục ba phần.
Nội dung:	(4.0đ)
Học sinh kể chuyện sáng tạo nhưng phải bảo đảm nội dung, ý nghĩa của câu chuyện. Cụ thể là:
- Hoàn cảnh bản thân.	(0.5đ)
- Những suy nghĩ và nỗi tuyệt vọng khi bị bệnh.	(0.5đ)
- Cảm xúc khi nhìn thấy chiếc lá thường xuân vẫn bám trụ sau mưa bão.(1.0đ)
- Những trăn trở khi biết chiếc lá là kiệt tác của cụ Bơ-men.	(1.0đ)
- Nhấn mạnh tầm quan trọng của nghị lực, của tình yêu cuộc sống.	(1.0đ)
Ngoài ra, tuỳ theo mức độ bài làm của học sinh, giám khảo chấm điểm linh hoạt, hợp lý.
……………………………………………..
 
 PHÒNG GD&ĐT	 ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 9 CẤP HUYỆN 
 HẢI LĂNG NĂM HỌC 2010-2011
ĐỀ CHÍNH THỨC
VÒNG 2
 MÔN NGỮ VĂN 
 Thời gian làm bài: 120 phút





Câu 1 (3,0 điểm): 
Đọc phần trích sau đây và cho biết ý kiến của em:
	"Xin hãy giúp cháu nhìn thấy thế giới kỳ diệu của sách... nhưng cũng cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống; đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong ánh nắng và những bông hoa nở ngát bên đồi xanh.
	Ở trường thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi trượt còn vinh dự hơn gian lận trong khi thi. Xin giúp cháu có niềm tin vào ý kiến của bản thân, dù tất cả mọi người xung quanh đều cho rằng ý kiến đó hoàn toàn sai lầm..."
 (Trích thư "Xin thầy dạy cho con tôi" của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln 
 gửi thầy Hiệu trưởng ngôi trường nơi con trai ông theo học).

Câu 2 (2,0 điểm): 
Từ bốn câu thơ mở đầu đoạn trích “Cảnh ngày xuân” (Truyện Kiều), hãy viết đoạn văn (không quá 10 dòng) nêu cảm nhận của em về vẻ đẹp mùa xuân.

Câu 3 (5,0 điểm): 
Dựa vào cốt truyện cổ tích Vợ chàng Trương nhưng "Chuyện người con gái Nam Xương" đã khẳng định được những sáng tạo tài hoa của Nguyễn Dữ. 
Hãy làm sáng tỏ những sáng tạo của tác giả được thể hiện trong tác phẩm đó.





PHÒNG GD&ĐT 	 HƯỚNG DẪN CHẤM
 HẢI LĂNG ĐỀ THI HSG LỚP 9 CẤP HUYỆN NH 2010-2011 
 	 MÔN NGỮ VĂN (VÒNG 2) 


Câu 1 (3,0 điểm): 
Đọc phần trích sau đây và cho biết ý kiến của em:
	"Xin hãy giúp cháu nhìn thấy thế giới kỳ diệu của sách... nhưng cũng cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống; đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong ánh nắng và những bông hoa nở ngát bên đồi xanh.
	Ở trường thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi trượt còn vinh dự hơn gian lận trong khi thi. Xin giúp cháu có niềm tin vào ý kiến của bản thân, dù tất cả mọi người xung quanh đều cho rằng ý kiến đó hoàn toàn sai lầm..."
 (Trích thư "Xin thầy dạy cho con tôi" của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln 
 gửi thầy Hiệu trưởng ngôi trường nơi con trai ông theo học).

1. Lưu ý: Bức thư "Xin thầy dạy cho con tôi" của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln là một văn bản có giá trị. Bức thư đã thể hiện tình cảm yêu thương và niềm tin của một người bố đối với đứa con trai yêu quý, đồng thời cũng thể hiện được niềm mong ước cao cả của người công dân đối với nền giáo dục của đất nước.
Ở mức độ hiểu biết của HS mới bước vào lớp 9, người ra đề chỉ chọn trích 2 đoạn ngắn trên, tương đối phù hợp với suy nghĩ và công việc học tập hiện tại của các em, đây cũng là dịp để các em liên hệ với thực tế cuộc sống.
2. Yêu cầu: Cần nêu được những nội dung chủ yếu sau:
- Trong quá trình dạy học, người thầy giáo đã cung cấp cho học sinh những kiến thức quý báu của tất cả các môn học, người học sinh đã được tiếp cận thế giới kỳ diệu của sách, đã được mở rộng tầm nhận thức.
- Kiến thức sách vở là quan trọng. Tuy nhiên, sự nhận thức và hiểu biết của con người không chỉ hoàn toàn do sách vở quyết định.
- Học tập cần gắn lý thuyết với thực hành, với thực tế cuộc sống và xã hội, có như vậy, tầm nhận thức mới phong phú, con người mới phát triển toàn diện.
- Trong quá trình học tập, người học không được học tủ, học "vẹt", cần có sự nghiền ngẫm, tư duy, cần có bản lĩnh và sự tự tin vào ý kiến của bản thân.
- Người học phải trung thực, dũng cảm: biết chấp nhận thi trượt còn vinh dự hơn gian lận trong khi thi.
- Khẳng định vai trò của nhà trường, của giáo dục là rất quan trọng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, xã hội.
- Học sinh có thể liên hệ thực tế.
……………………………………………….
Câu 2 (2,0 điểm): 
Từ bốn câu thơ mở đầu đoạn trích “Cảnh ngày xuân” (Truyện Kiều), hãy viết đoạn văn (không quá 10 dòng) nêu cảm nhận của em về vẻ đẹp mùa xuân.

 	Về kiến thức:	(1,5đ)
- HS cảm nhận được đoạn thơ, hiểu được nét đặc sắc về nội dung, nghệ thuật.
Có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau.
- Viết đúng bốn câu thơ mở đầu đoạn trích “Cảnh ngày xuân”.
- Hai câu đầu vừa có yếu tố không gian, thời gian: ngày xuân trôi nhanh, tiết trời chuyển sang tháng ba.
- Hai câu sau cảnh vật tươi đẹp; nghệ thuật chấm phá đặc tả, màu sắc có sự hài hòa tuyệt diệu. Tất cả đều gợi lên vẻ đẹp riêng của mùa xuân: mới mẻ, tinh khôi, giàu sức sống, khoáng đạt, trong trẻo, nhẹ nhàng thanh khiết.
Đặc biệt chữ "điểm" làm cho cảnh vật trở nên sinh động có hồn.
Về kĩ năng:	(0,5đ)
- Viết đoạn văn nghị luận cảm nhận về đoạn thơ không quá 10 dòng. Có kết cấu rõ ràng (mở đoạn, phát triển, kết thúc đoạn).
- Trình bày rõ ràng mạch lạc lập luận chặt chẽ, sắc sảo.
- Không mắc lỗi chính tả và hạn chế lỗi diễn đạt.
Tùy mức độ bài làm của học sinh, GK chấm điểm hợp lý.
……………………………………………….

Câu 3 (5,0 điểm): 
Dựa vào cốt truyện cổ tích Vợ chàng Trương nhưng "Chuyện người con gái Nam Xương" đã khẳng định được những sáng tạo tài hoa của Nguyễn Dữ. 
Hãy làm sáng tỏ những sáng tạo của tác giả được thể hiện trong tác phẩm đó.
HS cần làm sáng tỏ những sáng tạo của Nguyễn Dữ trong truyện, cụ thể:
a. Về cách dẫn dắt tình tiết câu chuyện: Trên cơ sở cốt truyện có sẵn, tác giả đã sắp xếp lại một số tình tiết, thêm bớt hoặc tô đậm những tình tiết có ý nghĩa, có tính chất quyết định đến quá trình diễn biến của truyện cho hợp lí, tăng cường tính bi kịch đồng thời làm cho truyện hấp dẫn hơn.
+ Thêm vào chi tiết Trương Sinh đem trăm lạng vàng cưới Vũ Nương làm vợ => cuộc hôn nhân có tính chất mua bán nhằm làm nổi bật thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
+ Lời trăn trối của mẹ chồng => khẳng định một cách khách quan nhân cách và công lao của Vũ Nương đối với gia đình chồng.
+ Những lời phân trần, giãi bày của Vũ Nương khi bị nghi oan, hành động bình tĩnh (tắm gội sạch), lời khấn nguyện… => nhân vật có chiều sâu nội tâm.
+ Chi tiết cái bóng được đưa ra bất ngờ sau khi Vũ Nương tự tử => làm tăng kịch tính của câu chuyện, làm chuyện thêm hấp dẫn.
b. So với truyện cổ tích, truyện của Nguyễn Dữ có nhiều lời thoại, lời tự bạch của nhân vật góp phần không nhỏ vào việc khắc họa tính cách nhân vật (Lời nói bà mẹ => là một người nhân hậu, từng trải; lời nói Vũ Nương bao giờ cũng chân thành, dịu dàng, mềm mỏng, có tình, có lí ngay cả trong lúc nóng giận nhất. Nàng là một người phụ nữ hiền thục, nết na, trong trắng...)
c. Đặc biệt là việc sử dụng các yếu tố kì ảo trong phần truyện sau khi Vũ Nương tự tử: (Phan Lang nằm mơ... được đãi yến tiệc và gặp Vũ Nương, câu chuyện Vũ Nương được tiên rẽ nước đón về thủy cung, hình ảnh Vũ Nương hiện ra sau khi Trương Sinh lập đàn giải oan...).
- Các yếu tố kì ảo có ý nghĩa hoàn chỉnh thêm về nét đẹp của Vũ Nương: dù ở thế giới khác nàng vẫn nặng tình với cuộc đời, vẫn quan tâm đến chồng con, đến phần mộ tổ tiên, thương nhớ quê nhà.
- Dù không còn là người của trần gian nữa nhưng nàng vẫn còn đó nỗi đau oan khuất, vẫn còn khao khát được phục hồi danh dự (nhờ nói hộ chàng Trương… lập đàn giải oan).
- Các yếu tố kì ảo đó tạo nên kết thúc có hậu cho tác phẩm, thể hiện ước mơ ngàn đời của nhân dân về sự công bằng: dù trải qua bao oan khuất nhưng người tốt bao giờ cũng được đền đáp xứng đáng.
d. So với truyện dân gian, kết thúc truyện của Nguyễn Dữ cũng làm tăng thêm sự trừng phạt đối với Trương Sinh. Vũ Nương không trở về, Trương Sinh càng cắn rứt ân hận vì lỗi lầm của mình.
	Những sáng tạo đó của Nguyễn Dữ đã làm tăng thêm giá trị nhân đạo của truyện.
Biểu điểm:
+ 4,5 - 5,0đ: Bài làm thể hiện sự cảm nhận sâu sắc về nội dung và nghệ thuật của truyện. Bảo đảm các yêu cầu a, b, c, d. Diễn đạt mạch lạc, giàu cảm xúc.
 	+ 3,0 - 4,25đ: Bài làm thiếu một trong các ý trên. Diễn đạt mạch lạc, trôi chảy.
 	+ 2,0 - 2,75: Bài làm thiếu hai trong các ý trên. Diễn đạt mạch lạc, trôi chảy.
 	+ 1,0 - 1,75: Các trường hợp còn lại.
……………………………………………….

File đính kèm:

  • docDe thi HSG Van 9 huyen 2010-2011.doc