Đề tài Hướng dẫn luyện đọc diễn cảm cho học sinh trong giảng dạy môn Văn ở bậc THPT

doc10 trang | Chia sẻ: frankloveabc | Lượt xem: 1765 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Hướng dẫn luyện đọc diễn cảm cho học sinh trong giảng dạy môn Văn ở bậc THPT, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
I. Đặt vấn đề
	 1. Cơ sở lý luận	
 	Giảng dạy văn học là giảng dạy một bộ môn văn hoá vừa có tính nghệ thuật vừa là một môn học. Dạy văn là một quá trình đòi hỏi nhiều tìm tòi sáng tạo của người thầy. Việc dạy - học văn là một quy trình hoạt động của người thầy - đóng vai trò hướng dẫn và học sinh - đóng vai trò tích cực, chủ động tiếp nhận. Nhưng sau một giờ dạy văn, không phải ta có thể đo lường, thấy ngay được kết quả. Hiệu quả của giờ văn là sự chuyển hoá, thẩm thấu dần từ giờ này sang giờ khác, từ bài này sang bài khác và trong suốt quá trình học tập của học sinh những năm học ở bậc phổ thông trung học. Trong phương pháp dạy học theo hướng đổi mới hiện nay, người thầy dạy văn là nhạc trưởng điều khiển cho mọi nhac công sử dụng hài hào nhạc cụ của mình. Nhạc trưởng không biến thành nhạc công. Học sinh không phải là bình chứa mà là những ngọn lửa. Người thầy dạy văn là người thắp sáng những ngọn lửa ấy. Vì vậy đòi hỏi người thầy đứng lớp phải nắm vững từng đối tượng học sinh, phải có tài tổ chức, hướng dẫn quá trình tiếp nhận, chiếm lĩnh tác phẩm cho học sinh, không phải bằng những lời khuyên bảo trừu tượng mà phải biết văn chương hoá hoạt động của học sinh bằng một hệ thống thao tác cụ thể, sáng tạo để các em từng bước thâm nhập tác phẩm . Việc học tác phẩm văn chương như vậy mới thực sự tạo ra sự hứng thú, sáng tạo cho học sinh trong giờ học văn.
2. Cơ sở thực tiễn
	Môn văn trong nhà trường phổ thông trung học có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành nhân cách, phẩm chất tư duy cho học sinh nhằm đáp ứng yêu cầu của thời dại mới trong mục tiêu đào tạo con người. Thế nhưng trong thực tế giảng dạy chúng ta đều nhận thấy rằng thời gian bố trí cho một tác phẩm văn học được dạy trong chương trình thật eo hẹp, chưa tương xứng với mục tiêu cần đạt của bộ môn. Với một thời lượng có hạn như vậy làm thế nào để học sinh hiểu được cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của tác phẩm. Đây là điều trăn trở của những thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp có tâm huyết với nghề nói chung và bản thân tôi nói riêng. Hơn nữa trong thời kỳ hội nhập nền kinh tế thị trường hiện nay, hầu hết học sinh rất thờ ơ với môn văn, chán học văn, tình trạng này là sự báo động cho việc suy thoái về nhân cách và đạo đức của thế hệ con người trong tương lai của đất nước. Đây là điều luôn làm cho những người thầy dạy văn băn khoăn, trăn trở: Làm thế nào để học sinh ngày nay thực sự ham thích, hứng thú với môn văn? Xuất phát từ những thực tế trên, bản thân tôi thấy mình cần phải có những việc làm cụ thể, có những biện pháp, phương pháp phù hợp góp phần đạt được mục tiêu đề ra một cách tích cực. Trong một giờ Đọc - Hiểu tác phẩm văn chương, đọc là một trong những kỹ năng đầu tiên có vị trí vô cùng quan trọng để tiếp cận, cảm, hiểu tác phẩm văn học. Vì vậy tôi mạnh dạn đưa ra một kinh nghiệm nhỏ: "Hướng dẫn luyện đọc diễn cảm cho học sinh trong giảng dạy môn văn ở bậc THPT" mà bản thân tôi đã trải nghiệm trong thực tế giảng dạy những năm qua. Nhờ vậy mà tôi đã "kéo" được học sinh trở lại hứng thú với việc học môn văn, học 

sinh ham học hỏi, tìm tòi, ham hiểu biết, góp phần làm thay đổi cách nhìn, cách nhận thức về môn văn của học sinh.
I. Giải quyết vấn đề
1. Đọc diễn cảm là gì?
	Đọc diễn cảm là biện pháp được sử dụng phổ biến, có hiệu quả nhất trong dạy học tác phẩm văn chương ở tất cả các cấp học của bộ môn văn.
	Đọc diễn cảm trong dạy học tác phẩm văn chương có thể là hình thức đọc của giáo viên, có thể là hình thức đọc của học sinh . Đọc diễn cảm có thể được kết hợp với nhiều các biẹn pháp khác. đọc kết hợp với bình hoặc nêu câu hỏi của giáo viên; kết hợp vừa đọc vừa bình , vừa phân tích ... Trong quá trình tổ chức cho học sinh khám phá, chiếm lĩnh tác phẩm văn chương, hình thức đọc diễn cảm của giáo viên có tầm quan trọng và hiệu quả đặc biệt: Khởi động tâm lý tiếp nhận cho học sinh , gây không khí giờ học, gây ấn tượng cảm nhận làm nền cho thao tác phân tích khám phá tác phẩm
	Trong hát, có chuyện bắt giọng. Bắt đúng giọng thì mới thể hiện được đúng nỗi niềm, tâm tư tình cảm mà người nghệ sĩ sáng tác gửi gắm vào trong bài hát. Đọc văn thơ, cái khó nhất là bắt được giọng điệu tình cảm của tác giả. Có thể nói, bắt được giọng điệu tình cảm là bắt mạch được, hoà nhập được vào không khí tình cảm của tác phẩm, lắng nghe được tiếng nói tình cảm, tâm tình cuả tác giả. Bắt ra giọng điệu tình của tác giả là bắt đầu cảm và hiểu tác phẩm.
	Giọng điệu thường thể hiện trong tiết tấu , nhịp điệu cường độ, âm hưởng, ngôn ngữ, thái độ... bắt được giọng điệu cảm xúc là học sinh bắt đầu chuyển vào thế giới của tác phẩm, bắt đầu nối mạch nội tâm với tác giả. từ đó việc phận tích, khám phá tác phẩm thực sự trở thành của đối tượng học sinh. Nói rõ hơn là trở thành đối tượng hứng thú nhận thức của học sinh. Tác phẩm đã đi vào quỹ đạo cảm xúc , tình cảm của bản thân chủ thể trữ tình. Vì vậy qua giọng đọc diễn cảm của giáo viên, học sinh thấy tất cả những điều được mô tả , nói đến trong tác phẩm như đang diễn ra trước mắt mình. Trong qúa trình hướng dẫn học sinh tiếp cận tác phẩm, sau những câu hỏi nêu ra , giáo viên đọc từng câu, đoạn để hướng dẫn cách đọc cho học sinh. Đồng thời định hướng khơi gợi cho học sinh ý thức phân tích qua giọng đọc.
	Đọc diễn cảm trong quá trình dạy học tác phẩm văn chương của người giáo viên là một nghệ thuật. Vì vậy là một giáo viên dạy văn nhất thiết phải thường xuyên luyện đọc diễn cảm cho bản thân và cho học sinh.
2. Các hình thức luyện đọc diễn cảm.
	Sau nhiều năm rút kinh nghiệm , tôi xây dựng các hình thức luyện đọc diễn cảm ở 2 cấp độ như sau:
	a. ở cấp độ thứ nhất: tôi yêu cầu học sinh đọc đúng và đưa ra các yêu cầu về hình thức luyện đọc như sau
	*Luyện đọc đúng theo thể loại: ở lớp 10 các em được học cả phần văn học dân gian và phần văn học viết trung đại, cả văn học Việt Nam và văn học thế giới. Trước hết tôi cung cấp các kiến thức về đặc điểm thể loại, giúp các em nắm rõ và 


phân biệt được các khái niệm về các thể loại văn học như : Sử thi, cổ tích, ca dao, thơ, văn xuôi... Từ đó xác định hình thức đọc, cách đọc phù hợp.
	Ví dụ sử thi "Đăm San" là tác phẩm phẩm phản ánh những khát vọng lớn của người Ê Đê, là bức tranh hùng vĩ về cuộc sống, con người ... Vì vậy khi dạy trích đoạn của tác phẩm này phải lưu ý học sinh thể hiện giọng đọc trang trọng, trầm hùng, nhấn mạnh ở những hình ảnh so sánh, phóng đại, tượng trưng... phù hợp với giọng điệu hùng tráng của sử thi.
	Đọc truyện cổ tích cả thầy và trò phải làm nổi bật được không khí của truyện tạo bới các yếu tố kỳ lạ ngay từ cách mở đầu truyện. Do vậy, phải đọc với giọng trầm lắng, ngân vang, có lúc hạ thấp giọng như nói thầm để tạo cảm xúc về một thế giới hoang đường , kỳ ảo. qua giọng đọc đó, học sinh sẽ chờ đợi những điều bất ngờ, thú vị trong truyện, đồng thời hoà nhập vào thế giới cổ tích của truyện.
	 Song, cũng là truyện cổ tích nhưng cách đọc ở truyện :Chử Đồng Tử" lại khác với truyện "Làm theo vợ dặn". Vì nếu ở truyện "Chử Đồng Tử" học sinh được lạc vào thế giới kỳ ảo, hoang đường thì đến khi kết thúc truyện " Làm theo vợ dặn" học sinh có những giây phút thoải mái bởi yếu tố gây cười, để rồi sau đó rút ra những bài học cho riêng mình. Vì vậy ở truyện "Làm theo vợ dặn"khi đọc tôi không bộc lộ thái độ một cách rõ rệt mà thể hiện một thái độ trung gian " tỉnh bơ như không" để rồi yếu tố bất ngờ sẽ "vỡ oà" khi kết thúc mỗi sự kiện. Điều đó tạo sức hấp dẫn độc đáo cho những truyện cổ tích có yếu tố gây cười kể về những nhân vật ngốc và cách kể "Bịa đặt" của cổ tích.
	*Sang thể loại ca dao: Đây là thể loại có tính chất trữ tình . Những câu, những bài ca dao được chọn giảng trong nhà trường chủ yếu được sáng tác theo thể thơ lục bát. Đó là những lời ru ngọt ngào sâu lắng, những câu hát tình nghĩa, những niềm lạc quan yêu đời và có cả những tiếng than thân ... Cho nên người đọc phải bắt đúng được mạch của nó để thể hiện nội dung cho phù hợp. Với những câu hát tình nghĩa tôi dùng giọng đọc thiết tha, trừu mến, đằm thắm yêu thương để câu ca đễ đi vào lòng người. Có thể kết hợp hình thức diễn xướng: ru, ngâm... Với những bài ca than thân, tôi dùng giọng đọc xót xa, nuối tiếc ngậm ngùi, có pha chút trách móc, oán giận,sử dụng giọng trầm bổng, có điểm nhấn . Ví dụ: nhấn mạnh các điệp từ " Thân em", các câu hỏi tu từ...
 Đến giai đoạn văn học trung đại, với những sáng tác: "Tụng giá hoàn kinh sư"- Trần Quang Khải, "Thuật Hoài"- Phạm Ngũ Lão, "Bạch Đằng Giang phú"- Trương Hán Siêu là những sáng tác viết bằng chữ Hán rất súc tích theo kiểu "quý hồ tinh bất quý hồ đa" . Đồng thời những tác phẩm này mang rõ hào khí Đông A. Chính vì vậy khi đọc tôi sử dụng giọng đọc sảng khoái, mang âm hưởng hào hùng, vang vọng, nhấn mạnh ở những chỗ có đối để thể hiện âm vang một thời hào hùng của dân tộc. ở "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi cũng vậy, song cần phân biệt rõ hơn âm hưởng của từng đoạn. Ví dụ: ở đoạn 1, tôi đọc với giọng trầm, ngắn . ở đoạn 2, tôi đọc với giọng 

cao, dài. Đoạn 3: đọc với giọng sôi sục căm hờn, đoạn 3b đọc với giọng sảng khoái tự hào.... Nếu như ở các sáng tác bằng chữ Hán vừa kể trên có âm hưởng trầm hùng trang trọng thì ở các sáng tác bằng chữ Nôm trong nền văn học trung đại lại có âm hưởng thiết tha, có chút nỗi niềm uất hận . Âm hưởng đó vang vọng từ các sáng tác của tác giả Đặng Trần Côn, Đoàn thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du...
	Trong nỗi buồn rầu, đau khổ triền miên vô hạn vì hạnh phúc lứa đôi bị tiêu tan, ở một trích đoạn của "Chinh phụ ngâm khúc"khi đọc và hướng dẫn học sinh đọc tôi chú ý đến những trọng âm, điểm nhấn ở một số từ láy: "đằng đẵng:, "thăm thẳm", "đau đáu", tững câu, từng chữ phải thiết tha, lắng đọng, ngắt ,ngừng phù hợp với dung lượng câu để lột tả được tâm trạng nhớ nhung, sầu muộn của người chinh phụ có chồng đang chinh chiến nơi dặm xa. Chẳng hạn: với cặp câu lục bát thì đọc chậm, dàn trải. Non yên dù chẳng tới miền
Nhớ chàng đằng đẵng đường lên bằng trời
...Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng
Trước hoa dười nguyệt trong lòng xiết đau
Những cặp câu khác giọng đọc lại nhanh hơn, dồn dập chứ không kéo dài như các câu trên Sương như búa bổ mòn gốc liễu
 Tuyết dường cưa xẻ héo cành ngô.
Thơ của Hồ Xuân Hương có hai sáng tác được chọn giảng (Mời trầu, Tự tình), khi đọc và hướng dẫn học sinh đọc, tôi chú ý nhấn giọng ở những cặp câu đối : đọc to, nhanh. 	 Ví dụ: 
 Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
 Vầng trăng bóng xế khuất chưa tàn
 Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
 Đâm toạc chân mây đá mấy hòn.
ở hai bài thơ này, tôi vẫn giữ nguyên giọng đọc thiết tha, lắng đọng, trữ tình, chỉ cần có điểm nhấn ở một số từ, câu và lưu ý thêm cách ngắt nhịp để lột tả phong cách, cá tính độc đáo của Hồ Xuân Hương trong thơ( Vì chính cách ngắt nhịp này đã tạo nên điểm nhấn, gây sự chú ý)
	Khi đọc những trích đoạn truyện Kiều của Nguyễn Du được chọn giảng trong chương trình, tôi vẫn sử dụng giọng đọc thiết tha, lắng đọng, ngậm ngùi để diễn tả nỗi niềm tâm trạng ngổn ngang của nàng Kiều trong những đoạn đường đời.
	ở những bài giảng tác phẩm văn học nước ngoài, Đối với tác phẩm "Tam quốc diễn nghĩa", tôi sử dụng giọng đọc trầm, khoẻ để gợi lại không khí thượng võ của tác phẩm. Khi đọc các đoạn đối thoại, tôi hướng dẫn học sinh phân biệt từng giọng điệu để thể hiện tính cách của nhân vật. Ví dụ : Lời Quan Công thì sử dụng giọng đọc dịu dàng, ấm áp, chậm rãi, thể hiện tính cách nhân hậu, nghĩa tình. Với nhân vật trương Phi thì sử dụng giọng đọc nhanh, mạnh, cáu gắt phù hợp với tính cách ngay thẳng, nóng nảy của nhân vật.
	Đối với trích đoạn trong tác phẩm"Hăm Lét" của Sếcxpia, tôi hướng dẫn học sinh đọc phân vai, mỗi vai có một giọng đọc phù hợp. Chẳng hạn: giọng Hăm-Lét trong đoạn độc thoại phải chắc, khoẻ để thể hiện rõ quan điểm sống tiến bộ của mình.
	Đọc đúng còn thể hiện ở tiêu chuẩn: phải đạt yêu cầu về phát âm và chính tả. Đối với học sinh, nhất là lớp 10, lớp đầu cấp của phổ thông trung học, tôi rất quan tâm chú ý đến việc phát âm đúng. Hạn chế tối đa việc phát âm theo thói quen của tiếng địa phương. Vì phát âm theo tiếng địa phương không phân biệt được:r - d, l - n, ch - tr, s - x, hoặc các thanh điệu như: ? - ~...Việc phát âm chưa chuẩn xác sẽ có ảnh hưởng lớn đến việc cảm nhận cái hay, cái đẹp của ngôn từ trong các tác phẩm văn chương.
	Đọc đúng phát âm và chính tả còn thể hiện ở chỗ biết đọc đúng giọng điệu văn bản, biết ngừng nghỉ đúng với dấu câu(dấu phẩy, dấu chấm hỏi, dấu chấm than, dấu chấm lửng...)đều có thời gian ngừng nghỉ khác nhau. Dấu phẩy nhanh hơn dấu chấm phẩy, dấu chấm lại ngừng lâu hơn dấu phẩy và chấm phẩy.Bên cạnh đó tôi chỉ cho học sinh dấu câu không chỉ là dấu hiệu giúp các em biểu hiện tình cảm của mình trong quá trình đọc.
	Ví dụ: Khi đọc câu : "Người lên ngựa kẻ chia bào" phải ngắt đúng nhịp 3 -3 đừng lại ở dấu phẩy chia đôi câu thơ để diễn tả sự chia cắt đôi đường của Thuý Kiều và Thúc sinh.
	Đọc đúng chính tả và phát âm còn thể hiện ở chỗ biết đọc đúng từ loại, nhất là các đại từ, danh từ, động từ, tính từ. Cụ thể là khi đọc, tôi chú ý hướng dẫn các em nhấn mạnh vào các từ loại này để làm nổi bật lên ý nghĩa biểu hiện của nó.
	 Ví dụ: 
 Người về chiếc bóng năm canh
 Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
 Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường
	 Hay: Này của Xuân Hương đã quệt rồi
 Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá bạc như vôi
	Sau khi đã luyện cho các em đọc đúng, tôi nâng dần cấp độ, yêu cầu các em đọc hay. Sau đây là hình thức luyện đọc hay mà tôi đã từng áp dụng trong những năm qua.
	b. Cấp độ thứ hai: Đọc hay
	Đọc hay là biết phát huy ưu thế của chất giọng, làm chủ được giọng đọc, biết ngừng nghỉ, cao giọng, thấp giọng đúng với nhịp điệu, âm hưởng của văn bản tác phẩm phù hợp với cảm xúc của nhà văn. 
Có người cho rằng đọc hay là đọc diễn cảm, cũng có người cho rằng đọc hay chủ yếu là do chất giọng chứ chưa hẳn đã là cảm, hiểu tác phẩm.
 
Đọc diễn cảm là đọc đúng giọng của mình một cách tự nhiên, có cảm xúc, thể hịên được thái độ, tình cảm đối với tác giả, với những vấn đề được đặt ra trong tác phẩm. Truyền được cảm xúc, thái độ của mình, của nhà văn đến với người nghe . Vì vậy chỉ khi nào tác phẩm văn chương được cảm thụ, thâm nhập như là tác phẩm do chính mình sáng tạo ra cùng với chất giọng tốt thì thật sự đã là đọc hay và diễn cảm. Theo giáo sư Phan Trọng Lụân "Đọc diễn cảm là nghệ thuật đọc vượt qua ý nghĩa nội dung, ý nghĩa của từng câu để tái tạo hình tượng nghệ thuật một cách hoàn chỉnh, trọn vẹn và đạt tới sự biểu đạt ý nghĩa có màu sắc cảm xúc cá nhân"
	Đọc hay bao gồm những yêu cầu cụ thể sau 
 + Sự giản dị và tự nhiên
 + Sự thâm nhập vào nội dung tư tưởng, nghệ thuật của tác phẩm ở mức độ dễ hiểu
 + Truyền đạt rõ ràng tư tưởng tác phẩm
 + Thể hiện thái độ tư tưởng tình cảm của mình với tác phẩm được học
 + Thái độ tiếp xúc nhiệt tình với người nghe
 + Phát âm rõ ràng chính xác
 + Kỹ năng sử dụng đúng giọng của mình.
	Như vậy so với đọc đúng, đọc hay được nâng lên một cấp độ cao hơn, đòi hỏi không chỉ có bộ phận phát âm mà còn cả thái độ, tình cảm, trí tuệ của người đọc. Người đọc hay phải là người có tình yêu đối với tác phẩm, cảm hiểu được tác phẩm ở mức độ nhất định. Do vậy, đọc hay, đọc diễn cảm cũng là phân tích khám phá tác phẩm, là tái tạo hình tượng nghệ thuật của tác phẩm bằng ngôn ngữ, chất giọng, bằng năng khiếu cảm thụ nghệ thuật của cá nhân người đọc. Do vậy, giáo viên không thể dập khuôn luyện đọc diễn cảm cho học sinh trong lớp theo một mẫu nhất định. Cho nên khi luyện đọc diễn cảm cho học sinh, tôi thường căn cứ vào chuẩn chung để từ đó tuỳ theo chất giọng, năng khiếu văn chương của từng em để có cách thức luyện đọc phù hợp, phát huy ưu thế của từng em. Vì vậy trong quá trình luyện đọc diễn cảm cho các em, tôi đã chia thanh 2 nhóm và có những yêu cầu cụ thể cho từng nhóm như sau: 
	- Đối những em thuộc nhóm trung bình, yếu, tôi dừng lại: yêu cầu các em đọc đúng giọng mình, ngắt nghỉ đúng dấu câu, phát âm đúng, rõ ràng, truyền đạt được tư tưởng của tác phẩm ở mức độ bước đầu.
	- Đối với những em thuộc nhóm khá giỏi: Tôi yêu cầu các em đọc tự nhiên, phát âm chính xác, có sự thay đổi giọng điệu ở từng câu, từng chữ, truyền đạt được thái độ tư tưởng tình cảm của mình với tác phẩm được học, truyền đạt được đặc điểm về thể loại và phong cách của tác giả. Thể hiện sự thâm nhập vào nội dung, tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm ở mức độ chiều sâu, biết tự mình phân vai khi đọc các tác phẩm tự sự, thể hiện được chất giọng của nhân vật theo từng lứa tuổi.... bằng chính chất giọng của mình kết hợp với cử chỉ, điệu bộ.
	Với hình thức này, tôi đã giúp học sinh không chỉ đơn giản là việc thưởng thức 
văn bản ngôn từ của tác phẩm mà cao hơn giúp các em thể nghiệm và phát huy năng khiếu nghệ thuật, phát triển năng lực cảm thụ và rèn luyện các kỹ năng thưởng thức, cảm thụ tác phẩm văn chương.

 3. Luyện đọc diễn cảm cho học sinh vào khi nào, ở đâu, bằng những biện pháp nào?
	- Khi nào thì có thể luyện đọc diễn cảm cho học sinh?
tất yếu câu trả lời phải là ở trên lớp. Đây là thời gian quý báu để giáo viên phát hiện ra chất giọng của từng em, năng lực cảm thụ của từng em để có biện pháp luyện đọc phù hợp. Nhưng nếu như chỉ đọc ở lớp thôi thì chưa đủ. thời gian 45 phút là quá ít, hơ nữa, đọc tác phẩm lại không phải là việc làm duy nhất. Do vậy, tôi còn kết hợp luyện đọc cho học sinh đọc diễn cảm ở nhà . ở nhà, thời gian rộng rãi hơn , các em có sự bình tĩnh, tự tin , tự nhiên hơn. Sau đó, tôi có thể kiểm tra việc luyện đọc của các em ở nhà bằng cách yêu cầu các em đọc một đoạn trong tác phẩm kết hợp trong thời điểm kiểm tra bài cũ. Căn cứ vào sự tiến bộ của các em, tôi động viên khích lệ các em để các em càng nâng cao ý thức tự luyện đọc hơn nữa.
	Luyện đọc diễn cảm không chỉ được tiến hành ở buổi học chính khoá mà còn được tiến hành ở những buổi ngoại khoá. Trong tiết ôn tập, luyện tập. ở những tiết này, tôi thường tổ chức thành từng nhóm cho các em thi nhau đọc, sau đó hướng dẫn các em tự nhận xét lẫn nhau.
	- Biện pháp đọc diễn cảm cho học sinh:
	+ Trước tiên, tôi đưa ra những hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Đây là định hướng cơ bản để học sinh tìm cho mình một hướng đọc đúng để tiến tới đọc hay và đọc diễn cảm. Muốn tìm ra được định hướng đúng để hướng dẫn học sinh, bản thân tôi phải đọc nhiều lần tác phẩm, phải lĩnh hội được tư tưởng, tình cảm, chủ đề của tác phẩm và tất cả những yếu tố liên quan một cách thấu đáo nhuần nhuyễn.
	+ Công đoạn tiếp theo là tôi đọc mẫu một đoạn khó nhất với giọng hay nhất để gây xúc động, gợi không khí cho giờ học hấp dẫn , thu hút học sinh, khiến các em bị chinh phục, bị lôi cuốn phải làm được như cô, đọc hay như cô.
	+ Khi đọc phải kết hợp với cử chỉ, điệu bộ , ánh mắt. Để làm được điều đó, tôi phải cố gắng nhập tâm cao độ . Phải thực sự rung động với hình tượng nhân vật. ánh mắt trìu mến, thiết tha, dáng điệu hăm hở, sôi nổi, cái khoát tay dứt khoát, sự nhún vai, rùng mình... của tôi khiến cho các em như đang được chứng kiến một tác phẩm hoàn chỉnh mà cô giáo - người diễn viên tài hoa đang cùng lúc đóng vai rất nhiều nhân vật với tâm trạng khác nhau: lúc giận dữ, lúc sôi nổi , lúc trầm lắng suy tư, khi nhẹ nhàng tha thiết, lúc rùng mình sợ hãi...
	+ Phải tạo điều kiện cho các em được thực hành đọc bằng việc gọi các em đọc tiếp cho các em khác nghe, rồi nhận xét ưu, nhược điểm của bạn để bản thân mình rút ra được những kinh nghiệm cụ thể về cách đọc.
Cứ như thế, tôi đã dẫn dắt các em tiến từng bước và đạt được cấp độ cao trong trong đọc diễn cảm ngay trong một tiết học. Nhận xét về cách đọc của bạn cũng là biện pháp tối ưu để đưa học sinh tiến dần tới yêu cầu của phương pháp đọc hay, đọc diễn cảm.
	
+ Không chỉ các em tự nhận xét cho nhau mà bản thân tôi cũng phải nhận xét cách đọc cho các em và cho điểm để động viên khuyến khích các em hứng thú hơn trong học tập và rèn luyện.
	+ Khi có điều kiện, tôi còn tổ chức cho các em thi đọc diễn cảm ở trong lớp, giữa các lớp với nhau, đọc phân vai, đọc thuộc lòng một cách diễn cảm, thi ngâm thơ ...Đây cũng là một cách giúp học sinh có thể thi đua luyện đọc.
	+ Ngoài ra tôi còn hướng dẫn các em cách theo dõi các chương trình, chuyên mục trên đài truyền hình và phát thanh để các tham khảo, học hỏi và rút kinh nghiệm cho bản thân mình.
	4. Kết quả đạt được.
	Việc luyện tập, tổ chức, hướng dẫn học sinh đọc diễn cảm là công việc tiến hành thường xuyên, liên tục. Đòi hỏi cả thầy và trò phải kiên trì, nhẫn nại . Từng ngày, từng giờ kỹ năng đọc đúng, đọc hay của các em sẽ được hình thành, củng cố, nâng cao. Thực hiện áp dụng hình thức và biện pháp luyện đọc diễn cảm trên trong giảng dạy môn văn ở lớp 10B2 trường TTGDTX huyện Đông Sơn năm học 2005 - 2006, tôi đã thu được kết quả tương đói khả quan như sau: Tổng số học sinh trong lớp là 48 em, trong đó kỹ năng đọc diễn cảm của các em tiến triển như sau:
	*Đầu học kỳ I:
	 - Đọc ở mức trung bình có: 43 em.
	 - Đọc ở mức khá : 5 em
	 - Đọc ở mức hay, diễn cảm: chưa có em nào đạt yêu cầu.
	* Cuối học kỳ II
	 - Mức đọc trung bình: : 27 em
	 - Mức đọc khá : 18 em 
	 - Mức đọc hay, diễn cảm : 3 em
Về chất lượng học tập bộ môn cũng được nâng lên một cách rõ rệt:
	 * Đầu học kỳ I: 
	 - Học lực trung bình : 44 em
	 - Học lực loại khá : 4 em
 	 - Học lực loại giỏi : không có
 * Cuối học kỳ II: 
	 - Học lực trung bình : 26 em	
	 - Học lực khá	 : 19 em
	 - Học lực giỏi	 : 3 em
III. Kết luận 
1. Bài học kinh nghiệm: Quá trình đưa ra, áp dụng các hình thức luyện đọc diễn
cho học sinh, tôi tự rút ra cho mình bài học kinh nghiệm như sau:
	- Về phía Giáo viên: trước hết để luyện cho các em đọc diễn cảm thì bản thân mình phải là người đọc diễn cảm có sức hấp dẫn thu hút học sinh. 

Ngoài ra phải luôn củng cố, nâng cao kỹ năng đọc của mình. Có thể nghe chương trình đọc truyện đêm khuya, đọc vào băng đài, thu lại sau đó nghe và tự sửa lại cho chuẩn. Để làm được điều đó, tôi đã mất rất nhiều thời gian, công sức và thực sự yêu nghề, yêu nghiệp dạy văn chương của mình.
	- Về phía học sinh, các em phải chăm chỉ, chịu khó, chuẩn bị thật tốt bài học ở nhà để lên lớp mới có thể đọc hay, đọc diễn cảm được tốt và đỡ mất nhiều thời gian.. Các em cũng có thể luyện đọc thầm trước gương, tập ngâm những bài thơ đã học, tập hát ru những bài ca dao...
2. Lời kết: 
	Việc dạy văn nói chung là một quá trình lao động công phu, khó khăn, phức tạp, đòi hỏi nhiều tâm huyết của cả thầy và trò. Chỉ riêng việc rèn luyện cho học sinh kỹ năng đọc, viết, hay nghe cũng là một công việc vất vả đòi hỏi người thầy phải thật sự tận tâm, yêu nghề, mến trẻ, có trách nhiệm cao với nghề nghiệp của mình. Dạy văn là một quá trình gắn liền hoạt động trí tuệ với sự rung cảm của cả giáo viên và học sinh .Vì vậy người thầy phải luôn nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo để cho giờ dạy văn của mình luôn luôn mới mẻ, hấp dẫn, phải công phu trong từng công đoạn, trong mỗi khâu, mỗi biện pháp, cách thức, thủ thuật để tổ chức cho học sinh chiếm lĩnh tác phẩm văn học một cách trọn vẹn bằng mọi con đường. Một trong những con đường thu được hiệu quả không nhỏ trong giảng dạy môn văn ở bậc THPT hiện nay, theo tôi chính là hướng dẫn, luyện cho các em có thói quen, kỹ năng và tinh thần ham mê đọc văn hay, diễn cảm.
	Với trình độ có hạn, kinh nghiệm chưa nhiều, tôi chỉ xin đưa ra một chút kinh nghiệm nhỏ của mình để các bạn đồng nghiệp tham khảo, góp ý, giúp nhau đúc rút ra được nhiều kinh nghiệm hơn trong nghề nghiệp của mình.
	
	Đông Sơn ngày 30 tháng 3 năm 2008.
	 Người viết


 
	 Đinh Thị Hiên

	 








Sở giáo dục và đào tạo Thanh Hoá
Trường TTGDTX - Đông Sơn










Sáng kiến kinh nghiệm
Tên đề tài:
Hướng dẫn học sinh luyện đọc diễn cảm trong học học tập môn văn ở bậc THPT










Họ và tên: Đinh Thị Hiên
Đơn vị tổ: - Văn - Sử - Anh
Trường TTGDTX - Đông Sơn













Năm học: 2007 - 2008

File đính kèm:

  • docHuong dan hoc sinh doc dien cam.doc