Đề Thi Chọn Học Sinh Giỏi Tỉnh Đắk Lắk Lịch Sử 12

doc5 trang | Chia sẻ: hongdao | Lượt xem: 1540 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề Thi Chọn Học Sinh Giỏi Tỉnh Đắk Lắk Lịch Sử 12, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH
 ĐẮK LẮK 	 NĂM HỌC 2010 -2011
 MÔN: LỊCH SỬ 12 – THPT
 Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian phát đề)
ĐỀ CHÍNH THỨC Ngày thi: 12/11/2010
 Đề thi có 01 trang
Câu 1: (3,0 điểm)
Tóm tắt diễn biến của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga và sự hình thành Nhà nước Xô viết (từ tháng 2 -1917 đến cuối năm 1920). Ý nghĩa lịch sử của cuộc cách mạng đó?
Câu 2: (4,0 điểm)
Có người đã nói rằng “Thăng Long phi chiến địa”, qua lịch sử 1000 năm Thăng Long – Hà Nội theo em đúng hay sai? Vì sao?
Câu 3: (3,0 điểm)
Truyền thống yêu nước của Việt Nam được hình thành trên cơ sở nào? Nét đặc trưng nổi bật nhất của truyền thống yêu nước Việt Nam thời phong kiến? 
Câu 4: (4,0 điểm)
 “ Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc. Trong thời dựng nước và phát triển đất nước dưới chế độ phong kiến, mặc dù mỗi dân tộc thường sống trên những vùng đất khác nhau, nhưng sớm có ý thức đoàn kết cùng nhau xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, đóng góp sức mình vào sự nghiệp chung của Tổ quốc”. (sách giáo khoa Lịch sử lớp 10 – Nâng cao, trang 219)
	Em hãy trình bày những đóng góp của các dân tộc ít người về kinh tế - văn hóa và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Câu 5: (3,0 điểm)
 Tại sao phong trào yêu nước đầu thế kỉ XX ở nước ta đi theo khuynh hướng dân chủ tư sản? Nội dung cơ bản của khuynh hướng đó? Do tầng lớp nào khởi xướng? Vì sao? 
	Câu 6: (3,0 điểm)
 Bản chất của toàn cầu hóa? Tại sao toàn cầu hóa vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với các nước đang phát triển? 
.Hết
Thí sinh không được sử dụng tài liệu.
Giám thị không giải thích gì thêm.
Họ tên thí sinh.....Số báo danh.
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH 
ĐẮK LẮK LỚP 12 THPT NĂM HỌC 2010 -2011
HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN LỊCH SỬ
Câu 1. Tóm tắt diễn biến của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga. (3,0 điểm) 
Tóm tắt diễn biến của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga (1,0 điểm)
Giai đoạn 1 (từ tháng 2 đến tháng 8 -1917): (0,5 điểm)
Sự tồn tại song song hai chính quyền, chính quyền lâm thời tư sản và các Xô viết đại biểu công nông binh.
Lênin về nước. Luận cương tháng 4 năm 1917.
Sự đàn áp của chính phủ lâm thời tư sản và kết thúc giai đoạn 2 chính quyền song song (4-7-1917)
Giai đoạn 2 (từ tháng 7 đến tháng 11 năm 1917): (0,5 điểm)
Đảng Bônsêvích chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang.
Đầu tháng 10-1917, Lênin từ Phần Lan về nước, trực tiếp chỉ đạo khởi nghĩa.
Cuộc khởi nghĩa và tấn công Cung điện Mùa đông ở Pêtơrôgrát thành công vào ngày 7 – 11-1917, được coi là ngày thắng lợi của Cách mạng tháng Mười.
Sự hình thành Nhà nước Xô Viết: (1,0 điểm)
Đêm 7-11-1917, Đại hội Xô Viết toàn Nga lần thứ 11 tuyên bố chính quyền về tay nhân dân, thông qua sắc lệnh hòa bình và sắc lệnh ruộng đất.
Đầu năm 1918, thành lập Hồng quân, Hiến pháp Cộng hòa XHCN Liên bang Nga được công bố, thủ đô chuyển về Mátxcơva.
Từ tháng 3-1918 đến cuối năm 1920, nước Nga Xô Viết đánh bại cuộc tấn công can thiệp của 14 nước đế quốc và bọn phản động trong nước, giữ vững nền độc lập của chế độ Xô Viết non trẻ.
Ý nghĩa: (1,0 điểm)
- Cách mạng tháng Mười đập tan ách áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản và chế độ phong kiến ở Nga. Lần đầu tiên trong lịch sử, trên đất nước rộng lớn chiếm 1/6 diện tích thế giới, cách mạng đã đưa công nhân, nông dân lên nắm chính quyền, xây dựng chế độ mới xã hội chủ nghĩa. (0,25 điểm)
- Cách mạng tháng Mười đánh đổ CNTB ở một khâu quan trọng và đế quốc Nga, làm cho CNTB không còn là hệ thống duy nhất trên thế giới. (0,25 điểm)
- Cách mạng tháng Mười làm cho phong trào giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông và phong trào công nhân ở các nước tư bản phương Tây gắn bó mật thiết với nhau. (0,25 điểm)
- Cách mạng tháng Mười có ý nghĩa quốc tế trọng đại đối với sự phát triển của tình hình thế giới, đem lại nhiều bài học kinh nghiệm đối với phong trào công nhân và ảnh hưởng lớn lao đối với phong trào giải phóng dân tộc thế giới. (0,25 điểm)
Câu 2. (4,0 điểm)
Có người đã nói rằng “Thăng Long phi chiến địa”, qua lịch sử 1000 năm Thăng Long – Hà Nội theo em đúng hay sai? Vì sao?
Đây là câu nói không đúng với lịch sử của Thăng Long – Hà Nội:
Năm 1010, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Đại La đặt tên gọi là Thăng Long. Từ đó đến nay trải qua 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh để bảo vệ nền độc lập dân tộc đó là: (0,5 điểm)
+ Thời kì nhà Trần với kế sách “thanh dã”, Thăng Long hai lần quân Nguyên – Mông vào nhưng chỉ “vườn không nhà trống”(1258, 1285). (0,5 điểm)
+ Cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi giành lại độc lập cho dân tộc một lần nữa Thăng Long “Đông Quan” trở thành chiến địa chống giặc ngoại xâm. (0,5 điểm)
+ Tết Kỉ Dậu 1789, Thăng Long chứng kiến trận đánh thần tốc, táo bạo, bất ngờ của vua Quang Trung quét sạch quân Thanh khỏi bờ cõi. (0,5 điểm)
+ Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, Hà Nội hai lần thất thủ trước họng súng của kẻ thù (1873, 1882)
+ Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Hà Nội trái tim của cả nước trở thành nơi “ Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. (0,5 điểm)
+ Năm 1972, đế quốc Mĩ với âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt đã tiến hành ném bom rải thảm Hà Nội 12 ngày đêm nhằm xoay chuyển cuộc chiến tranh. Quân và dân Hà Nội đã làm nên trận Điện Biên Phủ trên không, buộc Mĩ phải ngồi vào bàn đàm phán rút quân về nước. (0,5 điểm)
Như vậy, câu nói “Thăng Long phi chiến địa” là không đúng, không phù hợp. Tuy nhiên đó là ước muốn của người dân Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung không muốn có chiến tranh đổ máu, mất mát, đau thương để xây dựng một Hà Nội, một Việt Nam hòa bình tươi đẹp. (0,5 điểm)
Câu 3. (3,0 điểm)
Truyền thống yêu nước của Việt Nam được hình thành . 
Cơ sở hình thành:
+ Bắt nguồn từ tình cảm của con người đối với gia đình, cộng đồng.(0,25 điểm)
+ Bắt nguồn từ quá trình lao động gian khổ để dựng nước. (0,25 điểm)
+ Trải qua quá trình giao lưu trao đổi thường xuyên, lâu dài trên đất nước. (0,25 điểm)
+ Bắt nguồn từ quá trình đấu tranh để giữ nước, bảo vệ độc lập dân tộc. (0,25 điểm)
Nét đặc trưng nhất: Chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc được xem là nét đặc trưng nổi bật nhất (0,5 điểm)
+ Trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, nhân dân ta thường xuyên phải đối mặt với giặc ngoại xâm. (0,5 điểm)
+ Nhân dân ta đã đoàn kết, vượt qua gian khổ, hi sinh chiến đấu vì sự sống còn của dân tộc, vì độc lập tự do của Tổ quốc. (0,5 điểm)
+ Từ trong cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước, lòng yêu nước phát triển đến mức cao nhất. (0,5 điểm)
Câu 4. (4,0 điểm)
 “ Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc. Trong thời dựng nước và phát triển đất nước dưới chế độ phong kiến, mặc dù mỗi dân tộc thường sống trên những vùng đất khác nhau, nhưng sớm có ý thức đoàn kết cùng nhau xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, đóng góp sức mình vào sự nghiệp chung của Tổ quốc”. (sách giáo khoa Lịch sử lớp 10 – Nâng cao, trang 219)
Trình bày những đóng góp của các dân tộc ít người về kinh tế - văn hóa..
 Những đóng góp của các dân tộc ít người về kinh tế - văn hóa: (2,0 điểm)
Kinh tế: Sớm tạo dựng một nền kinh tế nông nghiệp kết hợp với chăn nuôi, làm nghề thủ công và lâm nghiệp: (1,0 điểm)
+ Đồng bào đã sáng tạo ra nghề trồng lúa ở nương rẫy, biết dùng guồng chuyển nước vào ruộng, làm xe đạp nước, đắp đập giữ nước. Đất đai được khai phá, làng bản được thành lập, con người có điều kiện định cư lâu dài. Chăn nuôi gia súc phát triển. Ở một số vùng, người ta đã biết chăn nuôi theo đàn. Nhiều lâm sản quý được khai thác. (0,5 điểm)
+ Các nghề thủ công cũng rất phong phú, đa dạng biết trồng dâu, nuôi tằm, kéo tơ, dệt lụa, dệt thổ cẩm ... Các nghề rèn, đúc kim loại, làm đồ gốm cũng đã đáp ứng được ít nhiều cho nhu cầu của người dân, phục vụ săn bắt, chiến đấu. (0,5 điểm)
Văn hóa: Mỗi dân tộc đều có một nền văn hóa riêng. Tín ngưỡng dân gian, phong tục, tập quán đa dạng, phong phú. Mỗi tộc người đều có những lễ hội riêng, đặc sắc. (1,0 điểm)
+ Thơ ca dân gian rất phát triển xuất hiện nhiều sử thi, truyện thơ, dân ca vừa phản ánh các sự tích lịch sử, vừa ca ngợi những những đức tính tốt đẹp của con người như hiếu thảo, thủy chung, nhân nghĩa, dũng cảm Nghệ thuật ca múa phong phú với hàng loạt điệu múa, bài ca, có nhiều nhạc cụ độc đáo như đàn đá, đàn t’rưng, nhị, sáo, khèn, cồng chiêng Nhiều công trình nghệ thuật quý giá được xây dựng có giá trị lịch sử - văn hóa cao. (0,5 điểm)
- Những thành tựu văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo nên một Việt Nam giàu bản sắc văn hóa, đa dạng trong thống nhất. (0,5 điểm)
b. Những đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc: (2,0 điểm)
Từ thời Văn Lang - Âu Lạc, các tộc người mạn Bắc đã “chung lưng đấu cật” trong kháng chiến chống quân xâm lược Tần, bảo vệ quê hương. Tinh thần đó được kế tục trong những cuộc khởi nghĩa thời Bắc thuộc. (0,25 điểm)
Trong cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý, nhân dân các dân tộc thiểu số phía bắc Đại Việt đã góp phần quan trọng hoàn thành thắng lợi chiến lược “tiên phát chế nhân” và đánh bại quân Tống ở chiến tuyến Như Nguyệt. (0,5 điểm)
 Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên thời Trần, nhân dân các dân tộc thiểu số đã cùng cả nước đánh giặc, làm nên biết bao sự tích anh hùng trên đường tiến quân hay rút lui của giặc.(0,5 điểm)
Thế kỉ XV, khi quân Minh xâm chiếm nước ta, nhân dân các tộc người thiểu số đã quyết “không đội trời chung cùng quân giặc”, tự động tổ chức cuộc chiến đấu, góp phần xứng đáng vào thắng lợi huy hoàng của khởi nghĩa Lam Sơn. (0,25 điểm)
Ba trăm năm sau, khi đất nước đã trải dài xuống phía nam, một lần nữa, các dân tộc ít người, đặc biệt là các dân tộc ở Tây Nguyên và nam Trung Bộ, đã đi theo người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - Quang Trung, không chỉ đánh đổ các tập đoàn phong kiến đang thống trị mà còn chiến đấu quyết liệt đánh tan quân xâm lược Thanh vào cuối thế kỉ XVIII, giữ vững nền độc lập của Tổ quốc. (0,5 điểm)
Câu 5. (3,0 điểm)
 Phong trào yêu nước đầu thế kỉ XX ở nước ta đi theo khuynh hướng dân chủ tư sản
* Đi theo khuynh hướng dân chủ tư sản vì: 
 Những người đi tiên phong trong phong trào yêu nước và cách mạng đầu thế kỉ XX đã mất niềm tin vào chế độ phong kiến, cho phong kiến là sâu mọt, là kẻ đục khoét dân, là thủ phạm làm cho đất nước bị suy yếu rồi mất độc lập. Đồng thời, những trào lưu mới từ bên ngoài vào, trào lưu tư tưởng tư sản đã hướng cho cách mạng Việt Nam đi theo khuynh hướng đó. (0,5 điểm)
* Nội dung: (1,5 điểm)
Yêu nước gắn liền với thương dân, cứu nước gắn liền với duy tân, giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng xã hội. (0,5 điểm)
Thiết lập xã hội dân chủ, dân quyền theo thể chế dân chủ tư sản. (0,5 điểm)
Phương pháp bạo động, cải cách; đấu tranh trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; lực lượng bao gồm các tầng lớp nhân dân. (0,5 điểm)
* Khuynh hướng này do các sĩ phu yêu nước khởi xướng vì: (1,5 điểm)
- Chế độ phong kiến đã thối nát, nhà Nguyễn đầu hàng Pháp, phong trào yêu nước theo hệ tư tưởng phong kiến thất bại(0,25 điểm)
- Ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ tư sản từ bên ngoài vào Việt Nam (TQ, NB) (0,25 điểm)
- Xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX xuất hiện các giai tầng mới, là cơ sở xã hội tiếp nhận tư tưởng mới nhưng tầng lớp tư sản, tiểu tư sản còn nhỏ bé, yếu ớt, giai cấp công nhân số lượng còn ít, còn mang tính tự phát. (0,5 điểm)
- Các sĩ phu yêu nước tiến bộ chuyển biến tư tưởng, nhận thức thấy muốn cứu nước, cứu dân phải gắn liền với duy tân và thay đổi xã hội, họ khởi xướng khuynh hướng cứu nước mới. (0,5 điểm)
Câu 6. (3,0 điểm)
 Bản chất của toàn cầu hóa là gì? Tại sao toàn cầu hóa vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với các nước đang phát triển? 
Bản chất của toàn cầu hóa là quá trình tăng lên mạnh mẽ những mối liên hệ, những ảnh hưởng tác động lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các khu vực, các quốc gia, các dân tộc trên thế giới. (0,5 điểm)
Toàn cầu hóa vừa là thời cơ, vừa là thách thức vì:
Toàn cầu hóa thúc đẩy rất mạnh, rất nhanh sự phát triển và xã hội hóa của lực lượng sản xuất, đưa lại sự tăng trưởng cao, góp phần chuyển biến cơ cấu kinh tế, đòi hỏi phải tiến hành cải cách sâu rộng để nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế. (1,0 điểm)
Toàn cầu hóa làm trầm trọng thêm sự bất công xã hội, đào sâu hố ngăn cách giàu – nghèo trong từng nước và giữa các nước. Toàn cầu hóa làm cho mọi mặt hoạt động và đời sống của con người kém an toàn ( kinh tế, tài chính, đến kém an toàn về chính trị), hoặc tạo ra nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc và xâm phạm nền độc lập tự chủ của các quốc gia(1,0điểm)
Như vậy, toàn cầu hóa vừa là thời cơ nhưng đồng thời là thách thức cho các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. (0,5 điểm)
----------------- HẾT -------------------

File đính kèm:

  • docSu_Vong1_2010.doc