Đề thi học sinh giỏi môn: ngữ văn 7 năm học 2013-2014

doc4 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 3017 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi học sinh giỏi môn: ngữ văn 7 năm học 2013-2014, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHÒNG GD ĐT THANH OAI
TRƯỜNG THCS THANH THÙY

ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI
MÔN: NGỮ VĂN 7
NĂM HỌC 2013-2014
Thời gian làm bài: 120 phút (Không kể thời gian giao đề)

Câu 1: (4,0 điểm)
	Chỉ ra và phân tích giá trị nghệ thuật của phép tu từ được sử dụng trong khổ thơ sau đây:
“Trên đường hành quân xa
Dừng chân bên xóm nhỏ
Tiếng gà ai nhảy ổ
“Cục … cục tác cục ta”
Nghe xao động nắng trưa
Nghe bàn chân đỡ mỏi
Nghe gọi về tuổi thơ”
(Tiếng gà trưa, Xuân Quỳnh, Ngữ văn 7, Tập 1)

Câu 2: (6,0 điểm)
 Suy nghĩ của em về câu chuyện sau:
Chiếc bình nứt
 Một người Ấn Độ thường dùng hai cái bình lớn để gánh nước từ suối về nhà. Một trong hai cái bình này đã bị nứt và khi về đến nhà, nước trong bình đã bị vơi đi một nửa. Cái bình nứt luôn buồn bã, khổ sở vì khiếm khuyết của mình. Một ngày nọ, cái bình nứt nói với người chủ của mình: 
Tôi thấy thật xấu hổ vì đã không làm tròn công việc. Vì tôi mà ông phải làm việc cực nhọc hơn. 
 Người gánh nước nói bằng giọng cảm thông:
Trên đường về, ngươi có để ý những luống hoa xinh đẹp dọc đường không? Ngươi có thấy hoa chỉ mọc ở phía đường của ngươi mà không phải là phía bên kia không? Ta đã biết khiếm khuyết của ngươi. Vì vậy, ta đã gieo những hạt hoa bên đó, và mỗi ngày ngươi đã tưới nước cho chúng. Hai năm qua, ta đã hái những bong hoa này để tặng mọi người và làm đẹp căn phòng của chúng ta…
(Theo: Hạt giống tâm hồn.)
Câu 3. (10,0 điểm)
	Viết bài văn nêu suy nghĩ về một hành động thể hiện tính trung thực của một học sinh.

Duyệt của tổ chuyên môn
Duyệt của BGH
PHÒNG GD ĐT THANH OAI
TRƯỜNG THCS THANH THÙY

HƯỚNG DẪN CHẤM THI HỌC SINH GIỎI
MÔN NGỮ VĂN 7
NĂM HỌC 2013-2014

Câu 1 (4 điểm):
* Yêu cầu:
- Về hình thức: Viết thành đoạn văn.
- Về nội dung: Học sinh chỉ ra được các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong khổ thơ:
+ Cả khổ thơ là những rung cảm ban đầu của người lính trên đường hành quân khi nghe tiếng gà trưa.
+ Dòng thơ “Cục … cục tác cục ta” với việc lặp âm và những dấu chấm lửng đã mô phỏng sát đúng tiếng gà làm cho chuyện kể như được lồng vào một bức tranh nổi có tiếng gà vang vọng trong không gian.
+ Lối dùng ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, lấy thính giác (nghe) thay cho cảm giác (thấy) và điệp ngữ “nghe” lặp lại ba lần ở đầu dòng thơ có tác dụng đem lại ấn tượng như tiếng gà ngưng lại, làm xao động không gian và xao động lòng người.
+ Trật tự đảo của kết cấu so sánh: Nghe xao động nắng trưa (làm nổi bật nghĩa bóng) với Nghe nắng trưa xao động (làm nổi bật nghĩa đen) xen vào những trật tự đảo của câu trước và câu sau, làm cho âm điệu câu thơ thay đổi, tránh được sự nhàm chán đồng thời diễn đạt được sự bồi hồi, xao xuyến trong tâm hồn.

* Cho điểm:
 - Cho 3,5 - 4 điểm: Cảm nhận đầy đủ, sâu sắc, tinh tế.
 - Cho 2,5 – 3,25 điểm: Cảm nhận khá đầy đủ các ý trên.
 - Cho 1,5 – 2,25 điểm: Cảm nhận khá đầy đủ nhưng tản mạn, khô cứng.
 - Cho 1,0 - 1,25 điểm: Cảm nhận hời hợt, nông cạn.
 - Cho 0,25 - 0,75 điểm: Có chi tiết chạm vào yêu cầu.
 - Cho 0 điểm: Cảm nhận sai hoàn toàn hoặc bỏ giấy trắng.

Câu 2 : 
a. Yêu cầu về kĩ năng:
- Bài làm phải được tổ chức thành bài làm văn hoàn chỉnh hoặc đoạn văn theo cách lập luận Tổng – Phân – Hợp.
- Kết cấu chặt chẽ; hạn chế lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
b. Yêu cầu về kiến thức: 
- Học sinh có thể tổ chức bài làm theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đáp ứng được những ý cơ bản sau:

* Cái bình nứt và ý nghĩa câu chuyện. (1,5đ)
- Cái bình nứt-hình ảnh ẩn dụ về con người khiếm khuyết, kém may mắn nhưng vẫn mong muốn làm tốt công việc như một người bình thường. Nó buồn bã, khổ sở vì khiếm khuyết của mình và đã bộc lộ với người chủ suy nghĩ của mình.
- Người chủ: trả lời bằng giọng cảm thông: “ Trên đường về…. của chúng ta”
=> Ý nghĩa: Câu chuyện giản dị nhưng ý nghĩa sâu sắc về những con người có cách ứng xử cao đẹp. Một người luôn trăn trở về khiếm khuyết của mình mà chưa làm tốt công việc khiến người khác vất vả hơn. Một người lại có tấm lòng bao dung, nhân ái, biết trân trọng, cảm thông, tạo điều kiện cho họ sống tốt hơn và có ý nghĩa hơn. 
* Nhân cách cao đẹp của cài bình nứt và tấm lòng nhân ái của người gánh nước. (1,5đ)
- Hình ảnh cái bình nứt-người khiếm khuyết: biết được khiếm khuyết của mình, buồn bã nhưng không bất lực, mặc cảm, buông xuôi mà ngược lại anh thương người khác đã phải vất vả cực nhọc vì mình, mong ước của chiếc bình trở nên hữu ích hơn cho cuộc sống. Đó là một tấm gương - nhân cách cao đẹp.
- Người gánh nước: Không coi thường, sa thải chiếc bình, ngược lại ông có thái độ yêu thương, trân trọng, sẻ chia,…Đó là tấm gương đẹp cao thượng trong cách ứng xử và lòng nhân ái.
* Bài học: (3,0 đ)
- Mỗi người cần phải nỗ lực vươn lên, nhất là những người có hạn chế. Vì cuộc sống là cuộc hành trình gian nan, vất vả mà mỗi con người đề phải cố gắng vượt qua để sống tốt và cống hiến; vượt qua khiếm khuyết của mình là một điều đáng trân trọng.
- Những người có may mắn hơn cần có thái độ ứng xử tốt với họ vì đó là nguồn động viên vô giá, chỗ dựa tinh thần để họ có thêm sức mạnh vượt qua mọi khó khăn. Nếu dửng dưng, vô cảm trước khó khăn của người khác đó là lối sống ích kỉ, đáng lên án.
- Liên hệ thực tế cuộc sống và bản thân: (nêu dẫn chứng từ thực tế cuộc sống….)
Câu 3 (10 điểm):
1) Yêu cầu chung:

 - Văn biểu cảm (về một hành động thể hiện tính trung thực của một học sinh)
 - Yêu cầu HS biết vận dụng kiến thức đã học về tập làm văn và văn học để làm bài, trong đó có kết hợp với miêu tả và tự sự.
 - Khuyến khích những bài làm có sự sáng tạo, có cảm xúc, giàu chất văn…

2) Yêu cầu cụ thể:
*Mở bài: (1,5đ)
- Giới thiệu chung về giá trị của lòng trung thực và sự khó khăn của mỗi người khi muốn trở thành người trung thực.
- Liên hệ tới hành động, hoàn cảnh và nhân vật gắn với hành động. Nêu cảm nghĩ chung nhất về hành động ấy.
* Thân bài (6,0đ)
- Kể tóm tắt về hành động thể hiện tính trung thực của bạn học sinh.
+ Giới thiệu tình huống (bạn học sinh đó rơi vào tình huống nào? Phản ứng của mọi người trước tình huống đó ra sao?) (1,0đ)
+ Giới thiệu một vài biểu hiện không đúng với lòng trung thực của học sinh (tìm cách biện hộ để tránh tội cho mình, đổ lỗi cho người khác,…) (1,0đ)
Biểu cảm về hành động trung thực của bạn.
+ Cảm nhận được thái độ của bạn khi hành động (tự tin, quyết tâm vượt lên nỗi ngại ngùng, sợ hãi,…) (1,25đ)
+ Nêu một số phản ứng của mọi người xung quanh trước hành động của bạn. (1,0đ)
+ Nêu cảm nghĩ của bản thân (xấu hổ vì mình đã có ý nghĩ thiếu trung thực, khâm phục bạn; từ hành động trung thực, dũng cảm của bạn để tự nhắc nhở mình cần học tập, phấn đấu làm người sống trung thực như bạn,…) (1,75đ)
*Kết bài (1,5đ)
- Khái quát thành bài học về lòng trung thực đối với học sinh.

Về hình thức : (1 điểm) 
Bố cục rõ ràng, đầy đủ, trình bày sạch đẹp, diễn đạt lưu loát, ít sai chính tả. 
Bài làm đúng thể loại. 


-------------------------------------------------
Duyệt của tổ chuyên môn
Duyệt của BGH

File đính kèm:

  • docDe HSG van 7 Thanh Thuy.doc
Đề thi liên quan