Tính dân tộc trong thơ Việt Nam: Vĩnh cửu và luôn luôn biến đổi

doc10 trang | Chia sẻ: frankloveabc | Lượt xem: 1215 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tính dân tộc trong thơ Việt Nam: Vĩnh cửu và luôn luôn biến đổi, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tính dân tộc trong thơ Việt Nam: Vĩnh cửu và luôn luôn biến đổi!

"Dân tộc là một siêu cơ thể, một thực thể tinh thần, siêu cá nhân và siêu đẳng cấp, một yếu tố bản thể sống động và sáng tạo thể hiện mình bằng muôn vàn biểu hiện cụ thể, nhưng không trùng khít với bất cứ một biểu hiện hay nhóm biểu hiện nào, không bị vắt kiệt bởi bất cứ một thành quả nào, dù có giá trị đến đâu chăng nữa..."... "Không thể đòi hỏi nhà thơ chỉ thể hiện tư tưởng tình cảm của những con người đồng tộc đồng thời bằng một ngôn ngữ ai ai cũng cảm thụ được..." Không phải bây giờ, mà từ ngàn xưa, ông cha chúng ta cũng như người ở các nước khác trên thế giới đã phải luôn luôn bận tâm suy nghĩ về cái mà hiện nay được gọi là tính dân tộc, bản sắc dân tộc. Lịch sử loài người là gì, nếu không phải là lịch sử của sự hình thành, đấu tranh để sinh tồn và phát triển của các tộc người khác nhau? Trong quá trình ấy, tộc người nào cũng phải đi từ sự khẳng định một cách vô thức, một cách tự phát đến sự tự ý thức ngày càng cao hơn, đầy đủ hơn, chân xác hơn về mình. Dân tộc khác với các tộc người sơ khai chính ở trình độ của sự tứ ý thức tập thể ấy. Ý thức dân tộc có thể nảy sinh và trưởng thành một cách tiệm tiến, trong vòng hàng thế kỷ, hàng thiên niên kỷ, nhưng nó cũng có thể xuất hiện đột xuất và phát triển theo kiểu bùng nổ, và khi ấy lịch sử chứng kiến sự ra đời trong chớp nhoáng những dân tộc có sức bành trướng rất mãnh liệt như dân tộc Arập thế kỷ VII, dân tộc Mông Cổ thế kỷ XIII. Nhiều tộc người mài dũa, nâng cao ý thức dân tộc của mình trong cuộc đấu tranh gian khổ chống sự xâm lăng, đô hộ của kẻ thù bên ngoài hùng mạnh hơn mình nhiều, như người Việt Nam chúng ta (Bình Ngô đại cáo là bản tuyên ngôn độc lập quốc gia thể hiện sự tự ý thức về phẩm giá dân tộc rất cao mà không phải dân tộc nào chống ngoại xâm cũng có được). Nhưng có những dân tộc ngay từ buổi phát sinh đã ấp ủ những ý tưởng, lý tưởng kỳ vĩ mà họ sẽ dốc sức thực hiện trong suốt tiến trình lịch sử dài lâu của họ. Người Trung Hoa và người Hi Lạp cổ đại ngay từ đầu đã tin tưởng đinh ninh vào giá trị siêu việt của nền văn minh mà họ sẽ tạo ra. Từ khi chưa có nước Pháp, người Pháp thời trung đại sơ kỳ trong các trường ca sử thi truyền miệng đã nhất tề ca ngợi một “nước Pháp diễm lệ” (la belle France), cũng như người Nga đồng tâm tán tụng một “nước Nga thánh thiện” của họ (Svjataja Rus) - những định nghĩa thi ca rất cổ xưa ấy đã tiên báo cái sắc tố cơ bản sẽ ngời sáng sau này trong thiên hình vạn trạng những biểu hiện của văn hóa Pháp và văn hóa Nga. Người Do Thái, một dân tộc rất bé nhỏ sống giữa sa mạc Trung Đông luôn luôn bị các cường quốc trong khu vực xâm lược và đô hộ, hàng ngàn năm nay đã nuôi dưỡng ý tưởng về sứ mệnh đặc biệt, sứ mệnh cứu thế của mình và quả thật, họ đã khởi xướng một trong ba tôn giáo thế giới và là tôn giáo có thế lực nhất trong thế giới ngày nay; từ đầu Công nguyên, bị thôn tính quốc gia, bị xua đuổi khỏi đất nước của mình, sống rải rác khắp năm châu, hòa nhập vào cuộc sống của hàng chục dân tộc khác và hòa máu với họ, đại đa số không còn giữ được tiếng nói và tín ngưỡng gốc của mình, người Do Thái vẫn không hòa đồng với các tộc người khác, vẫn ý thức mình là một giống nòi riêng, có vận mệnh riêng.Lịch sử người Do Thái hay được các nhà triết học và khoa học nhân văn nhắc đến như một minh chứng hiển nhiên về cái bản chất sâu khôn cùng và bí ẩn của tính dân tộc. Không thể tiếp cận nó từ quan điểm duy vật thô thiển, không thể cắt nghĩa nó bằng những nguyên nhân kinh tế - vật chất nằm trên bề nổi của cuộc sống. Cái huyền bí của tính dân tộc từ thượng cổ thu hút suy tư của con người ở phương Đông cũng như phương Tây, nhưng trí tuệ con người chưa thể xuyên thủng được cái màn đen ấy, chừng nào các dân tộc còn sống khép kín, chưa hoặc còn ít hiểu biết về nhau, chừng nào chân trời tư duy của con người còn bị thu hẹp trong khuôn khổ quốc gia mình và một vài quốc gia lân cận có nền văn hóa gần gũi với mình, chừng nào bên cạnh ý thức dân tộc chưa hình thành ý thức về nhân loại như một hợp quần có cấu trúc của các tộc người và các nhóm tộc người, mỗi dân tộc và nhóm dân tộc có bản sắc riêng, có những hệ thống giá trị riêng, nhưng những khác biệt ấy không loại trừ nhau mà bổ sung, làm giàu cho nhau, tạo nên sự phong phú đa dạng đầy năng động của cuộc sống loài người.Ở Châu Âu, một quan niệm như vậy về dân tộc và nhân loại chỉ hình thành từ cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX, khi con người phương Tây sau một quá trình khám phá, giao lưu, nhận chân được nhiều thế giới văn hóa đặc sắc, muôn màu muôn vẻ và có giá trị ngang nhau của phương Đông. Nhiều tư tưởng minh triết về dân tộc và tính dân tộc được phát biểu ở Đức trong thời kỳ dân tộc này đang huy động tất cả nội lực tinh thần của mình để làm nên thế kỷ hoàng kim của văn học Đức. Herder hình dung lịch sử văn minh nhân loại như một bản nhạc phức điệu (Fuga) vô tận với các bè dân tộc xuất hiện trước sau, đối âm và hòa âm với nhau trong một chỉnh thể sống động. Fichte gọi các dân tộc là những nhân cách tập thể, những bản ngã cấp cao, những bản ngã cấp cao ấy thể hiện mình và tương tác hợp thành nhân loại. Goethe quan niệm các dân tộc như những hiện tượng nguyên khởi (Urphanomen), trí tuệ con người chỉ có thể di từ những hiện tượng phối sinh đến cái nguyên khởi để dừng lại trước nó và chiêm nghiệm nó, chứ không thể phân giải nó.Sau người Đức, người Nga trong suốt thế kỷ XIX và sang cả thế kỷ này đã suy nghĩ rất nhiều và sâu sắc về dân tộc và nhân loại, những tư tưởng ấy đã tác động mạnh mẽ đến tâm thức dân tộc Nga, góp phần làm nên sự nở rộ kỳ diệu của văn hóa Nga trong thời kỳ này. Ở phương Đông, những tư tưởng, những nhận thức thực sự sâu sắc về cái dân tộc chỉ xuất hiện từ khi có sự xâm nhập xâm lăng của phương Tây, có sự cọ xát, đấu tranh và đồng thời học hỏi phương Tây để bảo vệ và giải phóng dân tộc, giữ gìn và đổi mới các nền văn hóa dân tộc. Đi đầu ở đây là các nhà tư tưởng duy tâm và các nhà văn hóa Ấn Độ từ Rammohan Roy đến Tagore và Nehru, rồi đến Trung Quốc từ Lương khải Siêu đến Lỗ Tấn. Ở nước ta, cần phải nói đến vai trò xuất sắc của các nhà yêu nước cấp tiến từ Nguyễn Trường Tộ đến Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu. Chính họ là những người đã thay mặt cho dân tộc Việt Nam thực hiện một sự tự ý thức thực sự nghiêm chỉnh và đầy hiệu quả. Chỉ cần so sánh những tuyên bố khuôn sáo thiếu dẫn chứng của các nho sĩ thời trước về nền văn hiến lâu đời và nổi tiếng của đất Việt với những phân tích tận tường, những nhận định chân xác về dân tộc và đất nước trong Tỉnh quốc hồn ca và Việt Nam vong quốc sử là đủ thấy rõ. Những người cách mạng mácxít ở nước ta đã tiếp thu ở các bậc tiền bối cái ý thức dân tộc mới, cái tinh thần yêu nước nồng nàn nhưng tỉnh táo và đã biết huy động tất cả các sức mạnh dân tộc để đấu tranh giành lại và bảo vệ độc lập quốc gia. Chưa bao giờ sự phát huy ý thức dân tộc, phát huy các truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trước tiên là truyền thống yêu nước thương nòi lại đem đến những thắng lợi rực rỡ như trong hai cuộc kháng chiến chống đế quốc vừa qua. Chưa bao giờ nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa dồi dào dân tộc tính, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc lại được coi trọng như từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Tuy vậy, cũng không thể không thấy rằng sự vận dụng giáo điều, máy móc một số quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, trước tiên là quan điểm về giai cấp và đấu tranh giai cấp, trong một thời gian khá dài đã hạn chế đáng kể những thành quả của chúng ta trong việc xây dựng văn hóa mới, con người mới, ngăn chặn những lối tiếp cận đúng đắn đối với một loạt vấn đề quan trọng hàng đầu như việc nhận chân bản sắc của văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam, tiếp thu di sản tinh thần của cha ông để lại, thực hiện giao lưu văn hóa đa phương với các dân tộc khác,... Sự tuyệt đối hóa vai trò của giai cấp và đấu tranh giai cấp, việc không biết giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa cái giai cấp, cái dân tộc và cái toàn nhân loại, chính sách phi dân tộc hóa nguy hại như thế nào cho vận mệnh của chủ nghĩa xã hội, chúng ta thấy rất rõ qua sự sụp đổ của Liên bang Xô viết.Vậy cái dân tộc, tính dân tộc, bản sắc dân tộc là gì? Chúng tôi đã dẫn định nghĩa theo chúng tôi là rất sâu sắc của Fichte. Nhiều nhà tư tưởng của phương Tây và phương Đông cũng đưa ra những giới thuyết tương tự. Dân tộc là một siêu cơ thể, một thực thể tinh thần, siêu cá nhân và siêu đẳng cấp, một yếu tố bản thể sống động và sáng tạo thể hiện mình bằng muôn vàn biểu hiện cụ thể, nhưng không trùng khít với bất cứ một biểu hiện hay nhóm biểu hiện nào, không bị vắt kiệt bởi bất cứ một thành quả nào, dù có giá trị đến đâu chăng nữa. Khẳng định điều đó tức là bác bỏ lập trường bảo thủ, sùng bái mù quáng quá khứ dân tộc cũng như thái độ đề cao nông nổi cái hiện tại, coi thường hoặc phỉ báng di sản của cha ông. Cần đặc biệt nhấn mạnh bản chất sống động và sáng tạo trong tính dân tộc, tinh thần dân tộc. Dân tộc sinh tồn trong vĩnh cửu chứ không phải chỉ trong hôm nay và hôm qua. Trong tồn tại dân tộc, cái hiện hữu, cái nằm trên bề nổi hiện đại đan thoa với cái đã chìm vào quá khứ và cái sẽ nảy sinh trong tương lai. Không bao giờ có sự viên mãn trong phát triển dân tộc, bản chất, bản sắc dân tộc luôn luôn là một nhiệm vụ sáng tạo mà các dân tộc phải thực hiện không được nghỉ ngơi. “Một dân tộc chỉ có thể tồn tại bằng cái giá không ngừng tìm kiếm bản sắc dân tộc của mình”(1) - đó là kết luận của một sử gia lớn người Pháp (Fernand Braudel), thâu tóm được mệnh lệnh của thời đại đồng thời cũng là quy luật của muôn đời.Bản sắc dân tộc biểu hiện tập trung ở trong lĩnh vực văn hóa (khoa học kỹ thuật có bản chất phi dân tộc). Các nhà văn hóa lớn, các thiên tài dân tộc là những người vừa bộc lộ rực rỡ, vừa bồi đắp, bổ sung cơ bản cho bản ngã dân tộc. Khổng Tử, Chu Công, Khuất Nguyên, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Lỗ Tấn ở Trung Quốc; Chrétien de Troyes, Rabelais, Descartes, Racine, Voltaire, Hugo, Balzac ở Pháp; Pushkin, Gogol, Dostoievski, Tolstoi, Vladimir Soloviev ở Nga; Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh, Nam Cao ở Việt Nam - những bảng danh sách vẻ vang cho hiện thân của văn hóa dân tộc ấy còn có thể lập rất nhiều...Không thể khẳng định tính dân tộc như một giá trị lớn cần không ngừng bồi đắp nếu tách rời nó hoặc đối lập nó với tính nhân loại. Tâm hồn dân tộc, tính cách dân tộc, truyền thống dân tộc, những lý tưởng đạo đức và thẩm mĩ của các dân tộc là những biểu hiện cụ thể và sống động của tính nhân loại, tính người vĩnh hằng. Tinh hoa văn hóa của mọi dân tộc đều có giá trị toàn nhân loại, và ngược lại, không một giá trị đích thực nào của văn hóa nhân loại lại xa lạ và không thể dung nạp đối với bất cứ một dân tộc nào. Cách nói “tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới” còn vẫn thường thấy trong sách báo của ta theo chúng tôi là một cách nói vừa hơi kênh kiệu vừa chưa đầy đủ. Phải nói tiếp thu sáng tạo, hấp thụ nhuần nhuyễn để biến thành cái của mình, làm giàu cho bản sắc mình mới đúng. Nhiệm vụ của chúng ta trong lĩnh vực này hiện nay là hết sức nặng nề.Như vậy, cá nhân, dân tộc, nhân loại là ba cấp độ liên hoàn trong một trật tự hoàn chỉnh, trong một vũ trụ con người. Nhưng vũ trụ con người nằm bên trong và bắt rễ muôn phương vào vũ trụ tự nhiên bao trùm nó và mênh mông hơn nhiều. Mỗi một con người bằng thân xác và tâm hồn cộng thông không chỉ với dân tộc, mà còn cả với nhân loại và vũ trụ nữa, huống chi thơ ca, âm nhạc, hội hoạ. Định nghĩa thơ là tiếng nói của tâm hồn dân tộc là đúng và sâu, nhưng không đầy đủ cũng như mọi định nghĩa khác. Tính dân tộc là một phẩm chất quý giá cần có trong thơ, nhưng không thể căn cứ vào độ đậm đặc bề ngoài của những dấu hiệu dân tộc tính để định giá thơ ca. Không thể lẫn lộn tính dân tộc với tính bình dân, tính đại chúng. Không thể đòi hỏi nhà thơ, “con tin của vĩnh cửu”, như Pasternak nói, chỉ thể hiện tư tưởng tình cảm của những con người đồng tộc đồng thời bằng một ngôn ngữ ai ai cũng cảm thụ được. Lịch sử nghệ thuật cho ta thấy biết bao sự “lạc lõng” đối với thời đại nhưng hóa ra lại là đi trước thời đại, biết bao sự mâu thuẫn với thị hiếu công chúng đương thời dần dần lại trở thành tiêu chí cho những thị hiếu mới, quảng đại hơn, tinh tế hơn. Trong mọi thời đại, người sáng tạo càng sâu sắc và độc đáo bao nhiêu thì càng đạt tính dân tộc, tính nhân loại ở độ cao bấy nhiêu. Trong trường cửu, Saint - Jhon Phrse và Paul Valery “Pháp” hơn Jacques Prévère, Pasternak và Mandelshtam “Nga” hơn Esenin, mặc dù thơ Prévère và Esenin chiếm lĩnh dễ dàng trái tim của hàng triệu người Pháp và người Nga, còn với từng câu thơ của Saint - Jhon Perse hoặc Mandelshtam, người đọc phải lao động như con ong hút mật từ hoa...
... "Nhiệm vụ ghi tạc bằng những hình ảnh nghệ thuật sống động cuộc sống Việt Nam, tính cách Việt Nam, thiên nhiên Việt Nam - sứ mệnh quan trọng hàng đầu của văn học dân tộc - chỉ được thực hiện trong thời đại mới, khi mà văn hóa Việt Nam đoạn tuyệt với sự câu nệ văn hóa cổ Trung Hoa, từ bỏ những khuôn mẫu cứng nhắc lỗi thời, hướng con mắt sang phương Tây, đón nhận tác động canh tân của văn học châu Âu, trước hết là văn học Pháp..."… Trong thơ Việt Nam ta xưa và nay cũng không hiếm những sự khác biệt tương tự.Bàn luận về sự bồi đắp tính dân tộc, bản sắc dân tộc trong thơ nước ta, không thể không đối chiếu thơ hôm nay với thơ ngày xưa. Thơ văn Việt Nam hiện nay viết bằng tiếng Việt, một tiếng đẹp và phong phú, có khả năng diễn đạt mọi tư tưởng, mọi sắc thái tình cảm, tiếng nói ấy là niềm tự hào chính đáng của mọi người Việt Nam chúng ta, là biểu hiện ngời sáng của bản sắc dân tộc Việt Nam được gìn giữ và bồi đắp từ thế hệ này qua thế hệ khác. Thế nhưng cách đây không đầy một thế kỷ, trong suốt ít nhất một ngàn năm, văn học thành văn của chúng ta được sáng tác chủ yếu bằng tiếng Hán, theo các quy phạm, khuôn mẫu của văn học Trung Hoa thời Đường - Tống. Cho đến nay, trong xã hội ta, chưa có thái độ thống nhất về hiện tượng này. Không ít người coi đó là bằng chứng hiển nhiên về sự lai căng, lệ thuộc vào Tàu, về sự tiểu nhược của cha ông chúng ta về mặt văn hoa. “Ông cha ta hàng chục thế kỷ học Trung Quốc, viết chữ Trung Quốc, nghĩ theo cách nghĩ của Trung Quốc, pháp luật mô phỏng của Trung Quốc, học triết học Trung Quốc, theo lễ giáo Trung Quốc, về tín ngưỡng theo cả Trung Quốc và Ấn Độ... Cố nhiên, trong văn học cổ nước ta có nhiều hạt ngọc bị che phủ bởi một lớp bụi thời gian mà bổn phận của chúng ta là phải... tìm tòi, lượm lặt, nghiên cứu không được bỏ sót một hạt. Nhưng dù sao, đứng về khách quan mà xét, chúng ta không thể không nhận thấy văn hóa cổ của ta có hai nhược điểm lớn : kém khoa học và lai Trung Quốc”[i].Nhận định rất tỉnh táo ấy của Trường Chinh được đưa ra từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp, về sau này ít được nhắc đến, phải chăng bởi vì theo quan niệm của một số người, nó mâu thuẫn với yêu cầu nâng cao lòng tự tôn dân tộc của một nhân dân anh hùng? Rất gần đây, một học giả có uy tín của chúng ta nói: “Các nhà nho Việt Nam chỉ học Tứ Thư, Ngũ Kinh, Bắc Sử, thơ văn Trung Quốc. Chương trình thi cử chẳng có một tài liệu nào của Việt Nam cả. Nếu bảo đó là một học vấn nô lệ thì cũng chẳng oan... các nhà Nho viết chữ Hán quen hơn viết chữ Nôm, ngôn ngữ của họ đầy điển tích lấy ở sách Hán và gần như không có điển tích lấy ở Việt Nam”. Thế nhưng “Toàn bộ nền văn học chữ Hán khẳng định sự độc lập của đất nước, ca ngợi non sông, đó là văn học của con đất Việt, văn học về trách nhiệm của người dân, bầy tôi đối với sự tồn vong của dân tộc. Như vậy là sự tiếp thu văn hóa ngoại lai dù một cách máy móc vẫn không thể thay đổi bản sắc của văn hóa dân tộc”.Tôi sợ nhận định có tính châm chước cho cha ông như vậy không lột tả được thực chất vấn đề. Không lẽ giá trị thơ văn chữ Hán của chúng ta thể hiện ở nội dung yêu nước mâu thuẫn với vỏ ngôn từ của nó? Vì sao cha ông ta lại không dùng tiếng mẹ đẻ để truyền đạt một nội dung tư tưởng rất tương hợp? Chúng tôi thiết nghĩ, việc ông cha ta học tập, bắt chước người Trung Hoa có một nguyên nhân đơn giản và tự nhiên hơn nhiều đối lập với Bắc Triều về mặt chính trị, các cụ bái phục người Tàu về mặt văn hóa, mà bái phục ai thì người ta đương nhiên bắt chước, học tập người ấy. Một phép ứng xử như thế là tự nhiên và phổ biến. Xưa nay, ở phương Đông cũng như phương Tây, những nền văn hóa còn sơ khai, non yếu bao giờ cũng bắt chước, vay mượn các nền văn hóa phát triển cao, có bản sắc mãnh liệt. Người Nhật, người Triều Tiên cũng rất khâm phục Trung Quốc, học tập và bắt chước Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực; ở Nhật Bản và Triều Tiên cũng có văn học viết bằng chữ Hán.Như nhà nghiên cứu Phan Ngọc cho biết, nền Hán học, Nho học ở các nước ấy xem ra còn phong phú hơn, sâu sắc hơn ở ta. Du nhập Khổng giáo, sáng tác bằng chữ Hán và trao đổi những sáng tác ấy không những với người Hoa mà còn với cả người Nhật và người Triều Tiên, ông cha ta đã hội nhập một cách có ý thức vào một thế giới văn hóa to lớn mà khoa học hiện đại gọi là nền văn minh Viễn Đông. Arnold Toynbee, sử gia và nhà văn hóa học cự phách bậc nhất của thế kỷ này, gọi văn minh Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam là những nền văn minh hành tinh của vì sao văn minh Trung Hoa, và thiết tưởng chúng ta cũng không nên phật lòng vì một sự định vị như thế. Minh tinh có bản sắc của minh tinh, hành tinh có bản sắc của hành tinh. Những công trình nghiên cứu nghiêm túc ở nước ta gần đây đã cho thấy những khúc xạ đặc thù của Phật giáo, Khổng giáo ở Việt Nam, sự nghiên cứu so sánh tận tường văn học chữ Hán của người Việt, người Nhật và người Triều Tiên chắc chắn sẽ làm sáng tỏ chất Việt trong thơ văn chữ Hán của các nhà thơ ưu tú nước ta, chất Việt ấy không chỉ ở trong nội dung yêu nước thương nòi mà ai ai cũng thấy được, mà còn nằm sâu trong cách cảm nghĩ rung động trước thiên nhiên và thế sự của tâm hồn Việt. Không biết người nước ngoài và ngay cả người Trung Quốc có ai khóc Khuất Nguyên thống thiết, bằng nước mắt pha máu, tâm sự với Đỗ Phủ bằng một giọng ấm áp chan chứa cảm thương như Nguyễn Du? Thơ đi sứ của Nguyễn Du chan chứa tâm huyết của người con đất Việt, chan chứa chủ nghĩa nhân văn cao cả và tính nhân loại đích thực, mặc dù được viết bằng chữ Hán nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc hơn rất nhiều bài thơ Nôm trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập. Sự sáng tác bằng chữ Hán, theo cảm nhận của chúng tôi, còn thoả mãn một nhu cầu tinh thần cao đẹp nữa của người Việt: nhu cầu tắm gội nước nguồn, hô hấp không khí của một vũ trụ văn hóa kỳ vĩ mà người Việt một mình không kiến tạo nổi nhưng có đóng góp vào sự kiến tạo nên nó và đã ngàn đời sống trong nó, khác với thế giới văn hóa châu Âu mà người Việt chỉ tiếp thu ảnh hưởng, chứ không góp phần làm nên nó cho nên ít nhiều vẫn thấy nó xa cách với mình. Có lẽ chính cái đó cắt nghĩa vì sao ngay thời nay, các nhà văn hóa Việt Nam có Hán học (không chỉ Hồ Chí Minh, Võ Liêm Sơn mà cả Tào Mạt) vẫn thích trút bầu tâm sự vào những dòng thơ chữ Hán. Điều đó không mâu thuẫn chút nào với bản sắc Việt Nam sáng rõ như ban ngày ở họ. Chính sự thiếu Hán học, sự đứt đoạn với truyền thống văn hóa ngàn đời của đất nước và khu vực là một thiệt thòi của thế hệ cầm bút hiện nay được cảm thấy rất rõTiếp thu trân trọng và nâng niu phần tinh hoa trong di sản thơ ca chữ Hán của ông cha, chúng ta tuy nhiên không thể không nhận thấy hai nhược điểm cơ bản của văn học cổ nước ta: thứ nhất, nó chỉ biết có Trung Quốc, chỉ học tập Trung Quốc, quay lưng lại với toàn bộ thế giới ngoài Trung Hoa, thứ hai, các nhà văn hóa của chúng ta ngay khi sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ vẫn không có ý thức đầy đủ rằng họ là những chủ thể của nền văn học dân tộc. Một tài năng sáng tạo như Cao Bá Quát tán thưởng Truyện Kiều và truyện Hoa Tiên, nhưng vẫn rất hồ nghi có thể có được một nền văn học bằng Quốc ngữ hay không. Chắc là dưới con mắt ông, giữa văn học bác học bằng chữ Hán và văn học bình dân bằng chữ Nôm vẫn có một vực ngăn cách không thể bước qua. Bản thân Nguyễn Du, thi hào dân tộc lớn nhất của chúng ta, khi sáng tác (hay nói đúng hơn phóng tác) Truyện Kiều cũng không đặt ra cho mình những nhiệm vụ có ý nghĩa văn hóa dân tộc như là ở châu Âu cùng thời với ông Goethe và Pushkin đã đặt ra cho mình khi họ, người thì viết trường ca Hermann và Dorothée người thì viết tiểu thuyết thơ Evgeni Onegin. Nhiệm vụ ghi tạc bằng những hình ảnh nghệ thuật sống động cuộc sống Việt Nam, tính cách Việt Nam, thiên nhiên Việt Nam - sứ mệnh quan trọng hàng đầu của văn học dân tộc - chỉ được thực hiện trong thời đại mới, khi mà văn hóa Việt Nam đoạn tuyệt với sự câu nệ văn hóa cổ Trung Hoa, từ bỏ những khuôn mẫu cứng nhắc lỗi thời, hướng con mắt sang phương Tây, đón nhận tác động canh tân của văn học châu Âu, trước hết là văn học Pháp. Hai sự kiện lịch sử đánh dấu bước trưởng thành mới của văn học nước nhà, bước bồi đắp mới, rất cơ bản cho bản sắc dân tộc của văn học Việt Nam: cuộc cách mạng trong thơ ca mang tên phong trào Thơ Mới và sự ra đời của văn xuôi nghệ thuật Việt Nam.Về phong trào Thơ Mới, gần đây đã có nhiều công trình nghiên cứu noi theo tác phẩm xuất sắc Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân khẳng định lại vai trò to lớn của nó trong việc hiện đại hóa thơ ca Việt Nam. Chúng tôi không nhắc lại những kết luận đúng đắn trong các công trình ấy. Có điều chúng tôi thấy rằng cần tránh những sự nhảy từ cực này qua cực kia, từ chỗ phủ định sạch trơn như trong một thời gian dài trước đây đi đến đề cao quá mức những thành tựu của phong trào Thơ Mới, coi nó như tuyệt đỉnh của thơ Việt Nam trong thế kỷ này. “Tinh hoa văn hóa Việt Nam hòa hợp với tinh hoa văn hóa Pháp tạo thành một phong trào thơ lộng lẫy... Thơ Mới là bản hòa âm của hai văn hóa cách xa nhau vời vợi, là bản giao hưởng cổ và hiện đại”[iii]. Một sự kết hợp nhuần nhuyễn tinh hoa văn hóa dân tộc với tinh hoa văn hóa nhân loại, một sự giao hòa du dương giữa cái cổ và cái kim là lý tưởng mà ngay cả các thiên tài cũng khó đạt được. Vấn đề sự phát hiện cái tôi trong Thơ Mới cũng cần được bàn thêm. Có phải trước đó, trong thơ Việt Nam hoàn toàn vắng bóng cái tôi, cái cá nhân không? Thế còn thơ tâm tình của Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát? Cái tôi trữ tình của các ông vừa có bản sắc rất riêng tư, vừa bao hàm trong mình cả một nhân loại, do đó có kích thước khổng lồ. Tán dương một chiều cái tôi trữ tình, dễ gieo rắc một quan niệm không đúng là nhất thiết phải có cái tôi lồ lộ thì Thơ Mới hiện đại. Thơ cách mạng cũng bị một vài người đánh giá là kém tác dụng bởi vì thiếu cái tôi trong đó. Nhưng thực ra nguyên nhân không phải ở đây. Đa số thơ cách mạng của ta thiên về tuyên truyền cổ động cho cách mạng, chứ chưa khám phá ra được thế giới tinh thần, tình cảm, trí anh minh của nhân dân trong cách mạng, do đó mà tác dụng của chúng bị hạn chế. Trong văn học Xô Viết có một nhà thơ vĩ đại - A. Tvardovski - thơ ông hoàn toàn không có cái tôi, nhưng đó là thơ bất hủ. Cái buồn sầu, cái bi lụy, cái chán đời trong Thơ Mới trước kia bị nghiêm khắc lên án, bây giờ được chấp nhận, nhưng cách cắt nghĩa thì theo chúng tôi lại chưa thỏa đáng. Cái buồn ấy đúng là có tính con người nhưng nếu đem so với cái buồn nhân sinh thế sự đạt đến chất bi thực thụ trong thơ cổ điển thì xem ra còn thiếu chiều sâu tư cảm, thậm chí đôi khi mang tính điệu bộ. Kiểu buồn ủy mị ấy mặc dù phù hợp với tâm lý một số tầng lớp độc giả thị dân, song ít tác dụng giáo dưỡng thanh lọc tình cảm, bồi dưỡng sức mạnh tâm hồn con người, khác hẳn với cái buồn bi thiết có sức mạnh Katarsis trong thơ cổ điển được nhắc đến ở trên. Với tất cả thái độ trân trọng đối với những cống hiến của phong trào Thơ Mới, chúng tôi vẫn thấy rằng văn xuôi nước ta cũng trong thời gian ấy đã đạt được những thành tựu vững vàng, hòan chỉnh hơn, những thành tựu ấy đã làm điểm tựa khá vững chắc cho nền văn xuôi ta tiếp tục phát triển. Ngay câu văn của Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân... bây giờ vẫn mới mẻ, điều mà không thể nói được về các thể thơ, giọng thơ, từ ngữ thơ của phong trào Thơ Mới. Chính vì thế, ngay sau khi chiến thắng, Thơ Mới đã bị những nhóm phái, xu hướng thơ khác, từ Xuân Thu Nhã Tập trở đi đấu tranh để vượt qua.Bức tranh thơ Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay rất phong phú và phức tạp, thành tựu cũng nhiều mà những vấn đề tồn tại cũng không ít, không thể tóm tắt trong bài viết ngắn này. Mong các nhà nghiên cứu chúng ta tiếp tục tập trung bàn luận để làm sáng rõ thêm về những chủ đề ấy.
Giáo sư Phạm Vĩnh Cư

File đính kèm:

  • docBinh luan van hoc Tinh dan toc trong tho Viet Nam vinh cuu va luon luon bien doi.doc