Đề Thi Chọn Đội Tuyển Học Sinh Giỏi Dự Thi Quốc Gia Tỉnh Đắk Lắk Ngữ Văn

doc4 trang | Chia sẻ: hongdao | Lượt xem: 2157 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề Thi Chọn Đội Tuyển Học Sinh Giỏi Dự Thi Quốc Gia Tỉnh Đắk Lắk Ngữ Văn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TỈNH ĐẮK LẮK
ĐỀ CHÍNH THỨC
KỲ THI CHỌN ĐỘI TUYỂN HỌC SINH GIỎI
DỰ THI QUỐC GIA - Năm học 2010 - 2011
Môn: NGỮ VĂN 
Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề)
Ngày thi: 30/11/2010
(Đề thi gồm 01 trang)
Câu 1: ( 8,0 điểm)
	 ĐIỀU ĐẦU TIÊN
 Có lần, một sinh viên nói với nhà khoa học và triết học Blaise Pascal :
- Nếu cháu được tài giỏi như chú, cháu sẽ trở thành một người tốt hơn !
Pascal trả lời :
- Điều đầu tiên là cháu hãy trở thành một người tốt hơn, rồi cháu sẽ được tài giỏi như chú !
 (Theo Hạt giống tâm hồn, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2010, trang 22)
Hãy phát biểu suy nghĩ của anh / chị về vấn đề được đặt ra trong mẩu chuyện trên !
Câu 2 : ( 6,0 điểm)
Nhà văn Nguyễn Minh Châu có nhận xét:“Cả cuộc đời cầm bút của Nam Cao cứ đau đáu nhìn vào cái nhân cách. Cái sự săn đuổi chính mình và các nhân vật của mình đầy róng riết cũng chính là sự săn đuổi cái nhân cách của con người chúng ta nói chung”.
(Báo Văn nghệ, số ra ngày 18 tháng 7 năm 1987)
Anh / chị hãy bình luận ý kiến trên !
Câu 3 : ( 6,0 điểm)
Cảm nhận của anh / chị về hình tượng tiếng đàn trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor - ca của nhà thơ Thanh Thảo.
---------------------- HẾT ---------------------
Thí sinh không được sử dụng tài liệu.
Giám thị không giải thích gì thêm.
Họ và tên thí sinh .. Số báo danh.
SỞ GDĐT ĐẮK LẮK	 ĐÁP ÁN ĐỀ THI CHỌN ĐỘI TUYỂN
 HỌC SINH GIỎI TỈNH
	 Môn Ngữ văn 12 – Năm học 1010- 1011
 Đề chính thức
A. Yêu cầu chung : 
- Nắm vững kiến thức Ngữ văn THPT, biết vận dụng những kỹ năng làm các kiểu bài NLVH và NLXH để giải quyết những yêu cầu cụ thể của đề ra, có năng lực tổng hợp và nâng cao kiến thức.
- Trình bày rõ ràng, sáng sủa, diễn đạt mạch lạc, văn giàu hình ảnh, cảm xúc và có giọng điệu.
- Giải quyết được những yêu cầu cơ bản của đề ra,dẫn chứng chính xác, toàn diện, phong phú. Chấp nhận những cách trình bày, diễn đạt khác nhau nhưng phải hợp lý, khuyến khích những ý tưởng mới trong nội dung và diễn đạt.
B. Yêu cầu cụ thể :
Câu 1: ( 8,0 điểm)	
+ Giới thiệu vấn đề : quan hệ giữa đạo đức và tài năng của con người, dẫn dắt mẩu chuyện.	(1,0 điểm)
 	+ Giải thích : 	( 2,5 điểm)	
- “Tài giỏi” là tài năng, là năng lực của con người, bao gồm cả năng lực nhận thức, trí tuệ và năng lực thực hành, vận dụng thực tiễn,giúp con người giải quyết tốt những nhiệm vụ đặt ra trong cuộc sống. “ Người tốt” là con người có phẩm chất đạo đức, những tư tưởng và tình cảm tốt đẹp được thể hiện trong đời sống và các quan hệ xã hội.
- Tài năng và phẩm chất đạo đức là hai mặt cơ bản của nhân cách con người. Thiếu một trong hai mặt đó, con người không thể hoàn thiện.
 	- Mẩu chuyện trên đã đặt ra mối quan hệ giữa tài năng và phẩm chất đạo đức của con người. Quan điểm của người sinh viên là nhấn mạnh yếu tố “tài giỏi”, xem đó là yếu tố tiên quyết. Quan điểm của Pascal cho rằng phẩm chất đạo đức (người tốt hơn) mới là yếu tố quan trọng, quyết định phẩm chất và năng lực (nhân cách) của con người. 
+ Bình luận:	( 2,5 điểm)
- Quan niệm của người sinh viên chưa thật đúng đắn vì “tài giỏi” chưa phải là điều kiện cần và đủ để “trở thành một người tốt hơn”. Thực tế có nhiều người có tài mà thiếu đạo đức, nhân cách, trở thành những “người vô dụng”, thậm chí còn trở thành những người có hại cho gia đình và xã hội. Dẫn chứng
- Quan điểm của Pascal là hoàn toàn đúng đắn bởi vì người có đạo đức nhân cách tốt, sống có lý tưởng, có khát vọng cao cả, có tình cảm đẹp đẽ là một “người tốt” rồi. Cũng nhờ có những phẩm chất đó mà họ có ý thức, có ý chí rèn luyện tài năng, tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm của nhân loại để có thể trở thành người “tài giỏi”. Trong thực tế, không ít người nhờ có phẩm chất đạo đức tốt, có ý chí, nghị lực và khát vọng đã cố gắng học tập, rèn luyện, khắc phục những hạn chế về năng lực của bản thân để tiến bộ và thành đạt trong cuộc sống và sự nghiệp. Dẫn chứng
+ Bài học: 	(2,0điểm)	 Ra sức rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống và lý tưởng để trở thành “người tốt hơn”, đồng thời nỗ lực học tập, nâng cao trình độ tri thức, kỹ năng để trở thành người “tài giỏi” để góp phần xây dựng đất nước, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Câu 2 ( 6,0 điểm)
+ Giới thiệu (0,5 điểm): Nam Cao, vấn đề “nhân cách” và dẫn câu trích. 
+ Giải thích ( 1,5 điểm): Câu nói của Nguyễn Minh Châu là một nhận xét về con người và tư tưởng nghệ thuật của Nam Cao. Điều mà Nam Cao quan tâm suốt cuộc đời cầm bút của mình là “nhân cách” của con người, tức là phẩm chất đạo đức, tư tưởng, tình cảm, khát vọng của con người. Sự khám phá, tìm kiếm, thể hiện và khẳng định nhân cách của chính bản thân Nam Cao và các nhân vật của ông cũng chính là để khẳng định nhân cách con người nói chung.
+ Bình luận( 1,5 điểm): Nhận xét của Nguyễn Minh Châu là một phát hiện đúng đắn và sâu sắc về con người và tác phẩm Nam Cao. Đối tượng của văn học nghệ thuật là con người xã hội với đời sống tinh thần vô cùng phong phú. Trong đời sống tinh thần của con người, nhân cách là yếu tố quan trọng và sâu sắc nhất để khẳng định con người với ý nghĩa đích thực của nó. Nam Cao đã đặt vấn đề nhân cách, nhân phẩm con người một sâu sắc, róng riết với một tầm cấp bách và bao quát trong các tác phẩm, qua những điển hình nghệ thuật sinh động.Chính điều này đã tạo nên nét độc đáo, hấp dẫn của phong cách nghệ thuật Nam Cao. Ý kiến của Nguyễn Minh Châu giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về những giá trị trong sáng tác của Nam Cao.
	 + Chứng minh ( 2,0 điểm):
- Nam Cao luôn có một nội tâm sôi sục luôn trăn trở, suy tư về ý nghĩa của cuộc đời, về nghệ nghiệp, về trang viết, về lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút. Điều này thể hiện trong các tác phẩm về đề tài trí thức trước Cách mạng (Trăng sáng, Đời thừa, Sống mòn), trong Nhật ký ở rừng và Đôi mắt (1948) Nam Cao sớm đặt vấn đề “đôi mắt” - thực chất cũng là vấn đề nhân cách con người thể hiện qua cách nhìn đời, nhìn người, là thái độ và lẽ sống của con người. ( Điếu văn, Mua nhà, Lão Hạc, Đôi mắt)
- Nam Cao đặc biệt quan tâm phản ánh tình trạng con người bị lăng nhục trong xã hội, đặc biệt là con người bị tha hóa, lưu lanh hóa trong xã hội Thực dân (Một bữa no, Tư cách mõ, Chí Phèo)
- Các nhân vật của Nam Cao, trước sau đều đau đớn, vật vã trên những nẻo đường tìm về nhân cách con người (Hộ, Điền, Lão Hạc, Cu Lộ, Binh Chức, Năm Thọ, Chí Phèo, Hoàng, Độ)
	+ Kết luận ( 0,5 điểm).
Câu 3: (6 ,0điểm)
+ Giới thiệu: Thanh Thảo, hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa của bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca, hình tượng tiếng đàn. 	(0,5 điểm)
+ Tiếng đàn là hình tượng trung tâm của tác phẩm và bài thơ là sự phát triển của hình tượng trung tâm này. Hình tượng tiếng đàn có ý nghĩa tượng trung cho cuộc đời và số phận bất tử của Lor-ca.	( 0,5 điểm)
+ Ở phần đầu, chủ thể Lor-ca không xuất hiện mà ẩn sau hình ảnh “tiếng đàn bọt nước” như số phận mỏng manh của một tài năng.	( 1,0 điểm)
+ Ở phẩn trung tâm, tiếng đàn ghita lặp đi lặp lại đầy ám ảnh: “tiếng ghita nâu”, “tiếng ghita xanh”, “tiếng ghita tròn bọt nước”, “tiếng ghita ròng ròng - máu chảy”. Đây là những kết hợp từ độc đáo, có ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc.	(1,0điểm)
+ Tác giả còn khẳng định sự bất tử của tiếng đàn. Tiếng đàn trở thành một vật có linh hồn, là biểu tượng của tâm hồn, trái tim và sự bất tử của Lor-ca: “tiếng đàn như cỏ mọc hoang”, “Lor-ca bơi sang ngang – trên chiếc ghita màu bạc”, là những hình ảnh tượng trưng đặc sắc.	( 1,0 điểm)
+ Ý nghĩa: tiếng đàn là một hình tượng nghệ thuật với ý nghĩa biểu tượng đặc sắc. Tiếng đàn được miêu tả linh hoạt, nhiều sắc thái, thể hiện được tâm hồn phong phú và số phận bi tráng của Lor-ca. Tiếng đàn còn là dòng cảm xúc của tác giả: đau đớn, thương tiếc, ngưỡng mộ và tôn vinh đối với người nghệ sĩ tài hoa, bạc mệnh - Lor-ca Gát-xi- a. 	( 1,0điểm)
+ Nghệ thuật đặc sắc: kết cấu độc đáo theo mạch liên tưởng tự do. Hình ảnh thơ mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc, ngôn ngữ thơ mới mẻ, sáng tạo, giàu tính nhạc.(1,0điểm)
------------- HẾT----------------

File đính kèm:

  • docVan_Vong2_2010.doc