Đề thi chọn học sinh giỏi huyện lớp 9 năm học 2008 - 2009 môn: ngữ văn thời gian làm bài 150 phút (không kể thời gian giao đề)

doc5 trang | Chia sẻ: bobo00 | Lượt xem: 1108 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi chọn học sinh giỏi huyện lớp 9 năm học 2008 - 2009 môn: ngữ văn thời gian làm bài 150 phút (không kể thời gian giao đề), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Phòng Giáo dục và Đào tạo Tứ Kỳ
Đề thi chọn học sinh giỏi huyện lớp 9
năm học 2008 - 2009
Môn: Ngữ văn
Thời gian làm bài 150 phút (không kể thời gian giao đề)
Ngày thi: 08/01/2009
(Đề thi gồm có 01 trang)
Câu 1: (1 điểm)
Đọc kỹ đoạn trích sau rồi trả lời câu hỏi:
Người con trai đưa cho bác lái xe một gói nhỏ:
- Cái gì thế này ? - Bác lái xe hỏi.
- Củ tam thất cháu vừa đào thấy. Cháu gửi bác gái ngâm rượu uống. Hôm nọ bác chẳng bảo bác gái vừa ốm dậy là gì ?
Bác lái xe cũng rút từ túi cửa xe ra một gói giấy:
- Còn đây là sách tôi mua hộ anh.
a. Phần trích có mấy lượt lời? Qua đó cho biết có ít nhất mấy nhân vật trò chuyện với nhau?
b. Xác định từ ngữ xưng hô và nhận xét khái quát về việc xưng hô trong đoạn hội thoại trên?
Câu 2: (2 điểm)
a. Có ý kiến cho rằng: Chi tiết nhỏ làm nên tác phẩm lớn.
Trong "Chuyện người con gái Nam Xương" có chi tiết nào đúng như nhận xét trên? Vì sao?
b. Dấu hiệu hình thức nào cho thấy bài thơ "ánh trăng" khác với các bài thơ đã học trong chương trình ngữ văn lớp 9? Vì sao cả bài thơ vô nhân xưng nhưng đến khổ cuối lại xuất hiện đại từ nhân xưng "ta"?
Câu 3: (2 điểm)
Âm thanh của tiếng suối trong những câu thơ sau có gì đặc biệt?
a. Côn Sơn suối chảy rì rầm
 Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai. 
 (Côn Sơn ca, thơ dịch - Nguyễn Trãi)
b. Tiếng suối trong như tiếng hát xa
 Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa. 
 (Cảnh khuya - Hồ Chí Minh)
c. Hương rừng thơm đồi vắng
 Nước suối trong thầm thì. 
 (Hương Cốm tới trường - Minh Chính)
Câu 4: (5 điểm)
Cảnh vật và con người Sa Pa (trong "Lặng lẽ Sa Pa" của nhà văn Nguyễn Thành Long) đã đem lại cho em những cảm xúc, suy nghĩ gì ?
Họ và tên thí sinh: ....................................................... Số báo danh: .............................
Chữ kí giám thị 1: ................................. Chữ kí giám thị 2: ...........................................
Chú ý : Cán bộ coi thi không được giải thích gì thêm
Phòng Giáo dục và Đào tạo Tứ Kỳ
Đáp án đề thi chọn học sinh giỏi huyện lớp 9
năm học 2008-2009
Môn thi: Ngữ văn (Thời gian làm bài 150 phút)
Câu 1: (1 điểm)
a)	- Có 3 lượt lời.
	- 2 nhân vật trò chuyện với nhau (bác lái xe nói 2 lượt, anh thanh niên nói 1 lượt)	0,25đ
b)	- Ngôi 1: Cháu (2 lần), tôi
	- Ngôi 2: Bác, anh
	- Ngôi 3: Bác gái (2 lần)	0,25đ
	- Từ ngữ xưng hô phong phú, đa dạng, không chỉ có đại từ nhân xưng mà còn có các danh từ quan hệ gia đình và quan hệ xã hội.	0,25đ
	- Cả 2 người nói đều chọn từ ngữ xưng hô đúng tình huống giao tiếp nên tạo được tình cảm chân thành và thân mật.	0,25đ
Câu 2: (2 điểm)
a): (1 điểm)
	- Cái bóng / chiếc bóng	0,25đ
	- Chi tiết nhỏ bởi vì nó xuất hiện ít, chỉ trực tiếp 1 lần ở cuối truyện và lại là chính cái bóng của Trương Sinh.	0,25đ
	- Góp phần làm rõ chủ đề tác phẩm.	0,5đ
	+ Vì chính nó làm cho câu chuyện rõ ràng và chân thực (nếu thiếu nó thì người đọc không biết rõ vì sao Vũ Nương bị oan và được giải oan).
	+ Tăng tính bi kịch, hấp dẫn người đọc khiến câu chuyện lung linh huyền ảo, đúng tính chất của truyện truyền kỳ (cùng một chiếc bóng mà khi gây oan khiên thì được hiểu là người mà khi được giải oan thì nó lại là cái bóng).
	+ Gợi lên giá trị hạnh phúc gia đình - quan trọng nhưng rất mong manh, cần có niềm tin.
	Nếu nêu được 2/3 ý trên hay nêu các ý khác tương tự, chấm 0,5 điểm
b): (1 điểm)
	- Chỉ viết hoa chữ cái đầu mỗi khổ thơ.
	- Kết thúc bài có một dấu chấm câu	0,25đ
	+ Dụng ý: Phù hợp mạch thơ tự sự, mỗi một khổ như một chi tiết nhỏ trong một câu chuyện dài. Câu chuyện dù dài thì cũng có hồi kết nên có dấu chấm câu kết thúc câu chuyện	0,25đ
	+ Đại từ "ta" giàu sức gợi, chỉ chung nhiều người
	- Có đại từ "ta" đặt đúng chỗ cho biết đây không còn là chuyện của một người mà là chuyện của nhiêu người, nhiều thế hệ về bài học hướng thiện, ân tình với quá khứ tình nghĩa.	0,5đ
Câu 3: (2 điểm)
	- Yêu cầu: Viết dưới dạng cảm nhận có bố cục rõ ràng, cảm nhận ở nét chung và nét riêng của từng phần trích.
	Bài viết có cảm nhận tốt nhưng không có bố cục, chưa chỉ ra bình diện chung và riêng của từng phần trích (1 điểm). Tuỳ mức độ cảm nhận của bài viết, có thể chẩm lẻ tới 0,25đ
	Nét chung: Hình ảnh suối, tiếng suối được coi như sợi tơ thần mà trời ban cho trái đất, nó đi liền với ý niệm về sự trong sạch, tinh khiết và dường như thiên nhiên vạn vật đã được dòng suối thanh lọc bụi dơ, nhờ nó mà mọi vật trở lên tinh khôi ... Nét giống nhau của các thi sĩ là đều liên tưởng tiếng suối như: Tiếng đàn, tiếng hát, tiếng nói, nghĩa là nó đã hoá thân hoà nhập vào thế giới con người và khiến thiên nhiên vốn bí ẩn, vốn lạnh khô trở nên ấm áp, mang tâm hồn con người.
	Nét riêng: Cần gắn với những văn cảnh như:
	+ Trong thơ của Nguyễn Trãi, tiếng suối như ghi lại cảm xúc của một tâm hồn lánh đục về trong nên tha thiết với không gian tĩnh lặng; âm thanh tiếng đàn cầm hay là đàn trời gợi phong thái ung dung tự tại; âm hưởng trầm buồn tha thiết.
	+ Trong thơ Hồ Chí Minh dù cho thiên nhiên đẹp, tiếng suối êm không làm người chiến sỹ cách mạnh quên đi trách nhiệm lớn lao của mình. Âm thanh tiếng suối vang âm như bản hùng ca đánh giặc. Tiếng suối cũng là tiếng lòng của một hồn thơ chiến sĩ nên mang âm điệu hào hùng hối hả khẩn trương.
	+ Minh Chính viết bài thơ ghi lại âm thanh tiếng suối ở vùng đồi trung du. Âm thanh của suối làm cho con đường đồi không còn vắng lặng. Suối như bạn dẫn em tới trường, như tiếng hát của cô, của mẹ náo nức mê say khiến bước chân đến trường của bé đỡ mỏi, dòng nước mát mà vẫn toả lan hơi ấm - âm điệu hồn nhiên, tươi trẻ.
	+ Dù giống hay khác thì đều gợi tả âm thanh tiếng suối bằng nghệ thuật so sánh, đều đem đến cho thơ nhạc điệu của đất trời; cho biết sự giao hoà gắn bó và tình yêu mãnh liệt thiên nhiên của các nghệ sĩ. Cho biết sự gặp gỡ của những tâm hồn thanh cao xưa và nay trước cái đẹp.
Câu 4: (5 điểm)
	Yêu cầu:
	- Viết đúng phương thức phát biểu cảm nghĩ (để cảm nghĩ có cơ sở thì bài cần sử dụng thao tác lập luận như chứng minh, phân tích, bàn luận ... ).
	- Có bố cục rõ 3 phần.
	- Dùng từ và diễn đạt trôi chảy ít mắc lỗi cơ bản. Có nhiều hướng cảm nhận khác nhau, người chấm khuyến khích các bài có sáng tạo, phát hiện và cảm nhận được những chi tiết mới lạ. 
	- Nội dung bài viết:
	* Cảm nhĩ về bức tranh thiên nhiên Sa Pa:	
	+ Có hình ảnh, màu sắc cụ thể như đàn bò, thung cỏ, mây, nắng, cây, hoa, cầu vồng, sương, gió tuyết, ...
	+ Vị trí của cảnh và dụng ý cảnh được giới thiệu ở đầu và cuối tác phẩm tạo nền không gian tươi sáng ...
	+ Nhà văn miêu tả thiên nhiên tập trung ưu tiên cho ánh sáng ...
	+ Cảnh được nhà văn miêu tả bằng thứ ngôn ngữ chọn lọc chứng tỏ khả năng thực tế ...
	* Cảm nghĩ về con người:
	+ Dụng ý khi các nhân vật không có tên, nhà văn muốn thể hiện họ là những người bình thường ở ngoài đời, ở khắp nơi ...
	+ Họ đều là những con người có nét tương đồng về hoàn cảnh sống và lí tưởng sống.
	+ Họ được nhà văn tôn vinh, bạn đọc ngưỡng mộ tự hào ... việc làm của họ làm cho Sa Pa vang khác ca lao động mới, họ tiêu biểu cho lớp trẻ trong công cuộc dựng xây và bảo vệ Tổ quốc.
	* Cảm nghĩ về quan hệ giữa người và cảnh vật:
	+ Khung cảnh thiên nhiên lặng lẽ mơ màng, con người kể cả những người khách đều ít nói, dù anh thanh niên có nói nhiều nhưng cũng chỉ có 30 phút.
	+ Nhà văn dùng thủ pháp lấy tĩnh gợi động, điêu luyện, tinh tế, gợi được không khí truyện.
	+ Bồi dưỡng tình yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu cuộc dời, giáo dục lẽ sống vì mọi người.
	Chú ý: Bài không có nội dung và trình tự ý như trên mà vẫn làm rõ được vấn đề như đề bài yêu cầu một cách hợp lí và độc đáo vẫn chấm điểm tối đa. Có thể chấm lẻ tới 0,25đ.	

File đính kèm:

  • docMon Ngu van lop 9 20082009.doc
Đề thi liên quan