Bài tham luận Nâng cao chất lượng ôn thi vào Lớp 10 môn Tiếng Anh

doc3 trang | Chia sẻ: thienbinh2k | Ngày: 17/07/2023 | Lượt xem: 421 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài tham luận Nâng cao chất lượng ôn thi vào Lớp 10 môn Tiếng Anh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHÒNG GIÁO DỤC&ĐÀO TẠO NAM SÁCH
TRƯỜNG THCS NAM TRUNG
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hải Dương, ngày 15 tháng 5 năm 2017
BÀI THAM LUẬN
Nâng cao chất lượng ôn thi vào lớp 10 môn Tiếng Anh
Thi đỗ vào Lớp 10 là nấc thang quan trọng trong cuộc đời người học sinh, nó đánh dấu sự tích luỹ về lượng, nhảy vọt về chất. Kết quả đó, phản ánh rõ nét về thực chất quá trình dạy và học của một nhà trường. Hay nói cách khác, đó là bức tranh sinh động về công tác lãnh đạo của cấp uỷ đảng, sự chỉ đạo, quản lý, điều hành của Ban Giám hiệu Nhà trường, sự linh hoạt, sáng tạo, mẫn cán của đội ngũ giáo viên và tinh thần ham học hỏi, cầu tiến bộ của học sinh; 
Việc ôn thi vào Lớp 10 là công việc hết sức quan trọng, đây là giai đoạn chuẩn bị tâm thế cho học sinh, củng cố có hệ thống kiến thức đã học, rèn luyện tư duy logic, bồi dưỡng phương pháp học hiệu quả, nâng cao tính thích ứng với các dạng đề thi. Môn Tiếng Anh là một trong ba môn thi bắt buộc, do đó, chúng ta không thể xem nhẹ hoặc chủ quan đối với nội dung này. Trong những năm qua, Trường THCS Nam Trung đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức ôn thi vào Lớp 10 chặt chẽ, nghiêm túc, lấy chất lượng là hàng đầu. Do vậy, công tác ôn thi cho học sinh luôn bảo đảm có tính kế hoạch cao, điều hành linh hoạt, lựa chọn giáo viên có kinh nghiệm để chuẩn bị các nội dung ôn cho sát với tình hình và yêu cầu của từng năm học; quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho học sinh về nhiệm vụ ôn và thi; gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh học sinh về việc ôn thi vào Lớp 10, qua đó tạo sự ủng hộ rất lớn của các gia đình trong việc tạo điều kiện cho học sinh ôn luyện;
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất vẫn là phía người học, có không ít học sinh còn hổng về kiến thức, còn lười học, nhận thức về nhiệm vụ ôn thi chưa đầy đủ (đến lớp chủ yếu là để có mặt; thi đỗ thì học, không đỗ thì làm việc khác; môn Tiếng Anh không nhân hệ số thì quan trọng gì ...); bên cạnh đó, có một số gia đình chưa thực sự quan tâm tạo điều kiện về tinh thần và vật chất cho học sinh ôn thi. Tỷ lệ thi đỗ môn Tiếng Anh chưa cao;
Để góp phần nâng cao chất lượng ôn thi môn Tiếng Anh vào Lớp 10. Tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
I. ĐỐI VỚI BAN GIÁM HIỆU NHÀ TRƯỜNG
1. Thường xuyên quán triệt thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên về nhiệm vụ ôn, thi vào Lớp 10. Qua đó, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ giáo viên, học sinh, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ.
2. Xây dựng Kế hoạch ôn thi bảo đảm chặt chẽ, tính khoa học cao, sát thực tiễn nhiệm vụ của Nhà trường. Quản lý, điều hành hết sức linh hoạt, sáng tạo, lấy hiệu quả là thước đo, chất lượng là mục tiêu phấn đấu. Kế hoạch phải hết sức chi tiết, cụ thể, qua đó thấy rõ vị trí, vai trò của cá nhân, tập thể; có tính kế thừa, phát huy được dân chủ, trí tuệ của Hội đồng sư phạm trong xây dựng, triển khai.
3. Tổ chức ôn thi chặt chẽ, phân công giáo viên đảm nhiệm ôn thi, chú trọng đến những giáo viên có sự trải nghiệm, tâm huyết và hiệu quả trong nhiều năm. Chỉ đạo lập danh sách học sinh ôn thi, cùng với giáo viên theo dõi, phân loại học sinh để có kế hoạch bồi dưỡng riêng; tăng cường kiểm tra (cả thường xuyên và đột xuất) để đánh giá chất lượng ôn thi đúng thực chất.
4. Chỉ đạo bảo đảm tốt cơ sở vật chất (điện, nước, phòng học ...) phục vụ việc ôn thi đạt hiệu quả ngay từ những ngày đầu. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan, ban, ngành chức năng của địa phương làm tốt công tác tuyên truyền nhiệm vụ ôn thi vào Lớp 10 trên các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn để nhân dân nắm chắc, từ đó có sự ủng hộ cao; phối hợp với Công an xã bảo đảm an toàn tuyệt đối cho việc ôn thi.
II. ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN ĐƯỢC GIAO NHIỆM VỤ ÔN THI
1. Quán triệt nghiêm túc các văn bản của cấp trên, đặc biệt là Kế hoạch tổ chức ôn thi của Ban Giám hiệu Nhà trường. Triển khai thực hiện có hiệu quả; nhất là làm tốt công tác chuẩn bị của giáo viên về các nội dung cần tập trung ôn thi vào Lớp 10. 
2. Nghiên cứu, chuẩn bị nội dung ôn thi cho học sinh theo đúng quy trình, bảo đảm hâm nóng kiến thức đã học, cung cấp nhiều dạng bài, dạng đề thi để học sinh tiếp cận, thích nghi.
3. Tổ chức ôn thi chặt chẽ, nghiêm túc; chú trọng truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm; giữ vững nền nếp, chế độ, các quy chế, quy định của Nhà trường, lớp học, đặc biệt là tính kỷ luật, việc phát ngôn của học sinh. Thực hiện nghiêm túc quy trình các bước trong ôn thi:
- Bước 1: Bồi dưỡng kiến thức.
Ở bước này, đòi hỏi giáo viên ôn thi phải hâm nóng lại kiến thức đã học cho học sinh, đặc biệt là ngữ pháp, cách nhận biết các mẫu câu; qua đó, giúp cho học sinh nhớ lại một cách hệ thống kiến thức Tiếng Anh đã được trang bị, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, có tình cảm, sự tự tin đối với môn học, như vậy là giáo viên ở bước này không những bồi dưỡng về kiến thức mà còn xây dựng được niềm tin cho học sinh khi ôn thi.
- Bước 2: Luyện tập các dạng đề thi
Giáo viên xây dựng đề thi theo hướng từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, làm cho học sinh thấy được để giải quyết một đề thi không phải là chuyện dễ, qua đó phát huy được tính tư duy logic, sự tìm tòi, học hỏi của học sinh;
Thường xuyên sưu tầm các dạng đề thi để học sinh làm quen; chú trọng hướng dẫn trước, thực hành sau; mỗi dạng đề thi phải có nhiều đề khác nhau để học sinh thích nghi;
Quan tâm bồi dưỡng phương pháp ôn thi hiệu quả; bồi dưỡng học sinh còn yếu, phân loại học sinh trong từng ngày để có kế hoạch bồi dưỡng riêng; tăng cường học nhóm, học sinh kèm cặp lẫn nhau, tránh tình trạng học tủ, học lệch. 
- Bước 3: Kiểm tra đánh giá kết quả của từng giai đoạn.
Đây là bước hết sức quan trọng, là thước đo quá trình ôn luyện của giáo viên và học sinh. Do đó, bước này cần tiến hành nghiêm túc, khắc phục bệnh thành tích trong ôn thi. Đề thi phải ra tương đối sát với điều kiện thi vào Lớp 10; tổ chức coi, chấm thi chặt chẽ, đánh giá kết quả khách quan, không thiên vị, thấy được thực trạng chất lượng ôn thi.
Sau mỗi lần thi, kiểm tra, phải công bố kết quả của từng học sinh; đồng thời, cung cấp đáp án đúng, chỉ rõ những lỗi học sinh mắc phải, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh kịp thời thái độ, trách nhiệm trong ôn thi.
III. ĐỐI VỚI HỌC SINH ÔN THI
1. Có nhận thức tốt về nhiệm vụ ôn thi; làm tốt công tác chuẩn bị của cá nhân (bút, vở, tài liệu ...).
2. Quá trình ôn thi, cần tập trung nghe giảng, nắm chắc kiến thức đã học, tư duy sáng tạo, ghi chép kỹ các dạng đề thi và cách giải quyết; thường xuyên đặt ra các câu hỏi để giáo viên giúp đỡ. Những nội dung nắm chưa chắc thì phải cùng bạn bè và cô giáo truy trao ngay tại lớp để thống nhất.
3. Tích cực, chủ động trong tự học tập, tự bồi dưỡng; tăng cường học nhóm, xây dựng đôi bạn học tập cùng tiến; sưu tầm tài liệu phục vụ ôn thi đạt kết quả cao.
IV. ĐỐI VỚI PHỤ HUYNH HỌC SINH
1. Quan tâm, tạo điều kiện cho con em mình về thời gian, cơ sở vật chất phục vụ việc ôn thi. 
2. Thường xuyên cùng với Nhà trường, giáo viên trao đổi, nắm chắc chất lượng ôn thi của học sinh, để từ đó có biện pháp giúp đỡ các em tiến bộ.
3. Phối hợp trong quản lý chặt chẽ học sinh, nhất là những khoảng thời gian không tổ chức ôn tại trường; tránh để học sinh vướng vào các tệ nạn xã hội. Giáo dục các em có lối sống lành mạnh, đúng pháp luật.
Với kinh nghiệm trong những năm ôn thi vừa qua, bản thân xin đề xuất một số giải pháp như vậy, mong rằng nhận được sự cộng đồng trách nhiệm của tập thể, phấn đấu đạt tỷ lệ cao nhất học sinh thi đỗ vào Lớp 10.
Trân trọng cảm ơn các đồng chí!
NGƯỜI VIẾT
Phạm Thị Thanh Đầm

File đính kèm:

  • docbai_tham_luan_nang_cao_chat_luong_on_thi_vao_lop_10_mon_tien.doc