Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 năm 2008 - 2009 môn thi: Ngữ Văn

doc6 trang | Chia sẻ: minhhong95 | Lượt xem: 869 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 năm 2008 - 2009 môn thi: Ngữ Văn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Mã kí hiệu
Đ01V-09-HSG9
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9
Năm học 2008-2009
Môn thi: Ngữ văn 
Thời gian làm bài 150 phút
(Đề này gồm 3 câu 1 trang)
Câu 1( 2 điểm) 
Tiếng gà ai nhảy ổ
 “Cục cục tác, cục ta”
 Nghe xao động nắng trưa
 Nghe bàn chân đỡ mỏi
 Nghe gọi về tuổi thơ.
(“Tiếng gà trưa” - Xuân Quỳnh)
	Vận dụng kiến thức đã học về những biện pháp tu từ từ vựng để phân tích nét đặc sắc nghệ thuật của đoạn thơ trên.
Câu 2( 6 điểm) Trong bài thơ “Bếp lửa” nhà thơ Bằng Việt viết:
Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
 Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn
 Một ngọn lửa chứa nềm tin dai dẳng
Vì sao ở hai câu cuối nhà thơ dùng từ “ngọn lửa” mà không dùng từ “bếp lửa”? Ngọn lửa ở đây có ý nghĩa gì? Em hiểu những câu thơ trên như thế nào?
	Viết một đoạn văn ngắn nêu nhận xét về ý nghĩa tượng trưng của hình tượng bếp lửa trong bài thơ.
Câu 3( 12 điểm)
Nhà thơ Tố Hữu viết:
Sống là cho đâu chỉ nhận cho riêng mình
Em hiểu ý thơ trên như thế nào? Qua một số tác phẩm văn học hiện đại đã học trong chương tình lớp 9, em hãy làm sáng tỏ ý thơ trên.
------------Hết-------------
Mã kí hiệu
HD01V-09-HSG9
HƯỚNG DẪN CHẤM THI
 CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9
Năm học 2008-2009
Môn thi: Ngữ văn 
Câu 1( 2 điểm) 
Điệp từ “nghe” nhấn mạnh cảm xúc đang trào dâng mãnh liệt trong lòng người chiến sĩ khi nghe tiếng gà trưa quen thuộc tại một xóm nhỏ trên đường hành quân ra trận.(0,5 điểm)
Các hình ảnh ẩn dụ bổ sung chuyển đổi cảm giác:
+ “Xao động nắng trưa” cảm nhận nhờ thị giác (0,25 điểm)
+ “Bàn chân đỡ mỏi” cảm nhận nhờ cảm giác(0,25 điểm)
+ “Gọi về tuổi thơ” cảm nhận bằng cả tâm hồn. (0,25 điểm)
đều được chuyển đổi sang cảm nhận bằng thính giác “nghe”. Những hình ảnh này
diễn tả cảm nhận của người chiến sĩ thấy nắng trưa như xao động, thấy mình như tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục bước trên đường hành quân xa và gợi về những kỉ niệm thời thơ ấu với tình bà cháu, gia đình thân thương. (0,75 điểm)
 Câu 2 (6 điểm)
Học sinh phải lí giải được (2 điểm)
+ Ở câu thơ đầu dùng “bếp lửa” vì đây là hình ảnh xuyên suốt bài thơ thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Nhắc đến bếp lửa là gợi người cháu nhớ đến bà ngày nào bà cũng nhóm bếp lửa. Đó là cơ sở để xuất hiện hình ảnh “ngọn lửa” ở hai câu thơ sau(1 điểm)
+ Trong mỗi lần nhóm bếp lửa, ngọn lửa được cháy lên mang ý nghĩa tượng trưng. Bếp lửa được bà nhen lên không chỉ bằng nguyên liệu mà còn được nhen lên từ ngọn lửa trong lòng bà - ngọn lửa của sức sống, của lòng yêu thương, niềm tin. Bà không chỉ là người nhóm lửa, giữ lửa mà còn là người truyền lửa sự sống, niềm tin cho các thế hệ nối tiếp. Từ bếp lửa đến ngọn lửa hình ảnh thơ mang ý nghĩa trìu tượng khái quát. (1 điểm).
Học sinh viết được một đoạn văn, nêu được ý nghĩa tượng trưng của hình tượng “bếp lửa” trong bài thơ. (4 điểm)
+ Về hình thức: Đoạn văn có kết cấu tổng - phân - hợp (1 điểm). (Nếu không trình bày đúng theo quy định của một đoạn văn thì không cho điểm về hình thức)
+ Về nội dung: Bảo đảm được định hướng sau: (3 điểm)
Bếp lửa là hình ảnh thật, quen thuộc trong đời sống đã trở thành hình ảnh tượng trưng gợi kỉ niệm ấm áp tình bà cháu. Bếp lửa bà ấp iu là tình yêu thương của bà dành cho cháu, từ dạy cháu làm đến chăm cháu học(1 điểm).
. Mỗi lần bà nhóm bếp là đem đến cho cháu những niềm vui “khoai sắn ngọt bùi”, “những tâm tình tuổi nhỏ”. Bếp lửa là nơi bà nhóm lên tình cảm, khát vọng cho người cháu trở thành ngọn lửa của tình yêu, niềm tin, tình yêu quê hương đất nước . (1 điểm).
 Bếp lửa đã trở thành một kỉ niệm vô cùng kì lạ và thiêng liêng trong đời sống tâm hồn, tình cảm của người cháu. (1 điểm).
Câu 3: ( 12 điểm)
* Yêu cầu chung: 
1. Nội dung:
Bài làm thể hiện sự hiểu biết về câu thơ của Tố Hữu là một quan niệm sống đẹp của con người Việt Nam Trong các tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại đã học trong chương trình Ngữ văn 9 để làm sáng tỏ ý của câu thơ.
2. Hình thức: Bài viết thể hiện rõ phương pháp nghị luận giải thích, nghị luận chứng minh qua kĩ năng phân tích tổng hợp, biết sử dụng các dẫn chứng cho phù hợp. Bài viết có bố cục mở - thân - kết cân đối chặt chẽ, hợp lí.
* Yêu cầu cụ thể:
1. Giới thiệu: Con người mới là nhân vật chủ yếu trong các tác phẩm văn học từ sau Cách mạng tháng Tám 1945. Họ hiện lên với nhiều phẩm chất. Một trong những vẻ đẹp dó là lí tưởng sống cống hiến cho đấy nước quê hương. 
- Trích dẫn câu thơ: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” của Tố Hữu. 
- Nêu được tên một số tác phẩm để làm sáng tỏ ý thơ
2. Giải thích ý của câu thơ:
- Câu thơ của Tố Hữu thể hiện một quan niệm sống đẹp của con người mới Việt Nam. Đó là những con người sống có lí tưởng, có niềm tin vào chế độ, vào Đảng, Bác Hồ và nguyện phấn đấu suốt đời cho lí tưởng cao đẹp. Con người sống không đơn thuần là lao động làm ra của cải vật chất để hưởng thụ cho chính bản thân mình mà còn là sự cống hiến cho xã hội. Nó thể hiện hài hoà mối quan hệ của cá nhân với cộng đồng. Đặt quan niệm “sống là cho” ở đầu câu thơ, tác giả muốn nhấn mạnh và đề cao điều chủ yếu của con người là sống cống hiến cho mọi người, cho quê hương đấy nước.
3. Chứng minh qua một số tác phẩm tiêu biểu
Bài viết phải hình thành được các luận điểm sau:
Những con người đều có lí tưởng sống cao đẹp, có tình yêu quê hương đất nước trong sáng, có niềm tin vào Đảng, Bác Hồ và cuộc sống.
Trên mặt trận chiến đấu: Lí tưởng cao đẹp nhất của họ là giữ vững độc lập tự do của Tổ quốc, giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.
+ Trong kháng chiến chống Pháp, họ cùng chung nhiệm vụ “Súng bên súng, đầu sát bên đầu”. Trong kháng chiến chống Mĩ người lái xe có ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam “Chỉ cần trong xe có một trái tim”. Bà mẹ Tà Ôi có khát vọng đất nước được giải phóng, được thấy Bác Hồ (Khúc hát ru).Các cô gái thanh niên xung phong biết vì sự nghiệp giải phóng miền Nam (Những ngôi sao xa xôi)
Trên mặt trận lao động, lí tưởng cao đẹp của con người Việt Nam là dốc lòng, dốc sức, nhiệt tình xây dựng đất nước, xây dựng CNXH. Những người dân đánh cá ngày đêm hát bài ca lao động trên biển làm giàu cho đất nước (Đoàn thuyền đánh cá). Những con người làm việc quên mình như anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa.
Trong cuộc sống hàng ngày họ có tình yêu rất trong sáng và cao đẹp. Đó là hình ảnh người bà dành tất cả tình thương cho cháu con (Bếp lửa), là ông Hai - người nông dân yêu làng, yêu nước (Làng); là con người yêu tha thiết thiên nhiên mùa xuân đất nước, mùa xuân cách mạng (Mùa xuân nho nhỏ).
Đó là những cơ sở để hình thành những hành động cao đẹp của con người.
Những con người thể hiện quan niệm “sống là cho” một cách cao đẹp.
Những người chiến sĩ trong hai cuộc khánh chiến đều hi sinh tình cảm riêng cho tình yêu đất nước. Họ là những người đi kháng chiến “ruộng nương gửi bạn thân cày”, chấp nhận những gian khổ khó khăn thiếu thốn: áo rách quần vá chân không giày(Đồng chí); chấp nhận xa nhà, xa vợ con suốt chín năm chống Pháp và những năm đầu chống Mĩ để hi sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam (Chiếc lược ngà). Họ chấp nhận hiểm nguy vượt qua mưa bom bão đạn đẻ đưa xe ra chiến trường (Bài thơ về tiểu đội xe không kính). Kể cả những người phụ nữ cũng đã biểu hiện quan niệm sống đó một cách hết sức cảm động. Người mẹ Tà Ôi tuy có con nhỏ nhưng vẫn địu con giã gạo, tỉa bắp, chuyển lán hết lòng tham gia kháng chiến cho ngày đất nước thống nhất (Khúc hát ru). Các cô gái thanh niên xung phong sẵn sàng hi sinh tuổi xuân thời con gái, dám coi thường cái chết bảo đẩmn toàn cho những chuyến xe ra mặt trận trên tuyến đường Trường Sơn (Những ngôi sao xa xôi).
 Trên lĩnh vực xây dựng đất nước và cuộc sống hàng ngày, họ là những ngư dân ra khơi đánh cá ban đêm với tinh thần lạc quan (đoàn thuyền đánh cá);là anh thanh niên khí tượng trên đỉnh Yên Sơn dám chấp nhận khó khăn gian khổ góp phần dự báo thời tiết phục vụ sản xuất và chiến đấu, ông kĩ sư rau quả, anh cán bộ nghiên cứu sét đều là những con người lặng lẽ âm thầm cống hiến tuổi xuân cho đất nước (Lặng lẽ Sa Pa)
Với sự cống hiến của những con người ấy, sự nghiệp kháng chiến vĩ đại của dân tộc đã thành công; đất nước được xây dựng tươi đẹp như ngày hôm nay. Mặc dù ở lứa tuổi nào, hoàn cảnh nào họ cũng đều giống nhau ở một điểm cólí tưởng sống cao đẹp. Khát vọng của họ là cống hiến hếtmình cho Tổ quốc. Với họ được cống hiến là một niềm vui và hạnh phúc bởi trong sự cống hiến ấy họ cũng đã “nhận cho riêng mình” một phần dù rất nhỏ bé.
4. Khẳng định: Nhiều tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại đã tập trung thể hiện vẻ đẹp cao thượng trong lẽ sống của con người Việt Nam. Đẹp nhất ở họ là lẽ sống: “mình vì mọi người” , là dâng hiến trong cuộc đời cho đất nước quê hương. Họ là những con người mới tiêu biểu cho những phẩm chất tốt đẹp của con người mới Việt Nam và là những tấm gương sáng cho chúng ta noi theo.
* Biểu điểm:
- Điểm 11-12: Hiểu đề; các phương pháp nghị luận, giải thích, chứng minh, phân tích, tổng hợp vững vàng. Nội dung bài làm đạt được như yêu cầu. Chữ viết sạch đẹp, không sai lỗi chính tả; có bố cục hợp lí, cân đối.
- Điểm 9-10: Hiểu đề; các phương pháp nghị luận, giải thích, chứng minh, phân tích, tổng hợp được . Nội dung bài làm cơ bản đạt được như yêu cầu. Chữ viết sạch đẹp, ít lỗi chính tả có bố cục hợp lí, cân đối.
- Điểm 7-8: Hiểu đề nhưng chưa vững chắc, các tác phẩm lựa chọn chứng minh còn ít. Các phương pháp nghị luận, giải thích chứng minh, phân tích, tổng hợp chưa vững vàng. Bố cục chưa cân đối, còn sai không quá 7 lỗi chính tả.
- Điểm 5-6: Bài viết chưa vững chắc, các tác phẩm lựa chọn chứng minh còn chưa hệ thống và phù hợp. Các phương pháp nghị luận, giải thích chứng minh, phân tích, tổng hợp chưa vững vàng. Bố cục chưa cân đối, sai không quá 10 lỗi chính tả.
- Điểm 3-4: Bài viết lan man, luận điểm không thật rõ ràng, kĩ năng lập luận chưa tốt; sai nhiều lỗi chính tả.
- Điểm 1-2: Không hiểu đề, bố cục không rõ ràng, các kĩ năng trên còn quá yếu.
------------Hết-------------
Người ra đề
Đỗ Văn Mười
Người duyệt đề
Bùi Xuân Thắng 
Xác nhận của nhà trường
Người ra đáp án
Đỗ Văn Mười
Người duyệt đáp án
Bùi Xuân Thắng 
Xác nhận của nhà trường

File đính kèm:

  • docMON NGU VAN-KHANHCUONG.doc