Đề Bài Phân tích tấn bi kịch của người trí thức nghèo trong xã hội cũqua nhân vật Hộtrong truyện ngắn Đời thừacủa Nam Cao

pdf2 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 973 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề Bài Phân tích tấn bi kịch của người trí thức nghèo trong xã hội cũqua nhân vật Hộtrong truyện ngắn Đời thừacủa Nam Cao, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
 Chuyên đề: Văn học lãng mạn và 
hiện thực phê phán 1930-1945 (phần văn) 
 
Đề 3: Phân tích tấn bi kịch của người trí thức nghèo trong xã hội cũ qua nhân 
vật Hộ trong truyện ngắn Đời thừa của Nam Cao. 
 
Thời kỳ văn học 1930-1945, không ai vượt được Nam Cao trong việc mô tả tấn bi kịch của 
người trí thức, nhất là người trí thức nghèo trong xã hội cũ. 
Chỉ xét riêng một truyện ngắn Đời thừa (in lần đầu tiên vào cuối năm 1943), ta cũng có thể nhận 
ra tấn bi kịch ấy với bao nghịch cảnh, bế tắc, xót xa. 
Hộ, nhân vật chính của Đời thừa, là một nhà văn có tài và đầy tâm huyết. Người đọc có thể nhận 
ra ở Hộ nhiều nét tự truyện của chính Nam Cao. Hộ đã từng viết được những tác phẩm có giá trị, 
được bạn bè cùng giới viết văn và người đọc yêu mến, cổ vũ. Nhưng, không muốn dừng lại ở bất 
kỳ chặng nào của thành công, không bao giờ mãn nguyện với những gì đã được viết ra. Hộ luôn 
luôn khao khát vươn tới cái tận thiện, tận mĩ của nghệ thuật. Hộ thèm khát nghĩ đến một tác 
phẩm “nó sẽ làm mờ hết các tác phẩm cùng ra một thời”. 
Hộ dốc lòng phụng sự nghệ thuật. Với Hộ, nghệ thuật là tất cả, là trên hết, niềm đam mê nghệ 
thuật cao nhất, loại trừ hết mọi đam mê khác. Công việc hàng ngày của Hộ chỉ còn có hai thứ: 
đọc và viết, không viết thì đọc, không đọc thì viết; đọc để càng hoàn thiện thêm cây bút của 
mình, đọc để thưởng thức cái đẹp chân chính, cái đẹp cao thượng của văn chương nghệ thuật; 
viết để sáng tạo, để thể hiện những khát vọng đẹp đẽ của mình về văn chương thế sự. Đọc và 
viết, Hộ quên tất cả cuộc đời nhỏ nhen, quên tất cả những khó khăn, nghèo túng của một nhà văn 
nghèo. Trong cách nhìn của Hộ, cả cái nghèo túng ấy cũng là một nét đẹp, cái đẹp của một nhà 
văn, một con người quên mình vì văn chương, nghệ thuật. 
Hộ (và cả Nam Cao nữa) có là một nhà văn “nghệ thuật vị nghệ thuật” không? Không. Bởi với 
Hộ, nghề văn thật là một nghề cao đẹp trong đời, là một nghề có ý nghĩa phục vụ con người, 
phụng sự nhân loại ở mức độ cao. Nó làm cho con người trở nên phong phú hơn, cao thượng 
hơn, nhân ái và độ lượng hơn, gần gũi nhau hơn. Hộ tự đòi hỏi cao và không bao giờ tự bằng 
lòng về mình, vì cái đẹp, sự tuyệt đối của nghệ thuật, đồng thời cũng vì một ý thức trách nhiệm 
cao đối với người đọc, đối với nhân loại mà Hộ phụng sự. Đối với Hộ, đưa ra cho người đọc một 
tác phẩm mờ nhạt, nông cạn, hơn nữa, lại viết cẩu thả, là một việc làm thiếu lương tâm, tệ hơn 
nữa, đó là một sự lừa gạt. Không muốn chỉ làm “một người thợ khéo tay” trong nghề văn. Hộ 
muốn “khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có”. Cuộc đời mà sống 
với những hoài bão như của Hộ, luôn phấn đấu để vươn tới, để hoàn thiện, luôn nhìn thấy mối 
mâu thuẫn giữa điều đã làm được và điều đáng phải làm được, luôn cố gắng để xoá bỏ sự mâu 
thuẫn giữa điều mình đang có và cái mình phải có, phải vươn tới; nguyên chừng ấy thôi đã đủ để 
cho người ta không yên, đã đủ để người ta phải sầu khổ, nhiều khi cảm thấy đổ vỡ. Nhưng không 
chỉ có thế, tấn bi kịch của Hộ còn lớn hơn nhiều! 
Là một người tôn thờ cái đẹp, cái cao thượng trong văn chương, Hộ cũng muốn sống đẹp trong 
tư cách một con người. Và Hộ đã có một hành động đẹp, tuyệt đẹp của lòng nhân ái. Hộ đã cứu 
danh dự của Từ, cứu sống đời Từ, cưu mang Từ đúng vào lúc Từ cần đến những điều ấy nhất. 
Trong tư cách một người chồng, một người cha, Hộ muốn Từ và các con mình hạnh phúc, ít nhất 
là không khổ, không đau khổ. Nhưng Hộ đã làm được những gì? Từ càng ngày càng khổ, càng 
gầy gò, xanh xao vì thiếu thốn, đói khát. Các con Hộ thì càng nheo nhóc, tật bệnh. Nguyên chỉ 
nhìn thấy cái cảnh ấy cũng đã đau khổ rồi, đầy bi kịch rồi, bi kịch của một người muốn làm điều 
tốt, muốn hạnh phúc cho người khác mà không sao làm được. 
Tuy nhiên bi kịch chính của Hộ là ở chỗ này: mối mâu thuẫn giữa khát vọng của một người nghệ 
sĩ với ước muốn làm một con người tốt đẹp. Để có tiền có thể nuôi vợ nuôi con (dầu chỉ có mức 
độ thiếu đói), Hộ phải viết vội những tác phẩm mà ngay khi biết ra xong, chính Hộ đã thấy chán. 
Hộ phải chống lại ngay chính mình, vi phạm ngay những tiêu chuẩn mà Hộ đặt ra cho mình 
trong tư cách nhà nghệ sĩ. Viết văn để kiếm tiền, viết vội, viết cẩu thả, đó là điều không thể tha 
thứ, không thể bào chữa được, đối với Hộ. Nhưng để làm một người nghệ sĩ chân chính ư? Thì 
Hộ phải bỏ mặc vợ con, thậm chí tàn nhẫn với vợ con. Nhưng như thế, với Hộ, lại là hèn nhát, là 
vô lương tâm, cũng không thể tha thứ được. Hộ đã chẳng từng nêu như một tiêu chuẩn sống là 
gì: “Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình”. Hộ không thể chọn lấy một trong 
hai con đường: hi sinh nghệ thuật để làm một người chồng, người cha tốt, hoặc vì cái đẹp tối 
thượng của nghệ thuật mà hi sinh phần con người, làm một con người nhẫn tâm, vô trách nhiệm. 
Cả hai thứ trách nhiệm ở Hộ đều được ý thức rất cao. Hộ không có quyền, và không thể chọn lấy 
và hi sinh bất kỳ phần nào. Tấn bi kịch thường xuyên dai dẳng của Hộ chính là ở đó. Trên cả hai 
phương diện trách nhiệm, Hộ đều cảm thấy mình làm được ở mức tồi nhất. Vì thế mà Hộ luôn 
luôn lên án mình, tự xỉ vả mình. Tấn bi kịch ấy trở thành một chứng u uất trầm kha nơi Hộ, có 
những lúc đã bộc phát lên. Những lúc ấy, những lúc say rượu, Hộ đã chọn lấy một, đã muốn tìm 
một giải phóng cực đoan nhất. Nhưng rồi tỉnh cơn say, tình thế vẫn vậy, cái vòng lẩn quẩn vẫn 
vậy, xem chừng lại nặng nề, bi đát hơn. 
Đời thừa kết thúc bằng một lần tỉnh rượu của Hộ sau một cơn say (trước đó đã bao nhiêu lần 
như thế?), Hộ khóc trước cái dáng nằm ngủ khổ sở của Từ, trong vòng tay gầy yếu của Từ. Cả 
Từ cũng khóc. Hộ khóc vì hối hận đã tệ bạc, đã tỏ ra thô bạo với Từ. Nhưng nguyên nhân chính, 
hẳn Hộ đã khóc cho nỗi đau của mình, khóc vì cái bế tắc của đời mình, khóc sự tan vỡ thảm 
thương của hoài bão to tát và đẹp nhất của mình. Rồi cả Từ nữa, Từ cũng khóc vì cô đã mơ hồ 
nhận ra điều đó. 
Đời thừa có phải là tấn bi kịch muôn đời của người trí thức? Người ta có thể vừa sống với hoài 
bão lớn lao hiến dâng cho sự nghiệp, vừa sống với phần con người tốt đẹp của mình không? 
Được lắm chứ. Thế thì nguyên nhân bi kịch của Hộ ở đâu? Chính là ở sự bế tắc chật hẹp của đời 
sống. Cái vòng lẩn quẩn mà xã hội đã khép chặt lại trên thân phận người trí thức nghèo trong xã 
hội cũ, đặc biệt xã hội Việt Nam thời kỳ 1930-1945. 
Nam Cao, với Đời thừa, đã để lại cho ta một bức tranh hiện thực, đồng thời cũng để lại cho ta 
một thông điệp. Người ta có thể sống mà không cảm thấy đời mình là đời thừa; không cảm thấy 
sống là sống mòn, là một cách chết mòn. Muốn thế, phải giật tung hết những cái lẩn quẩn, những 
bế tắc của đời sống đi. Cuộc khởi nghĩa tháng Tám đã làm công việc đó. 
Bài giảng của: Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa 
và Luyện thi đại học Vĩnh Viễn 

File đính kèm:

  • pdfDoi Thua.pdf
Đề thi liên quan